WHO sắp công bố báo cáo nguồn gốc COVID-19, Bắc Kinh đón đầu?

Các quan chức Trung Quốc đã thông báo đến các nhà ngoại giao nước ngoài về việc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19, trong bối cảnh báo cáo của WHO sắp được công bố.

Tờ South China Morning Post đưa tin các quan chức Trung Quốc ngày 26-3 đã thông báo đến các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh về “những nỗ lực liên tục của nước này trong việc truy tìm nguồn gốc của virus gây đại dịch COVID-19”.

Động thái trên của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sắp sửa công bố báo cáo về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Bắc Kinh "đón đầu" báo cáo của WHO về nguồn gốc COVID-19?

Phát biểu tại cuộc họp giao ban tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26-3, ông Yang Tao - quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho biết: “Mục đích của chúng tôi là cho thấy sự cởi mở và minh bạch của mình. Trung Quốc đã chiến đấu với đại dịch một cách minh bạch và không có gì phải che giấu".

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng bài phát biểu của ông Yang tại buổi họp giao ban của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26-3. Cuộc họp có sự tham dự của các phái viên từ 50 quốc gia và Liên đoàn Các quốc gia Ả Rập (Arab League) và Liên minh châu Phi.

Một nhân viên mặc đồ bảo hộ và mang thiết bị khử trùng bên ngoài Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Ảnh: AP

Một nhân viên mặc đồ bảo hộ và mang thiết bị khử trùng bên ngoài Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Ảnh: AP

"Trung Quốc kiên quyết phản đối nỗ lực của một số quốc gia nhằm chính trị hóa vấn đề truy tìm nguồn gốc của đại dịch, cũng như đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và quy trách nhiệm cho Trung Quốc" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc truy tìm nguồn gốc virus là một vấn đề khoa học cần được các nhà khoa học nghiên cứu thông qua sự hợp tác”.

Trao đổi với các phóng viên, bà Hoa cho biết các chuyên gia Trung Quốc vẫn đang thảo luận với WHO về nội dung và bản dịch của báo cáo, song không cho biết thời điểm báo cáo sẽ được công bố.

Cũng tại cuộc họp trên, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc đã thông báo đến các nhà ngoại giao nước ngoài về “”những nỗ lực liên tục trong việc truy tìm nguồn gốc đại dịch COVID-19” của Trung Quốc, mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc(CGTN) đưa tin.

CGTN dẫn lời Phó Giám đốc CDC Feng Zijian cho biết: "Chúng tôi đã tìm thấy các virus có tính đồng nhất cao ở dơi và tê tê, có trình tự bộ gen tương tự với bộ gen của virus SARS-COVID-2 gây đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự tương đồng đó vẫn chưa đủ để kết luận rằng những virus này là tổ tiên của chủng virus gây đại dịch COVID-19. Các loài động vật khác cũng có thể là vật chủ tự nhiên tiềm tàng của virus".

Phóng viên Cui Hui'ao của CGTN đã nêu vấn đề với ông Feng rằng: “Tuy nhiên, các chuyên gia đã kết luận rằng rất khó có khả năng virus đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Những nhận xét này được đưa ra sau một tháng làm việc của nhóm các chuyên gia WHO cùng với Trung Quốc, theo đó đã xem xét kỹ lưỡng tất cả dữ liệu sẵn có và thu thập được từ các bệnh nhân, nhân viên y tế, nhà nghiên cứu và sau khi đến một số địa điểm, bao gồm chợ hải sản Hoa Nam và Viện virus học Vũ Hán”.

“Chợ hải sản Hoa Nam có thể là tâm điểm của đợt bùng phát, nhưng việc lây lan cũng có thể đã bùng phát ở các khu vực khác tại thành phố Vũ Hán vào tháng 12-2019. Vẫn có khả năng các chuỗi lây lan đó đã không được phát hiện hoặc ghi nhận” – ông Feng phản hồi phóng viên Cui.

Theo SCMP, cuộc họp giao ban dường như là nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa ra quan điểm về bản báo cáo kết quả điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 của WHO, hiện là vấn đề tranh cãi về mặt ngoại giao giữa Trung Quốc và một số nước.

Mỹ và một số nước đã đặt ra sự nghi ngờ liên quan ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng như tính độc lập của các phát hiện về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Phía Trung Quốc đã cáo buộc các nước đang "chính trị hóa một nghiên cứu khoa học".

Cuộc điều tra của nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu đã bị chậm trễ do những lo ngại và tranh cãi xung quanh cách tiếp cận điều tra của Bắc Kinh và Washington. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát của đại dịch lúc ban đầu.

WHO sắp công bố báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19

Tại cuộc họp báo cuối ngày 26-3 tại Geneva, ông Peter Ben Embarek - chuyên gia của WHO và là người dẫn đầu nhóm điều tra của WHO tại Trung Quốc - cho biết bản báo cáo dài gần 400 trang đã được hoàn thiện và đang trong quá trình xét duyệt và dịch thuật.

“Tôi hy vọng rằng trong vài ngày tới, toàn bộ quy trình đó sẽ hoàn tất và chúng tôi có thể công bố công khai bản báo cáo” - ông Ben Embarek cho biết.

Cựu giám đốc CDC Mỹ Robert Redfield. Ảnh: XINHUA

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN hôm 26-3, cựu giám đốc CDC Mỹ Robert Redfield cho biết ông tin rằng virus gây COVID-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở TP. Vũ Hán, Trung Quốc.

Phát ngôn này được xem là mâu thuẫn với đánh giá của nhóm điều tra WHO rằng virus khó có khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm, mà có thể từ động vật truyền sang người.

Ông Redfield cũng suy đoán rằng virus bắt đầu lây truyền tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 9 hoặc tháng 10-2019, sớm hơn nhiều so với khung thời gian chính thức được công nhận trước nay.

Về nguồn gốc virus, ông Redfield nói: “Tôi vẫn cho rằng nguyên nhân khả thi nhất của mầm bệnh tại TP. Vũ Hán là từ một phòng thí nghiệm thoát ra ngoài. Những người khác không tin điều đó, nhưng không sao, khoa học sẽ làm rõ. Không phải bất thường mà các mầm bệnh hô hấp được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm lại xâm nhập vào nhân viên phòng thí nghiệm”.

Trao đổi với các thành viên tổ chuyên trách ứng phó đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng hôm 26-3, TS Anthony Fauci nói rằng ông Redfield chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân về nguồn gốc virus.

“Tôi nghĩ rằng điều ông ấy đang diễn đạt là chắc chắn có những khả năng về cách virus tự thích ứng để lây lan hiệu quả trên người. Một trong số các khả năng đó là từ phòng thí nghiệm. Một khả năng khác, có vẻ chắc chắn hơn và được hầu hết quan chức y tế công cộng đồng ý, là virus đã âm thầm lây lan trong cộng đồng tại Trung Quốc trong nhiều tuần, nếu không phải là cả tháng hoặc hơn, và điều đó giúp nó thích nghi tốt hơn lúc được phát hiện về mặt lâm sàng” - ông Fauci nói.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/who-sap-cong-bo-bao-cao-nguon-goc-covid19-bac-kinh-don-dau-975151.html