WEF: Việt Nam tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh

Trong 'Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019' của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã tăng tới 10 bậc xếp thứ 67/141 nền kinh tế được xếp hạng.

Các chỉ số về mức độ cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh từ báo cáo của WEF

Các chỉ số về mức độ cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh từ báo cáo của WEF

WEF xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới trong năm 2019, với 61,5 điểm tăng 3,5 điểm và 10 bậc so với năm 2018. Cũng theo báo cáo của WEF, Việt Nam hiện đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

Xét về các hạng mục chính, Việt Nam xếp hạng khá cao về chỉ số Market Size (Quy mô thị trường) - đứng thứ 26. Các chỉ số còn lại giao động từ hạng 41 đến hạng 93. Về các chỉ số thành phần, Việt Nam nằm trong nhóm có nguy cơ khủng bố thấp nhất thế giới và lạm phát ổn định nhất thế giới. Cả hai hạng mục này Việt Nam đạt trọn vẹn 100 điểm.

Trong 12 tiêu chí chính của WEF, Việt Nam được đánh giá cao nhất tại Sức khỏe, với 81 điểm, đứng thứ 71. Thấp nhất là Năng lực Sáng tạo đổi mới, chỉ được 37 điểm. Dù vậy, lĩnh vực này đã có cải thiện so với năm ngoái. Nhìn chung, gần như tất cả lĩnh vực của Việt Nam đều tăng điểm.

Cũng trong báo cáo của WEF năm nay, Mỹ đã tuột mất ngôi nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới và nhường lại cho Singapore. Hai quốc gia này được chấm điểm lần lượt 84,8 và 83,7. Theo nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, Singapore bất ngờ đạt được kết quả ấn tượng trong năm 2019 là do các "trận chiến thuế quan" giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã khiến lưu thông thương mại chuyển hướng qua quốc gia này.

Báo cáo của WEF được công bố thường niên, kể từ năm 1979. WEF xếp hạng các nền kinh tế thông qua 103 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin – viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo (Sự năng động trong kinh doanh, Khả năng đột phá).

Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.

Thành Công

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/wef-viet-nam-tang-10-bac-ve-nang-luc-canh-tranh-89727.html