WHO: COVID-19 có nguy cơ tiến triển thành đại dịch toàn cầu

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định ngày càng nhiều ổ dịch mới bùng phát trên khắp thế giới và số người tử vong, ca nhiễm sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Phát biểu trong họp báo ngày 24-2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dù hiện COVID-19 đang có nguy cơ tiến triển thành đại dịch toàn cầu, tình hình vẫn chưa thật sự tới mức đó, theo tờ The Guardian.

"Virus này có tiềm năng thành đại dịch hay không? Chắc chắn rồi. Chúng ta đã đến mức đó chưa? Từ đánh giá của chúng tôi thì vẫn chưa" - ông Ghebreyesus nhận định.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong họp báo ngày 24-2. Ảnh: AFP

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong họp báo ngày 24-2. Ảnh: AFP

Dù vậy, người đứng đầu WHO vẫn khuyến cáo chính quyền các nước nên hết sức cẩn trọng trong bối cảnh COVID-19 đã bùng phát dữ dội ở nhiều quốc gia. Ông cũng cho rằng dịch bệnh ở mỗi nước đều có những điểm khác nhau và đòi hỏi những biện pháp ứng phó riêng.

Trong lúc Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới đã giảm xuống vào cuối tuần rồi, dịch COVID-19 đã lan sang ít nhất 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cả Hàn Quốc, Nhật, Ý, Iran đều đang báo động trước số lượng ca lây nhiễm tăng vọt trong nước.

Trái với tuyên bố có phần trấn an trên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng WHO đang tiến rất gần đến thông báo đại dịch toàn cầu, đài CNBC cho hay.

Theo đánh giá của GS Bharat Pankhania thuộc ĐH Exter (Anh), COVID-19 hiện đã biểu hiện đầy đủ tính chất của một đại dịch y tế toàn cầu.

"Khái niệm đại dịch để chỉ một dịch bệnh lây lan hàng loạt sang nhiều nước khác nhau. Từ Trung Quốc, giờ thử đếm xem đã bao nhiêu nước có dịch rồi. Việc WHO có quyết định thừa nhận điều này không chỉ là vấn đề thời gian" - ông Pankhania giải thích.

"Chúng ta cần thay đổi tư duy từ khống chế, cách ly virus sang giảm thiểu rủi ro. Chúng ta đã không còn một nguồn lây nhiễm để tập trung là Trung Quốc nữa mà hầu như nước nào cũng có nguy cơ trở thành nguồn lây lan mới" - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Hong Kong Dirk Pfeiffer khẳng định.

Cụ thể, ông Pfeiffer cho rằng chính phủ các nước nên tập trung giảm rủi ro lây nhiễm virus đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và sức đề kháng yếu nếu tình hình trở nặng, tương tự cách điều trị cúm thông thường.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/who-covid19-co-nguy-co-tien-trien-thanh-dai-dich-toan-cau-891974.html