WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch do virus corona, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc, mô tả đây là 'sự bùng phát chưa từng có tiền lệ'.

Trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam) ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp gia tăng như vũ bão lên đến hơn 8.200 ca, vượt qua số ca nhiễm SARS (Hội chứng Hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002-2003.

Tính đến 23h30 ngày 30-1 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu lên đến 8.241, bao gồm 8.123 ca nhiễm và 171 trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, số quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận các ca nhiễm 2019-nCoV đã lên đến con số 21, mới nhất là Ấn Độ và Philippines.

"Trong các tuần vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng khẩn cấp của một mầm bệnh chưa từng biết trước đó và bùng phát chưa từng có tiền lệ. Và mầm bệnh này cũng được nhiều nước phản ứng theo cách chưa từng có tiền lệ. Hãy để tôi nói rõ, việc tuyên bố này không có nghĩa là chúng tôi không tin tưởng Trung Quốc. Việc chúng tôi lo ngại nhất là khả năng virus này lan truyền đến các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hơn", Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói tại họp báo.

Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) là một tuyên bố chính thức của WHO do Ủy ban khẩn ban hành Quy định Y tế Quốc tế (IHR) về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu. PHEIC là một khái niệm chỉ dùng cho những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động. Thông qua tuyên bố PHEIC, WHO sẽ đưa ra các lời khuyên, gợi ý cho các quốc gia trong việc chống dịch bệnh, bao gồm ngăn chặn hoặc giảm các ca lây nhiễm xuyên biên giới, tránh các hoạt động thương mại và du lịch không cần thiết.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì cuộc họp báo ở trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì cuộc họp báo ở trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Được biết, đây là lần thứ 6 WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Việc WHO tỏ ra cẩn trọng trong việc tuyên bố dịch do virus corona là tình trạng khẩn cấp toàn cầu cũng dễ hiểu bởi tổ chức này đã nhận nhiều chỉ trích trong quá khứ khi sử dụng thuật ngữ này cho dịch cúm H1N1 năm 2009. Tại thời điểm đó, WHO bị chỉ trích vì đã gây hoang mang, khiến mọi người đổ xô mua vắcxin chống H1N1 và sau đó phát hiện ra rằng H1N1 không nguy hiểm như đánh giá ban đầu. Tuy nhiên năm 2014, WHO bị chỉ trích vì xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch Ebola đã càn quét các quốc gia Tây Phi, giết chết hơn 11.300 người tính đến thời điểm nó bị dập tắt vào năm 2016.

Nhiều nước đóng cửa biên giới, lập tổ xử lý ứng phó khẩn cấp

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona, Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã dừng vô thời hạn các chuyến bay, tàu cao tốc đi đến thành phố Vũ Hán. Ấn Độ cũng đã bắt đầu quá trình chuẩn bị sơ tán công dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở Hà Bắc.

Kyrgyzstan và Kazakhstan đóng cửa biên giới đất liền với Trung Quốc, dừng các chuyến bay đến thành phố Urumchi, Khu tự trị Tân Cương. Tạm ngưng miễn thị thực 72 giờ đối với hành khách quá cảnh từ Trung Quốc, đóng cửa khu mua sắm tại cửa khẩu biên giới. Còn Nga đã đóng cửa khẩu biên giới với vùng Hắc Hà (Trung Quốc) đến hết ngày 1/2. Trong khi Ma Cao tuyên bố không tiếp nhận khách du lịch đến từ tỉnh Hồ Bắc.

Malaysia tạm thời ngừng cấp thị thực cho người Trung Quốc không tiếp nhận du khách đến từ Vũ Hán. Chính quyền bang Sarawak cấm tuyển dụng lao động người Trung Quốc trong khi Philippines cũng dừng cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch Trung Quốc, đưa trở lại gần 500 du khách đến từ Vũ Hán.

Mông Cổ quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ ngày 27/01 đến 2/3 và hủy 8 tuyến vận tải hành khách với Trung Quốc. Triều Tiên, Nga, các nước châu Âu hủy các tour du lịch, tạm dừng các gói du lịch đến Trung Quốc. Còn Mỹ, Nhật đã vận chuyển công dân rời Vũ Hán về nước. Hàn Quốc thành lập Tổng bộ xử lý ứng phó khẩn cấp và chi 20,8 tỷ Won cho công tác phòng ngừa dịch bệnh.

Cập nhật tình hình dịch, đại diện Bộ Y tế cho biết tại Trung Quốc, dịch đã lan ra 31/31 tỉnh, thành phố. Đến 7h sáng 30/1, nước này đã công bố 170 trường hợp tử vong; 7.771 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 12.000 ca nghi nhiễm.

Số ca nhiễm và tử vong tăng vọt trong 24 giờ, tăng 38 người so với ngày 29/1. Dự báo con số này còn tăng cao trong 24 giờ tới.

Trên thế giới, ngoài Trung Quốc, dịch bệnh đã xuất hiện ở 17 quốc gia, trong đó có Thái Lan, Singapore, Malaysia, Việt Nam. Tổng số mắc trên toàn thế giới là 7.819 người, 170 người tử vong đều ở Trung Quốc.

Đến chiều 30/1, đã xác định 3 trường hợp là công dân Việt Nam dương tính với virus corona. Những người này đang được cách ly, điều trị tại Thanh Hóa và Hà Nội. Như vậy, cùng với 2 cha con người Trung Quốc đang điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tại Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp nhiễm virus corona.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/who-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-ve-dich-do-virus-corona-nhieu-quoc-gia-dong-cua-bien-gioi-d168911.html