WHO thấu hiếu nỗi sợ hãi của cộng đồng khi nCoV là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu

Việc công bố dịch nCoV là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu không phải là nâng mức độ nguy cơ của dịch bệnh này mà WHO quan ngại chính sự lây lan của nCoV đối với với các quốc gia có hệ thống y tế chưa đủ mạnh...

Chiều 31-1, trả lời báo chí về việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, bà Satoko Otsu - Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, việc WHO công bố dịch nCoV là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu dựa trên nguy cơ lây lan của dịch bệnh này ra quốc tế. Ý nghĩa công bố sự kiện khẩn cấp y tế công cộng nhằm khẳng định sự phối hợp, hỗ trợ toàn cầu để làm sao đáp ứng được dịch bệnh.

Việc công bố này này cùng khẳng định công đồng y tế thế giới cùng nhau phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn nCoV. “Chúng tôi rất hiểu nỗi sợ hãi của công chúng khi công bố dịch nCoV là vấn đề sự kiện y tế toàn cầu… nhưng tôi khẳng định lại việc công bố này không phải là nâng mức độ nguy cơ của dịch toàn cầu. Thực tế phần lớn các ca bệnh chủ yếu ở Trung Quốc và lây lan ra hơn 20 nước khác. Tuy nhiên WHO quan ngại hơn sự lây lan của nCoV nhất là với các quốc gia có hệ thống y tế chưa đủ mạnh" - bà Satoko Otsu nhấn mạnh và cho biết WHO đánh giá cao các biện pháp của Việt Nam tới thời điểm hiện tại đối với dịch nCoV, cũng như sự cam kết mạnh mẽ vào cuộc của Chính phủ Việt Nam và đại diện các bộ ban ngành chức năng.

"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng các biện pháp ứng phó của Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đối phó với dịch nCoV..."- đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định.

Bà Satoko Otsu - Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp của WHO tại Việt Nam

Bà Satoko Otsu - Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp của WHO tại Việt Nam

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên một dịch bệnh được WHO công bố là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu mà trước đó WHO đã công bố 5 lần với các dịch bệnh khác như: SARS, Ebola, Merc CoV. Bản chất của việc công bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch nCoV là nhằm kêu gọi các quốc gia chung tay chống dịch. Còn hiện nay, các biện pháp như hạn chế đi lại, đóng cửa khẩu biên giới là không có trong công bố này của WHO.

Tại Việt Nam việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp do dịch bệnh gây ra có những quy định pháp luật rất chặt chẽ và từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ công bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp. Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai rất nhiều các biện pháp ứng phó mạnh mẽ theo khuyến cáo của WHO trong việc đáp ứng tình hình dịch nCoV.

"Chúng ta đã thực hiện rất nhiều các biện pháp mạnh mẽ, huy động được các cấp chính quyền tham gia chống dịch và chuẩn bị đủ nguồn lực chống dịch. Tôi cho rằng chúng ta đã đáp ứng rất tốt trước khi có công bố tình trạng khẩn cấp của WHO"- PGS.TS Trần Đắc Phu nêu rõ.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến cuối giờ chiều 31-1, dịch bệnh do nCoV gây ra đã lan ra 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 9.920 người mắc bệnh. Trong đó tại Trung Quốc có 9.779 người mắc với 231 ca tử vong. Tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ghi nhận 141 người mắc nCoV. Đối với Việt Nam hiện đã có 5 người bị nhiễm nCoV và một số trường hợp nghi nhiễm đang được theo dõi, cách ly.

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/who-thau-hieu-noi-so-hai-cua-cong-dong-khi-ncov-la-van-de-y-te-khan-cap-toan-cau-642940.html