WHO với vai trò dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19

Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 19-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghebreyesus tuyên bố, tổ chức đa phương này sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19, 'vốn đe dọa phá vỡ khuôn khổ hợp tác quốc tế'.

Ông Ghebreyesus cảm ơn các nước thành viên của WHO đã bày tỏ tinh thần ủng hộ và đoàn kết với tổ chức toàn cầu này. Ông cũng hoan nghênh nghị quyết của Liên hiệp châu Âu (EU) vừa được 194 nước thành viên WHO thông qua, trong đó kêu gọi đánh giá độc lập về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đại dịch Covid-19. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo chiến lược nhằm phối hợp các biện pháp đối phó toàn cầu đối với đại dịch".

* Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi số người nhiễm trên toàn cầu đã vượt quá năm triệu người. Theo thống kê, tính đến tối 20-5 (giờ Việt Nam), trên thế giới xác nhận hơn 5.003.000 người nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 325.000 người chết. Có hơn 1,9 triệu người bệnh đã được chữa khỏi. Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,5 triệu người nhiễm và hơn 93.500 người chết.

* Ngày 20-5, Bộ Y tế Malaysia xác nhận 31 người nhiễm mới dịch Covid-19, đưa tổng số người nhiễm lên 7.009 người, 114 người chết. Tại In-đô-nê-xi-a, nước này thông báo có 693 người nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày tại nước này và đưa tổng số người nhiễm lên 19.189 người. Số người chết mới là 21 người, đưa tổng số người chết lên 1.242 người.

* Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines xác nhận 279 người nhiễm mới, cao nhất trong một ngày trong vòng chín ngày qua và nâng tổng số người nhiễm lên 13.221 người, trong đó có 842 người chết. Bộ Y tế Philippines nhận định, nước này đang đối mặt làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai.

* Ngày 20-5, Singapore xác nhận 570 người nhiễm mới đưa tổng số lên 29.364 người, 22 người chết, ngoài ra có 10.365 người bệnh đã bình phục. Các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó dịch Covid-19 đang được áp dụng tại nước này sẽ chính thức kết thúc vào ngày 1-6 tới.

* Ngày 20-5, Chính phủ Nhật Bản cho biết, có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19 tại ba tỉnh thuộc khu vực Can-xai vào hôm nay (21-5). Một trong những tiêu chí quan trọng để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở địa phương là tỷ lệ số người nhiễm mới giữ ở mức tối đa 0,5%/100 nghìn dân trong bảy ngày liên tiếp.

* Ngày 19-5, người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha M.Môn-tê-rô cho biết, chính phủ đang tìm cách thuyết phục Quốc hội nước này kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm hai tuần, tức đến ngày 7-6 tới sau khi lệnh khẩn cấp hiện tại sẽ hết hạn ngày 23-5 tới. Ðến nay, Tây Ban Nha ghi nhận hơn 27.700 người chết trong hơn 278.000 người nhiễm Covid-19.

* Cùng ngày, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kéo dài lệnh cấm đi lại tại 15 thành phố lớn của nước này thêm 15 ngày, theo đó, lệnh cấm mọi hoạt động đến và đi bằng đường bộ, đường biển và hàng không hiện đang được áp dụng ở các địa phương này, sẽ có hiệu lực đến ngày 3-6 tới. Ðến nay, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận 151.615 người mắc Covid-19 và 4.199 người chết.

* Ngày 20-5, nhà chức trách Nga thông báo số người chết vì nhiễm Covid-19 trong một ngày tại nước này ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 135 người. Tuy nhiên, số người bệnh nhiễm mới trong ngày lại ở mức thấp nhất, với 8.764 người. Ðến nay, tại Nga đã có hơn 308.000 người nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2.900 người chết.

* Bộ Y tế Ai Cập ngày 19-5 thông báo có thêm 720 người nhiễm Covid-19, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong ngày, nâng tổng số người nhiễm lên 13.484 người, trong đó có 659 người chết. Cùng ngày, Thủ tướng Ai Cập M. Madbouli ra sắc lệnh quy định người dân nước này phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và cơ quan nhà nước kể từ ngày 30-5 tới. Những người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt lên tới 4.000 bảng Ai Cập (khoảng 255 USD).

* Ngày 20-5, Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan gửi thư lên Quốc hội nước này thông báo một người nhiễm Covid-19 có nguồn lây từ chồn. Ca nhiễm nêu trên là một nông dân làm việc tại một trại nuôi chồn lấy lông xuất khẩu. Bức thư không nói cụ thể tình trạng sức khỏe của người bệnh này. Hà Lan lần đầu nhận báo cáo bùng phát dịch Covid-19 tại các trại nuôi chồn hồi tháng 4 vừa qua. Nhà chức trách đã mở rộng điều tra sau khi nhận được báo cáo.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44549902-who-voi-vai-tro-dan-dat-cuoc-chien-toan-cau-chong-covid-19.html