WEF ASEAN 2018: Xác định tầm nhìn mới về hội nhập khu vực

Chiều 6/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Justin Wood đồng chủ trì Họp báo quốc tế về Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018).

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn- Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 và ông Justin Wood- Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chủ trì họp báo - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn- Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị- cho biết WEF ASEAN 2018 là một diễn đàn lớn, có uy tín ở khu vực, thu hút sự quan tâm và tham gia của lãnh đạo các nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, học giả và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực.

Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo chính phủ cùng doanh nghiệp lớn các nước ASEAN và trong khu vực cùng thảo luận, chia sẻ về tầm nhìn, ý tưởng và định hướng chính sách đối với những vấn đề quan trọng của khu vực.

Chủ đề của Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” có tính thời sự, thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới, đồng thời cũng gắn liền với chủ đề của ASEAN 2018 là “ASEAN tự cường và sáng tạo”.

Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ thảo luận những vấn đề được chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN đang hết sức quan tâm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh: Hội nghị sẽ tập trung vào 5 nội dung chính, bao gồm: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiến động lực và mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại công nghiệp 4.0; cách tiếp cận mới của doanh nghiệp đối với quản trị toàn cầu và khu vực; những nội dung cụ thể về phát triển hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội nghị sẽ có khoảng 60 phiên thảo luận, trong đó phiên toàn thể sẽ được truyền hình trực tiếp như Dạ hội quảng bá văn hóa Việt Nam; Phiên bế mạc Hội nghị WEF ASEAN; Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam.

“Hội nghị WEF ASEAN là hoạt động ngoại giao rất quan trọng của Việt Nam năm 2018, được lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hết sức quan tâm. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, các công tác chuẩn bị cho Hội nghị từ nội dung, lễ tân, cơ sở vật chất, an ninh, y tế, tuyên truyền đều đã cơ bản hoàn tất”, ông Bùi Thanh Sơn cho biết.

Dự kiến, có khoảng 300 phóng viên các hãng thông tấn lớn trên thế giới và khu vực đến dự và đưa tin về Hội nghị.

Phát huy tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Justin Wood, Giám đốc WEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết đây là lần thứ 2 Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức một hội nghị cấp cao tại Việt Nam. Lần đầu tiên vào năm 2010 đã diễn ra Hội nghị WEF Đông Á 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Justin Wood tin rằng trong 8 năm vừa qua, Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển kinh tế hết sức thịnh vượng, điều này tương ứng với quy mô hội nghị tổ chức năm nay so với 8 năm trước.

Đây là một sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu và sự chú ý trên toàn thế giới. Hiện nay, có khoảng 1.000 đại biểu đăng ký tham gia Hội nghị với 7 nguyên thủ quốc gia tham dự sự kiện, trong đó có 6 nguyên thủ trong ASEAN và Thủ tướng Sri Lanka, 2 vị phó nguyên thủ và đại diện ở cấp cao từ một số đối tác quan trọng của ASEAN, đại điện là lãnh đạo cấp cao từ Chính phủ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và khoảng 90 vị Bộ trưởng tham gia sự kiện này.

“Diễn đàn kinh tế thế giới là một tổ chức quốc tế thúc đẩy đối tác công tư. Với việc tổ chức sự kiện như thế này, chúng tôi bảo đảm tất cả các đối tượng sẽ đều có tiếng nói, đặc biệt là sự tham gia mạnh mẽ của Chính phủ và các đối tác tư nhân”, ông Justin Wood nhấn mạnh.

Đề cập tới chủ đề của sự kiện “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Justin Wood cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi lớn về công nghệ, điều này đang định hình lại hệ thống chính trị xã hội kinh tế với tốc độ nhanh chóng mặt và điều quan trọng là hiểu được và làm thế nào để những công nghệ này sẽ có lợi cho xã hội chứ không phải gây hại.

“Tinh thần doanh nghiệp là cách chúng ta xây dựng nền kinh tế mới, những chính sách mới, những chiến lược mới, mối quan hệ khu vực mới để thúc đẩy thương mại và đầu tư”, Giám đốc WEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh.

Ông Justin Wood cho biết sẽ chọn ra 80 công ty khởi nghiệp trong khoảng 300 công ty khởi nghiệp đã đăng ký tham gia vào sự kiện năm nay. Các công ty này sẽ chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp, về sự biến đổi và trao quyền, kinh nghiệm và hiểu biết về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại WEF ASEAN 2018.

Tuấn Dung

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-ngoai/wef-asean-2018-xac-dinh-tam-nhin-moi-ve-hoi-nhap-khu-vuc/345862.vgp