WHO cảnh báo không chủ quan vì Covid-19 không phải cúm mùa

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo không được chủ quan về khả năng lây lan của dịch Covid-19 vì đại dịch nay sẽ là một 'làn sóng lớn' chứ không mang tính chất mùa vụ như cúm thông thường theo mùa...

Người phát ngôn của WHO Margaret Harris phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến ngày 28-7, đã kêu gọi các nước duy trì những biện pháp kiềm chế dịch bệnh. Bà cho rằng “người dân vẫn nghĩ về các mùa dịch. Điều tất cả chúng ta cần hiểu là đây là một virus mới... và nó phát triển khác”. Theo bà, “đây sẽ là một cơn sóng to duy nhất. Nó sẽ tiếp tục đi lên và hạ thấp một chút”.

Cảnh báo của WHO được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong sáu tuần qua, châu Âu đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai. Ngày 28-7, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ e ngại khi bắt đầu chứng kiến các dấu hiệu của làn sóng bùng dịch thứ hai tại một số nơi ở châu Âu. Phát biểu của nhà lãnh dạo Anh là lời cảnh báo nguy cơ Covid-19 tái xuất ở châu lục này sau nhiều tháng tưởng chừng đại dịch đã được khống chế, sau khi chứng kiến số ca nhiễm mới bắt đầu tăng.

 Châu Âu có nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ hai. Ảnh: Telegraph

Châu Âu có nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ hai. Ảnh: Telegraph

Trong khi đó, chuyên gia Lothar Wieler, Giám đốc viện Robert Koch, cơ quan phòng tránh bệnh truyền nhiễm của Đức, cũng cho rằng châu Âu “có khả năng” hứng chịu làn sóng thứ hai của Covid-19. Chuyên gia này cho biết ông “rất lo lắng” vì số ca nhiễm tăng cao tại nhiều vùng của Đức do tâm lý chủ quan của người dân. Trong những báo cáo gần đây, Viện Robert Koch cho hay nhiều ca liên quan tới việc người dân quay lại làm việc, tụ họp gia đình hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí.

Ông Wieler cho rằng, châu Âu có thể tránh được làn sóng Covid-19 thứ hai nếu người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì giãn cách. Ông Wieler kêu gọi mọi người không nên coi thường các quy định giãn cách xã hội. Thủ tướng Anh cũng bày tỏ rằng: “Ai cũng hiểu quy định đặt ra làm gì... Nó là cách chúng ta giúp bản thân”.

Châu Âu vừa mới bắt đầu mở cửa trở lại sau khi áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào mùa xuân và dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát. Nhiều hạn chế biên giới cũng được dỡ bỏ từ hồi tháng 6. Tính đến ngày 1-7, liên minh đã cho phép khách du lịch quốc tế từ một số quốc gia nhập cảnh, tùy thuộc vào tình trạng dịch tễ học của họ. Dù vậy, chính quyền nhiều quốc gia và địa phương trên thế giới bắt đầu áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội như cấm tụ tập đông người, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác như rửa tay thường xuyên, duy trì khoảng cách tiếp xúc, do lo ngại Covid-19 tái bùng phát mạnh. Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cảnh báo, người dân ở các quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là đã kiểm soát được đại dịch vẫn phải đặc biệt cảnh giác bởi dịch có thể bùng phát mạnh trở lại bất cứ lúc nào. “Một điều có thể thấy rõ ràng là khi chúng ta áp đặt các biện pháp hạn chế, số người nhiễm bệnh đã giảm xuống. Khi chúng ta nới lỏng thì số người nhiễm bệnh có thể tăng trở lại. Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là chúng ta đối phó với đỉnh dịch thứ hai hay là đang ở giữa làn sóng thứ nhất và thứ hai của dịch mà là việc chúng ta áp đặt các biện pháp khống chế dịch bệnh như thế nào”.

Trong một tín hiệu lạc quan về việc sản xuất vaccine chống virus SAR-CoV-2, theo TASS, các quan chức Nga cho biết một loại vaccine chống Covid-19 do Viện Gamaleya có trụ sở tại Moscow tạo ra sẽ được phê duyệt để đưa vào sử dụng từ ngày 10-8 hoặc sớm hơn. Người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev tuyên bố, Nga sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có vaccine chống Covid-19 được phê duyệt.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/who-canh-bao-khong-chu-quan-vi-covid-19-khong-phai-cum-mua-629412