WHO họp khẩn để xem xét 'tính khẩn cấp toàn cầu' của đậu mùa khỉ

Ngày 23/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận có quyết định coi đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không, trong bối cảnh dịch bệnh này bắt đầu lan rộng ra nhiều nước trên thế giới ngoài châu Phi.

Theo Reuters, cuộc họp khẩn được tổ chức kín, triệu tập các chuyên gia của Ủy ban Khẩn cấp, diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ. Thành phần tham dự là các chuyên gia từ những khu vực bị ảnh hưởng nhất. Họ sẽ đưa ra khuyến nghị với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Sau đó, người đứng đầu WHO đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.

Nếu cơ quan này chính thức công bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, có nghĩa đây là căn bệnh có nguy cơ lây lan ra nhiều quốc gia và có thể cần sự ứng phó toàn cầu. Trong khi đó, các nhà khoa học hàng đầu ở châu Phi cho rằng đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe đã xảy ra trong khu vực của họ trong nhiều năm qua.

Hầu hết chuyên gia đều cho rằng bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát phù hợp với tiêu chí của WHO về định nghĩa tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là một sự kiện đột ngột và bất thường lan rộng trên phạm vi quốc tế, cần có sự hợp tác xuyên quốc gia.

GS. Nakoune, quyền Giám đốc Viện Pasteur ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, cho rằng: "Khi một căn bệnh ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, nó dường như không phải là trường hợp khẩn cấp. Nó chỉ trở thành trường hợp khẩn cấp khi các nước phát triển bị ảnh hưởng".

Tuy nhiên, ông nhận định nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho bệnh đậu mùa khỉ, đây vẫn là quyết định quan trọng.

Bà Clare Wenham, trợ lý giáo sư y tế toàn cầu tại trường Kinh tế London, cho biết, WHO đang ở vị trí bấp bênh sau đại dịch Covid-19. “Nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng các quốc gia không hành động, điều đó có thể làm suy yếu vai trò của cơ quan này trong việc kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Vậy nên giờ họ đang tiến thoái lưỡng nan", bà nói.

Tay một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: CDC Mỹ

Tay một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: CDC Mỹ

"Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu"( PHEIC) là mức cảnh báo cao nhất của WHO. Cơ quan này bắt đầu sử dụng thuật ngữ này để mô tả đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020.

Hồi tháng 1/2020, WHO tuyên bố Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, song rất ít quốc gia thực sự coi đó là cảnh báo nghiêm trọng cho đến tận tháng 3/2020 khi Covid-19 bắt đầu bị coi là đại dịch. Thời điểm đó, WHO hứng không ít chỉ trích cho rằng cơ quan này đã phản ứng chậm khiến dịch lây lan.

Theo các chuyên gia, với dịch đậu mùa khỉ hiện nay, các nước có thể sẽ phản ứng nhanh hơn. Bệnh đậu mùa khỉ không lây lan dễ dàng như Covid-19 và có sẵn vaccine, phương pháp điều trị. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn dấy lên hồi chuông báo động.

Theo thống kê của Reuters, số ca mắc trong đợt bùng phát hiện tại đã vượt mốc 3.300 người ở 42 quốc gia chưa từng hoặc không xuất hiện phổ biến loại virus này. Hơn 80% trong số đó là ở châu Âu. Trong khi đó, kể từ đầu năm, châu Phi ghi nhận hơn 1.400 ca, với 62 ca tử vong.

Bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như bệnh cúm bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Các vết nhiễm trùng sau đó hình thành trên cơ thể. Một người được coi là không còn lây nhiễm sau khi các tổn thương đã biến mất và một lớp da mới hình thành.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/who-hop-khan-de-xem-xet-tinh-khan-cap-toan-cau-cua-dau-mua-khi-post7854.html