WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam: Một cơ hội đánh giá sự chuyển mình khu vực

Trang Project Syndicate đã có bài phân tích về ASEAN trước thềm diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội.

Liệu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á- ASEAN - có đủ sức mạnh để phát triển trong bối cảnh sự chuyển dịch khu vực và toàn cầu đang diễn ra ngay lúc này hay không? Trong khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục mở rộng trên những nền tảng lớn, sự biến động của các lực lượng kinh tế, địa chính trị và công nghệ có thể đe dọa lợi ích của ASEAN trong những năm tới đây. Để tồn tại và phát triển, các thành viên ASEAN phải đưa ra những quyết định quan trọng về vai trò của khối nàu trong các vấn đề khu vực. Với những lựa chọn đúng đắn, khu vực này có thể chuyển đổi những rạn nứt thành cơ hội cho một tương lai vững vàng, theo Project Syndicate.

Thế giới đang đầy biến động

ASEAN đã trải qua một quá trình đầy ấn tượng trong 5 thập kỷ qua. Một khu vực kém phát triển trong những năm 1960 ngày hôm nay là một trong những khu vực tương đối hòa bình và có nhiều thành công về kinh tế. Phần lớn thành quả này thuộc về nỗ lực xây dựng cộng đồng của các quốc gia trong khuôn khổ ASEAN, tuy nhiên, cũng được hưởng lợi mạnh mẽ từ các cấu trúc và tổ chức toàn cầu sau Thế chiến II đã thúc đẩy dòng chảy đầu tư đổ vào đây và dòng chảy xuất khẩu ra bên ngoài.

Ngày nay, bối cảnh toàn cầu đang ở trong tình trạng thái biến động sâu sắc. Những lợi ích của thương mại tự do và cởi mở đang bị đặt câu hỏi, hoạt động của các tổ chức quốc tế đang bị thách thức, quyền lực địa chính trị mới đang gia tăng và - bất chấp những thăng trầm - nền kinh tế toàn cầu tiếp tục nghiêng về phía các thị trường mới nổi. Tất cả điều này tạo nên một cơ hội xây dựng các tầm nhìn mới về cách thế giới nên được tổ chức và vận hành.

Cùng với sự bất ổn địa chính trị gia tăng, các nước ASEAN phải cố gắng theo kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự phát triển theo cấp số nhân của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo AI, robot hiện đại, y học chính xác và các phương tiện tự hành đang biến đổi nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội.

Con đường phát triển của ASEAN

Các thành viên ASEAN sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách sâu sắc. Hãy xem xét tương lai của công ăn việc làm. Dân số trong độ tuổi lao động trong khối ASEAN đang gia tăng 11.000 người/ ngày và sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ này trong 15 năm tới. Việc mở rộng nhân khẩu học này đang xảy ra trong khi nhiều công việc hiện tại sẽ bị thay thế bằng tự động hóa thông minh và AI. Hệ thống thuế dựa vào thu nhập lao động sẽ chịu sức ép. Ngân sách quốc gia sẽ rơi vào vòng thử thách vào đúng thời điểm các thành viên ASEAN phải tăng cường đầu tư vào việc tái phân bổ lực lượng lao động và phát triển cơ sở hạ tầng cho thời đại mới.

Đối mặt với những thay đổi mang tính gián đoạn này, ASEAN phải tăng cường cộng đồng của mình. Về mặt kinh tế, khả năng phục hồi của khu vực có thể được củng cố bằng cách xây dựng một thị trường đơn nhất xác thực được: ASEAN có 630 triệu công dân với mức chi tiêu tăng nhanh chóng. Thực hiện đầy đủ chương trình Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ là chìa khóa phát triển. Với một thị trường khu vực mạnh mẽ, ASEAN có thể thúc đẩy vận mệnh kinh tế của chính mình, thay vì dựa vào nhu cầu từ các thị trường bên ngoài và sẽ được cách ly tốt hơn chống lại những cú sốc tiềm tàng từ chủ nghĩa bảo hộ.

Việc tạo ra một thị trường chung đơn nhất cho ngành dịch vụ sẽ rất quan trọng. Đặc biệt, các thành viên ASEAN phải đáp ứng được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giải quyết các vấn đề như hài hòa các quy tắc về quản lý việc sử dụng dữ liệu. Các công nghệ mới - bao gồm nền tảng kỹ thuật số, phân tích dữ liệu lớn và dịch vụ đám mây – sẽ hoạt động tốt nhất khi chúng diễn ra ở quy mô lớn. Với một thị trường số hóa chung, ASEAN có thể phát triển các dịch vụ thực sự trong khu vực về tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thương mại điện tử.

Tất nhiên, ASEAN không nên xây dựng một pháo đài tách rời khỏi thế giới. Khối này từ lâu đã được đánh giá cao vì “chủ nghĩa khu vực mở”, theo đó, họ sẽ theo đuổi hội nhập kinh tế giữa các nước thành viên và không phân biệt đối xử với các nền kinh tế phi ASEAN. Cách tiếp cận này không tách rời với chiến lược kinh tế của ASEAN ngay từ đầu và đang tiếp tục với sự hợp tác kinh tế toàn diện trong khu vực, kết nối ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Tăng cường cộng đồng an ninh chính trị cũng không kém phần quan trọng. Trong khi hệ thống quản trị toàn cầu đang bị thách thức, các thành viên ASEAN phải làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe nếu họ muốn thế giới ủng hộ lợi ích của họ. Về tổng thể, ASEAN đại diện cho gần một phần mười dân số thế giới và gần 5% GDP toàn cầu.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam, diễn ra vào ngày 11-13/ 9 sẽ tạo cơ hội cho việc đánh giá lại sự phát triển của ASEAN. Đây là sự cần thiết cho các nước ASEAN tăng cường cộng đồng, cam kết về hội nhập và hợp tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/wef-asean-2018-tai-viet-nam-mot-co-hoi-danh-gia-su-chuyen-minh-khu-vuc-362850.html