WHO lên án dùng miễn dịch cộng đồng để chặn đứng Covid-19

Tính tới 5h sáng 13/10, theo thống kê của trang Worldometers, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 38 triệu người.

 Lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh AP

Lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh AP

Malaysia hạn chế đi lại

Malaysia hạn chế đi lại tại Kuala Lumpur, bang Selangor và Putrajaya từ 14/10 để ngăn số ca nhiễm virus corona tăng mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakov cho biết, toàn bộ trường học tại ba khu vực trên sẽ đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo, thể thao và xã hội sẽ tạm ngừng hai tuần. Riêng hoạt động kinh tế có thể tiếp diễn nhưng phải tuân thủ các biện pháp y tế chặt chẽ.

Malaysia vừa trải qua làn sóng lây nhiễm mới do lượng người đi lại tăng vì bầu cử hồi tháng trước tại bang Sabah. Một vài chính trị gia, gồm cả một bộ trưởng nội các, đã dương tính với virus sau khi từ Sabah về. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cũng tự cách ly hai tuần sau khi tiếp xúc với bộ trưởng nhiễm bệnh.

Chính phủ Malaysia trước đó thông báo, việc đi lại tại Sabah sẽ bị giới hạn từ 13/10. Theo ông Ismail, việc đi lại giữa các quận cũng bị cấm theo lệnh phong tỏa một phần.

Tính tới giờ, Malaysia ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm với 157 ca tử vong vì Covid-19.

Indonesia nới lỏng hạn chế

Giới chức thủ đô Jakarta, Indonesia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội dù số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng đều.

Jakarta áp đặt hạn chế tụ tập quy mô lớn từ tháng 4 tới tháng 6, rồi dần dần nới lỏng. Thành phố áp dụng trở lại tình trạng hạn chế nghiêm ngặt vào cuối tháng trước do virus lây lan.

Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan cho hay, chính quyền thành phố quyết định nới lỏng hạn chế từ 12/10 do tình trạng lây nhiễm tăng nhưng ổn định.

Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Joko Widodo kêu gọi chính quyền các địa phương kiềm chế áp dụng biện pháp phong tỏa, vốn có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.

Sri Lanka ngừng đưa công dân mắc kẹt về nước

Theo hãng tin AP, Sri Lanka đã ngừng hồi hương công dân mắc kẹt ở nước ngoài do các cơ sở cách ly đã hết chỗ. Chỉ huy lục quân Shavendra Silva cho hay, số người mắc bệnh trong tuần qua gia tăng khiến các cơ sở cách ly chật kín.

Trước đây, Sri Lanka từng tuyên bố kiểm soát thành công dịch Covid-19, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong hai tháng. Tuy nhiên, ổ dịch từ một nhà máy may mặc hồi đầu tháng này đã gây ra 1.307 ca lây nhiễm chỉ trong một tuần.

Hiện, Sri Lanka có tổng số 4.791 ca nhiễm Covid-19, gồm cả 13 người đã thiệt mạng.

Vệ binh Thụy Sĩ ở Vatican nhiễm Covid-19

Bốn thành viên của đội Vệ binh Thụy Sĩ ở Vatican đã dương tính với virus corona, Vatican cho biết ngày 12/10. Theo Reuters, kết quả xét nghiệm có từ cuối tuần qua. Trước đó, có ba cư dân của Vatican đã nhiễm virus.

Bốn lính gác này được cho là những người đầu tiên thuộc đội Vệ binh Thụy Sĩ mắc Covid-19. Tuy nhiên, theo Vatican, các lính gác nhiễm bệnh đều có triệu chứng nhẹ. Họ đã được cách ly và truy dấu tiếp xúc.

WHO phản bác miễn dịch cộng đồng

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phản bác ý tưởng miễn dịch cộng đồng có thể là một chiến lược thực tế để ngăn Covid-19. Ông cho rằng những đề xuất như vậy “đơn giản là trái với luân thường đạo lý”.

Trong cuộc họp báo ngày 12/10, ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “Miễn dịch cộng đồng thành công khi bảo vệ được mọi người trước virus thay vì để họ nhiễm virus”.

“Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng lại được dùng như một chiến lược để ứng phó với sự bùng phát dịch”, Tổng giám đốc WHO cho hay.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tin-tuc-covid-19-ngay-13-10-who-len-an-mien-dich-cong-dong-680654.html