WEF Davos: Triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã thay đổi góc nhìn về triển vọng kinh tế năm 2023.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, đang trải qua bầu không khí sôi nổi hiếm có.

Cuộc họp hàng năm của giới tinh hoa kinh doanh, kinh tế và chính trị ở dãy núi Alps thường xuất hiện nhiều ý kiến bất đồng. Song trong kỳ họp năm nay, nhiều chuyên gia và chính trị gia đã có tiếng nói chung.

Họ lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2023, dù trước đó từng dự đoán kinh tế thế giới sẽ đối mặt nhiều thách thức do cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và tình trạng lạm phát giá năng lượng, thực phẩm.

Sự thay đổi này xuất phát từ ba tín hiệu tích cực.

Thứ nhất, quyết định chấm dứt chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc thúc đẩy kỳ vọng phục hồi ở một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thứ hai, châu Âu được dự đoán sẽ hưởng lợi từ quyết định giảm hơn 80% giá khí đốt tự nhiên bán buôn. Và cuối cùng, Đạo luật Giảm phát (IRA) của Mỹ cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho quá trình chuyển đổi xanh được dự báo tiếp thêm sức mạnh cho khu vực Bắc Mỹ.

Lạc quan

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy triển vọng công ty họ đã thay đổi so với vài tháng trước.

Trong phiên họp thảo luận về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, Giám đốc điều hành Unilever Alan Jope cho biết công ty của ông đang “chuẩn bị cho thời kỳ chi tiêu trả thù” sau khi Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế kiểm dịch.

Vicki Hollub, Giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ Mỹ Occidental, cũng cho biết các khoản trợ cấp xanh trong IRA sẽ thúc đẩy đầu tư đáng kể vào kế hoạch giảm phát thải carbon dioxide, có lợi cho tăng trưởng và môi trường.

“Đây là một trong những dự luật có tính chuyển đổi nhất trên thế giới và nó sẽ là điểm khởi đầu cho rất nhiều thứ”, bà Hollub nhận định.

 Nhiều chuyên gia lạc quan về tình hình kinh tế 2023. Ảnh: Martin Meissner/AP.

Nhiều chuyên gia lạc quan về tình hình kinh tế 2023. Ảnh: Martin Meissner/AP.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cũng có chung quan điểm. Christian Stitch, Giám đốc điều hành Deutsche Bank, ghi nhận một số dấu hiệu “lạc quan hơn đối với nền kinh tế”.

Theo Financial Times, châu Âu kỳ vọng kinh tế tăng trưởng trong năm nay, thay vì suy thoái nghiêm trọng như hầu hết dự báo đưa ra chỉ vài tuần trước.

Giới chính trị và các tổ chức quốc tế cũng bắt kịp xu hướng này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự đoán đất nước ông tránh được nguy cơ suy thoái trong năm nay, nhấn mạnh nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, theo Reuters.

Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), từng dự đoán tình hình kinh tế sẽ khó khăn hơn năm 2022. Tuy nhiên, Giám đốc Kristalina Georgieva đã thay đổi thông điệp. Bà nói rằng tình hình “sẽ không tệ như những gì chúng ta lo sợ vài tháng trước”, nhưng vẫn cần thận trọng, theo CNBC.

Ngay cả một số tiếng nói bi quan nhất cũng nhận thấy họ cần phải "nhẹ giọng" hơn. Ông Larry Summers, giáo sư tại trường Harvard Kennedy và là cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, từng cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt thời kỳ suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, đến ngày 20/1, ông chia sẻ đã có thể “thở phào nhẹ nhõm”, viện dẫn giá năng lượng giảm, chủ nghĩa dân túy suy yếu, dấu hiệu lạm phát thấp hơn và việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp nhiều nền kinh tế thế giới tránh được nguy cơ suy thoái.

Duy trì hội nhập

Dù triển vọng kinh tế thế giới đã thay đổi theo hướng tích cực, các chuyên gia lo ngại mô hình chi tiêu mạnh mẽ hơn sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát đang diễn ra.

Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Lael Brainard thúc giục các nước cần sớm có giải pháp về vấn đề lãi suất. Trong khi đó, bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhận định điều quan trọng hơn hết là “đi đúng hướng”.

Quyết định mở cửa của Trung Quốc được xem là tín hiệu tích cực. Ảnh: AP.

Các chuyên gia lo ngại khi tỷ lệ lạm phát toàn phần giảm nhanh chóng, các biện pháp cốt lõi sẽ không theo kịp tốc độ và áp lực lạm phát cơ bản vẫn còn lớn.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng không hề “ngây thơ” về khả năng giảm lạm phát dài hạn của ngân hàng trung ương trong năm nay.

Ông Ziad Hindo, Giám đốc đầu tư của Ontario Teachers’ Pension Plan, cảnh báo sự phục hồi kinh tế có thể khiến giá cả tăng cao hơn.

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu, song sự suy giảm (kinh tế) đáng kể vào năm 2022 là lý do lớn khiến giá hàng hóa giảm. Hiện (quốc gia này) đã trở lại và điều đó sẽ làm tăng áp lực lạm phát một lần nữa”, ông giải thích.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức tiến bộ cũng bày tỏ lo ngại về triển vọng phát triển bền vững. Họ lo ngại trong một thế giới có nguy cơ bị chi phối bởi những cú sốc lớn, áp lực ngắn hạn có thể sẽ hạn chế quá trình chuyển đổi xanh và phục hồi chuỗi cung ứng.

Các nhân vật cấp cao cũng cảnh báo rằng với mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc, sự rạn nứt dòng chảy thương mại toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế năm nay.

“Cách chúng ta xử lý vấn đề an ninh chuỗi cung ứng rất quan trọng. Nếu hoạt động thương mại - vốn là động lực tăng trưởng trong nhiều thập kỷ - bị gián đoạn, chi phí thiệt hại (có thể) lên tới 7% tổng GDP, tương đương 7.000 tỷ USD”, bà Georgieva cho biết.

“Hãy duy trì hội nhập kinh tế toàn cầu vì lợi ích của tất cả chúng ta”, bà nói thêm.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/wef-davos-trien-vong-kinh-te-toan-cau-tuoi-sang-hon-post1395707.html