WHO lập ủy ban độc lập đánh giá công tác ứng phó đại dịch

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cùng dẫn dắt Ủy ban độc lập về đánh giá công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch (IPPR).

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cùng dẫn dắt Ủy ban độc lập về đánh giá công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch (IPPR).

Thông báo nêu trên được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến ngày 9-7 giữa WHO và đại diện của 194 nước thành viên. Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, cần có sự đánh giá tương xứng, trung thực và nghiêm túc đối với một đại dịch đã và đang tác động tới tất cả mọi người trên thế giới.

Ông Ghebreyesus thông báo, sau quá trình tham vấn các quốc gia thành viên và chuyên gia thế giới, WHO đã lựa chọn cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cùng dẫn dắt Ủy ban độc lập về đánh giá công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch (IPPR).

Cũng tại cuộc họp này, ông Ghebreyesus cho biết, khi các nước triển khai giải pháp toàn diện dựa trên các biện pháp y tế công cộng cơ bản như tìm kiếm, cách ly, xét nghiệm, điều trị các ca bệnh, đồng thời truy vết, cách ly người tiếp xúc với người bệnh, dịch Covid-19 có thể nằm trong tầm kiểm soát.

“Nhưng tại phần lớn các khu vực trên thế giới, virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được kiểm soát. Tình hình đang xấu đi”, ông Ghebreyesus nói. Đến nay, WHO nhận được báo cáo chính thức về khoảng 12 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 544 nghìn người đã tử vong. Đại dịch vẫn đang tăng tốc. Số ca bệnh đã tăng gấp hai lần trong sáu tuần qua.

Theo Tổng Giám đốc WHO, mọi người đang rất nỗ lực để đẩy lùi virus SARS-CoV-2 nhưng thực tế là có quá nhiều người đã mất mạng vì chủng virus mới này. Ông đánh giá, những tác động về mặt y tế do đại dịch Covid-19 gây ra vượt xa sự đau đớn mà virus SARS-CoV-2 mang lại. Hàng trăm triệu trẻ em có nguy cơ không được tiêm vaccine phòng bệnh lao, viêm phổi, sởi, bại liệt,... Nhiều nước đang thiếu thuốc điều trị HIV. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, hơn 270 triệu người có thể thiếu lương thực trong năm 2020.

Khi đối mặt với mối đe dọa chưa từng có như vậy, các quốc gia cần cân bằng giữa nhiệm vụ bảo vệ người dân và duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu, đồng thời hạn chế các thiệt hại về kinh tế và xã hội ở mức thấp nhất, và tôn trọng quyền con người.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, một số quốc gia đã kiểm soát được virus SARS-CoV-2, thế giới cần học hỏi kinh nghiệm và làm theo sự chỉ dẫn của những nước này. Đại dịch Covid-19 là một phép thử đối với tinh thần đoàn kết và sự lãnh đạo toàn cầu.

H.H (Theo WHO, Reuters)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/who-lap-uy-ban-doc-lap-danh-gia-cong-tac-ung-pho-dai-dich-608056/