WHO khuyến cáo xét nghiệm tất cả những người từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19

Tới 6h ngày 28-8 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 24.585.334 người mắc Covid-19, trong đó 834.443 người đã thiệt mạng, 17.069.154 người hồi phục.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, cần làm xét nghiệm y tế cho những người tiếp xúc với các trường hợp được chẩn đoán mắc Covid-19, cho dù họ có triệu chứng hay không. Khuyến cáo này được WHO đưa ra sau khi giới chức y tế Mỹ nói rằng, việc làm này là không cần thiết.

WHO cũng cho biết đang thành lập một ủy ban mới nhằm xem xét và điều chỉnh quy định liên quan tới việc thiết lập tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Quy định hiện hành được thiết lập từ hồi tháng 1-2020 khi chưa tới 100 ca mắc Covid-19 được ghi nhận bên ngoài Trung Quốc, đã trở nên lỗi thời.

Trong một diễn biến khác, một nghiên cứu do Trường đại học Liverpool tiến hành ở 138 bệnh viện tại Anh cho thấy, tỷ lệ ca bệnh nghiêm trọng trong nhóm bệnh nhân trẻ em và người trẻ (dưới 19 tuổi) ít hơn nhiều so với người trưởng thành. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ em cũng “vô cùng hiếm hoi”, chưa tới 1%.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với số người tử vong đã lên tới 184.471 trường hợp trong tổng số 6.039.916 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 118.649 ca tử vong trong số 3.761.391 bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi trung bình cứ 100.000 người dân có 85,3 người không qua khỏi đại dịch này.

Hãng hàng không United Airlines của Mỹ thông báo kế hoạch sa thải phi công lớn nhất lịch sử của hãng, lên tới 21% số phi công (tương đương 2.850 người) đang làm việc. Kế hoạch sẽ bắt đầu từ ngày 1-10 và dự kiến kết thúc vào ngày 30-11-2020.

Châu Á

Tại Ấn Độ - ổ dịch lớn nhất ở châu Á, Thủ hiến bang Punjab Amarinder Singh xác nhận 23 nghị sĩ bang này đã dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, một số quan chức của Ấn Độ đã mắc Covid-19, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah, Bộ trưởng Y tế Delhi Satyendar Jain.

Quốc hội Hàn Quốc đã đình chỉ các hoạt động và đóng cửa các tòa nhà chính để khử trùng, sau khi ghi nhận một ca mắc Covid-19 trong Quốc hội. Một phóng viên ảnh chuyên trách các hoạt động của Quốc hội Hàn Quốc đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đưa tin về một cuộc họp của lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền. Đây là ca mắc Covid-19 đầu tiên ghi nhận trong Quốc hội Hàn Quốc.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc đã thêm 441 ca mắc Covid-19, trong đó có 434 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 18.706 ca. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới hằng ngày tại Hàn Quốc ở mức trên 400 ca kể từ ngày 7-3, khi nước này thông báo 483 ca nhiễm mới sau đợt bùng phát lớn ở tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang lân cận liên quan những người theo giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji).

Tại Indonesia, Chủ tịch Ủy ban Xử lý dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia Erick Thohir cho biết, chính phủ nước này có kế hoạch cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 miễn phí cho người dân vào năm 2021. Tuy nhiên, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước vốn đang ngày một thâm hụt, ông Thohir cũng đề nghị những người có đủ khả năng chi trả tự bỏ tiền túi để mua vắc xin. Với 2.719 ca mắc Covid-19 mới, đây là ngày quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay.

Philippines ghi nhận thêm 3.249 ca mới và 97 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 205.518 và 3.234. Hiện, Philippines là nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, khoảng 25% số ca tử vong được ghi nhận trong 15 ngày qua.

Tại Trung Đông, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab thừa nhận nước này có nguy cơ mất kiểm soát dịch Covid-19 sau khi số ca nhiễm mới tăng mạnh sau vụ nổ tại Beirut. Số ca mắc mới Covid-19 tại nước này đã tăng gấp đôi trong 2 tuần qua, hiện ở mức 14.937 trường hợp.

Châu Âu

Trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng nhanh trở lại, nhiều nước châu Âu đã siết chặt quy định đeo khẩu trang. Đức cũng sẽ áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn liên quan đến việc đeo khẩu trang phòng dịch và không cho cổ động viên bóng đá đến sân vận động, ít nhất cho đến cuối năm nay. Mức phạt được đề xuất là 50 euro (59 USD) nếu không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Tại Pháp, đeo khẩu trang là quy định bắt buộc ở tất cả địa điểm công cộng tại thủ đô Paris, một trong những điểm nóng của dịch bệnh tại nước này.

Trong bối cảnh các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại, Anh đã kêu gọi sinh viên đeo khẩu trang khi trở lại trường học, trong khi Tây Ban Nha buộc tất cả học sinh trên 6 tuổi phải sử dụng khẩu trang.

Nhiều nước châu Âu cũng siết các quy định đi lại trong những ngày qua. Đức gia hạn cảnh báo đi lại đối với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU) và ngoài khu vực Schengen (đi lại giữa các quốc gia châu Âu mà không cần thị thực). Với quyết định gia hạn này, lệnh cảnh báo đi lại được ban bố trước đó sẽ kéo dài tới ngày 14-9 thay vì hết hạn vào ngày 31-8 tới.

Anh yêu cầu tất cả hành khách đến từ Thụy Sĩ, Jamaica và Cộng hòa Séc phải tự cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, London cho biết, những người đến từ Cuba sẽ không còn phải thực hiện quy định này.

Ba Lan cũng tái cấm các chuyến bay đến từ 46 quốc gia, trong đó có Mỹ, Pháp và Tây Ban Nha, kể từ ngày 2-9.

Châu Phi

Tại châu Phi, số trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 ở Tunisia gia tăng trong những ngày gần đây được xác định do người dân không tuân thủ các quy định phòng dịch, chủ yếu là không đeo khẩu trang ở các khu vực công cộng. Tunisia tăng mức xử phạt những cá nhân vi phạm quy định này, với mức phạt tiền từ 120-5.000 dinar (khoảng 44-1.833 USD) và tối đa 6 tháng tù giam.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/977034/who-khuyen-cao-xet-nghiem-tat-ca-nhung-nguoi-tung-tiep-xuc-voi-benh-nhan-covid-19