WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 nghĩa là gì?

11 năm kể từ đại dịch cúm H1N1, WHO quyết định tuyên bố đợt bùng phát virus corona mới là 'đại dịch' toàn cầu, một từ ít được sử dụng và có thể dẫn đến hiểu nhầm.

"Đại dịch" không liên quan đến bệnh nặng như thế nào. Nó chỉ có nghĩa là căn bệnh đang lan rộng, theo AP.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesushe đã đưa ra tuyên bố hôm 11/3 cho biết cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc rất quan ngại về mức độ lây lan đáng báo động.

Nhưng đồng thời, Tổng giám đốc WHO Tedros nói rõ rằng tuyên bố không có nghĩa là các quốc gia nên từ bỏ việc cố gắng ngăn chặn virus.

"Chúng ta nên nỗ lực và tích cực hơn. Đó là những gì chúng tôi muốn nói", ông Tedros cho biết.

 Người dân đeo khẩu trang đi làm ở Tokyo giữa đợt bùng phát virus corona mới. Ảnh: Kyodo.

Người dân đeo khẩu trang đi làm ở Tokyo giữa đợt bùng phát virus corona mới. Ảnh: Kyodo.

Tuyên bố có tác động gì?

Theo AP, nhãn "đại dịch" thúc đẩy các chính phủ kích hoạt các kế hoạch chuẩn bị và có thể thực hiện các thủ tục khẩn cấp để bảo vệ công chúng, chẳng hạn tăng cường hạn chế đi lại và thương mại.

Trước đó, WHO đã tuyên bố Covid-19 là trường hợp khẩn cấp quốc tế. Khi virus chưa lây lan, các bệnh viện và phòng khám trên khắp thế giới đã chuẩn bị cho sự gia tăng của bệnh nhân nhiễm virus corona ngoài các bệnh thường ngày mà họ điều trị.

Bác sĩ Michael Ryan, trưởng bộ phận cấp cứu của WHO, cảnh báo rằng việc sử dụng từ "đại dịch" để mô tả đợt bùng phát "không phải là tác nhân cho bất cứ điều gì khác ngoài hành động mạnh mẽ hơn, chuyên sâu hơn".

Thuật ngữ này cũng có khả năng gây lo lắng toàn cầu, điều mà cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc rất nhạy cảm. Trước đây, ông Tedros đã thừa nhận chính từ đó "có thể gây ra sự sợ hãi" mà không ngăn chặn bất kỳ sự lây nhiễm hoặc cứu sống một sinh mạng nào.

Điều gì dẫn đến quyết định này?

Thời điểm chính xác để tuyên bố đại dịch không phải là quyết định rõ ràng. Nhưng nhìn chung, WHO hướng tới sự bùng phát cộng đồng ổn định ở các châu lục khác nhau.

Nói cách khác, cư dân ở những nơi virus đang phát tán đã nắm bắt các nguy cơ. Nếu họ nhiễm bệnh, chuỗi lây truyền là rõ ràng. Chừng nào các cơ quan y tế có thể theo dõi các chuỗi đó, dịch bệnh vẫn chưa vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, khi mọi người bắt đầu bị nhiễm bệnh mà không có liên kết rõ ràng, điều đó báo hiệu sự lây lan rộng hơn trong toàn bộ dân số, là chìa khóa để tuyên bố đại dịch.

Đối với bệnh cúm, WHO thường gọi là đại dịch khi một loại virus mới lan rộng ở hai khu vực trên thế giới; Covid-19 hiện lan rộng ở bốn khu vực.

Cùng với Italy và Pháp, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia EU bị virus tấn công mạnh nhất, với tổng số hơn 2.200 trường hợp được xác nhận. Ảnh: Belga.

Đại dịch toàn cầu trước Covid-19 là gì?

Bệnh gần nhất mà WHO tuyên bố đại dịch là một chủng cúm mới, ban đầu được gọi là cúm lợn, vào năm 2009. Quyết định đó được đưa ra sau khi dịch cúm H1N1 mới lan rộng ở nhiều quốc gia trong khoảng sáu tuần. Ngày nay, chủng đó trở thành "bệnh thường gặp" trên toàn thế giới, trở thành một phần của mỗi đợt cúm theo mùa.

Đây là lần đầu tiên loại virus này - một loại virus corona - được coi là đại dịch, "nhưng đồng thời, chúng tôi tin rằng đây cũng sẽ là loại đầu tiên có thể được ngăn chặn và kiểm soát", ông Tedros nói.

Sự khác biệt của ổ dịch, dịch bệnh, đại dịch?

Một ổ dịch là sự gia tăng đột ngột các trường hợp bệnh ở một nơi cụ thể. Một dịch bệnh là một ổ dịch lớn. Một đại dịch có nghĩa là một dịch bệnh toàn cầu.

Các chuyên gia chỉ ra rằng từ "đại dịch" chắc chắn gây tiếng vang, mặc dù nhiều người có thể không hiểu ý nghĩa của nó.

"Từ này chưa được giải thích một cách phù hợp và rõ ràng. Nó được cất trong ngăn kéo và chỉ được sử dụng vào thời điểm tồi tệ nhất. Vì vậy, tất nhiên mọi người sợ nó", Ian Mackay, nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Queensland của Australia, cho biết.

Điều này có ý nghĩa gì về mức độ nghiêm trọng của bệnh?

Đại dịch là một từ đáng sợ nhưng nó không liên quan gì đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nó chỉ có nghĩa là một căn bệnh đang lan rộng. Có thể có đại dịch bệnh nhẹ, giống như bệnh cúm H1N1 vào năm 2009.

Cúm theo mùa thông thường có tỷ lệ tử vong là 0,1%. Mức độ gây tử vong chính xác của loại virus corona mới này sẽ không rõ ràng và có thể thay đổi từ nơi này sang nơi khác, đặc biệt khi các quốc gia lần đầu đối phó với một loạt trường hợp nhiễm bệnh.

Nhưng Covid-19 dường như ít nguy hiểm hơn so với anh em họ Sars, hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng và Mers, hội chứng hô hấp Trung Đông, mặc dù nó lây lan dễ dàng hơn so với những đợt bùng phát trước đó.

Đối với phần lớn ca nhiễm, virus corona mới chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, chẳng hạn sốt và ho, và hầu hết phục hồi trong vài tuần. Đối với một số ít, đặc biệt là người lớn tuổi và những người sẵn có vấn đề sức khỏe, nó có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn, bao gồm viêm phổi.

Thế giới đã biết những gì về virus corona? Virus corona đang gây ra nhiều lo ngại trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Covid-19 không nghiêm trọng nếu so với những đại dịch trước đây.

Tuyết Mai
Theo AP

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/who-tuyen-bo-dai-dich-covid-19-nghia-la-gi-post1058672.html