WHO cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, đại dịch Covid-19 đang đe dọa các nỗ lực toàn cầu trong công cuộc đẩy lùi bệnh lao, căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Ngoài ra, Covid-19 còn làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em toàn cầu.

Không đạt mục tiêu chống lao

Báo cáo về bệnh lao hàng năm của WHO cho biết, trong năm 2019, căn bệnh nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,4 triệu người, không thay đổi nhiều so với con số 1,5 triệu người được ghi nhận vào năm 2018. Báo cáo cho thấy sự gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ do đại dịch Covid-19 gây ra là một trong những nguyên nhân khiến các chương trình chống bệnh lao gặp thất bại lớn. Tại nhiều quốc gia, nhân lực, tài chính và các nguồn lực khác đã được tái phân bổ, chuyển từ công tác chống bệnh lao sang ứng phó với dịch Covid-19.

Trẻ em nghèo tại Ấn Độ chờ nhận thực phẩm miễn phí trong thời kỳ phong tỏa do dịch Covid-19

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, thế giới cần “tăng tốc” và triển khai các biện pháp cấp bách nếu muốn đạt được những mục tiêu đẩy lùi bệnh lao. Theo báo cáo của WHO, trước đại dịch Covid-19, nhiều nước đã đạt được những bước tiến vững chắc trong cuộc chiến chống bệnh lao, với tỷ lệ mắc bệnh giảm 9% trong giai đoạn 2015-2019, trong khi số ca tử vong giảm 14% trong cùng thời kỳ. “Chiến lược chấm dứt bệnh lao” của WHO đặt mục tiêu giảm 90% số ca tử vong do bệnh lao và 80% tỷ lệ mắc bệnh lao vào năm 2030 so với mức cơ bản hồi năm 2015. Các mục tiêu tạm thời cho năm 2020 bao gồm giảm 20% tỷ lệ mắc và 35% số ca tử vong do bệnh lao. Bà Sharonann Lynch, một chuyên gia về bệnh lao thuộc tổ chức từ thiện y tế toàn cầu Medecins Sans Frontieres (MSF), thừa nhận, cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người này “đang quá chậm chạp” và “điều đáng buồn là các chính phủ đang đi không đúng hướng”.

Suy dinh dưỡng do Covid-19

Phát biểu tại hội nghị của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) diễn ra ngày 14-10, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus đã cảnh báo về nguy cơ trong năm nay sẽ có thêm 10.000 trẻ em tử vong/tháng vì suy dinh dưỡng do hậu quả của dịch Covid-19. Trong phát biểu của mình, ông Ghebreyesus dự báo số trẻ em bị suy dinh dưỡng do hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ tăng 14% trong năm nay, tương đương 6,7 triệu em. Đa số trẻ bị suy dinh dưỡng tập trung ở vùng hạ Sahara của châu Phi và Nam Á. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu, chương trình tiêm chủng, các dịch vụ chăm sóc bà mẹ - trẻ em, các chương trình dinh dưỡng cho trẻ em và kế hoạch hóa gia đình. Người đứng đầu WHO nêu rõ: “Chúng ta không thể chấp nhận một thế giới mà người giàu được tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh, trong khi người nghèo bị bỏ lại phía sau”.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế các nước. Thống kê mới nhất của trang worldometers.info, tính đến 15 giờ ngày 15-10, số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã lên hơn 38,78 triệu người, trong đó có 1,1 triệu người chết.

Trang theconversation.com của Australia ngày 15-10 đăng bài viết đề cập tới làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở châu Âu. Tác giả bài viết gợi ý, để đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai này, các chính phủ tại châu Âu nên học hỏi các bài học thành công từ một số nước, trong đó phải kể đến Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Campuchia đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Tác giả đánh giá cao những biện pháp phòng dịch từ sớm của Việt Nam như các cơ quan y tế đã áp dụng chiến thuật xét nghiệm có mục tiêu, tập trung vào những cá nhân có nguy cơ cao và vào các tòa nhà và khu dân cư có các ca nhiễm được xác nhận. Việc triển khai truy vết rộng rãi, nhằm xác định những người có nguy cơ phơi nhiễm bất kể có hay không có triệu chứng và thiết lập các cơ sở cách ly cho những người bị nhiễm bệnh và du khách quốc tế nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, cũng là những biện pháp hiệu quả mà bài viết đã dẫn chứng.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/who-canh-bao-nguy-co-dich-chong-dich-691689.html