WEF ASEAN 2018: Quảng Ninh sẵn sàng chờ làn sóng đầu tư

Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, khách sạn, công nghiệp, khai khoáng, sản xuất sợi, vật liệu xây dựng,…

Tỉnh Quảng Ninh là một trong ba cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm miền Bắc Việt Nam (Thủ đô Hà Nội - thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh).

Nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc, là cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN, mở ra cơ hội tiếp cận một thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 1,3 tỷ người.

Quảng Ninh được biết đến là trung tâm du lịch, sản xuất công nghiệp, khai thác than chiếm 90% sản lượng than Việt Nam, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, kinh tế biển, biên mậu, phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản; có di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Cùng với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và Quảng Ninh đang ở thời kỳ dân số vàng với trên 60% dân số trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.

Đây chính là nền tảng để Quảng Ninh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Việt Nam và thế giới.

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Ninh, ông Vũ Đình Xứng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 120 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,23 tỷ USD đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong số 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Quảng Ninh, Mỹ giữ vị trí đứng đầu với số vốn đăng ký đạt trên 2,3 tỷ USD cho 8 dự án chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Indonesia...

Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, khách sạn, công nghiệp, khai khoáng, sản xuất sợi, vật liệu xây dựng,…

Riêng từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án, với tổng mức đăng ký đầu tư 9.607,7 tỷ đồng, bằng 77,8% cùng kỳ, trong đó có 15 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký 235,62 triệu USD.

Nổi bật nhất, mới đây hồi tháng 3/2018, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Sông Khoai cho Tập đoàn AMATA (Thái Lan), tổng vốn đăng ký đầu tư 155,59 triệu USD. Dự kiến cuối năm 2019 dự án này sẽ hoàn thành, đưa giai đoạn 1 vào hoạt động.

Quảng Ninh xác định, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh công khai minh bạch chính là “gỡ nút thắt” trong thu hút nguồn vốn đầu tư từ xã hội, nhất là đầu tư nước ngoài.

Cùng với việc cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, Quảng Ninh đã xây dựng thành công các mô hình trung tâm hành chính công theo hướng một cửa và một cửa liên thông.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định việc cải cách hành chính là phục vụ người dân, doanh nghiệp; lấy thước đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá chính quyền các cấp.

Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước và tiếp tục đứng thứ nhất trong Vùng đồng bằng sông Hồng.

Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được củng cố và tăng lên. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, tìm hiểu cơ hội, mở rộng đầu tư phát triển các dự án trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cho hay, thời gian qua, Quảng Ninh đã đón tiếp, làm việc với 18 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh; phần lớn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Tổ chức đoàn công tác của tỉnh tham dự khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Vương Quốc Anh lần thứ 10 (JETCO10) tại Anh; tham dự Hội thảo Kinh tế mùa xuân Việt Nam - Hàn Quốc; tham dự thuyết trình xúc tiến đầu tư tại Diễn đàn Môi trường Châu Á tại Seoul (Hàn Quốc); tham dự Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu”, tiếp xúc các tổ chức, doanh nghiệp của châu Âu...

Đón chờ làn sóng đầu tư FDI, Quảng Ninh đang tập trung tìm các giải pháp khai thác hiệu quả hoạt động hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống cảng biển của tỉnh...

Tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhất là tại Khu kinh tế Vân Đồn, Khu dịch vụ cảng biển - cảng biển - công nghiệp - đô thị Đầm Nhà Mạc, Khu công nghiệp Sông Khoai, Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà...

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án, công trình, đặc biệt là hoàn thành các công trình động lực, quan trọng như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn.

Đồng thời khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án: như Tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả;

Dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Sông Khoai và chuỗi các 5 dự án du lịch dịch vụ chất lượng cao trị giá 2,7 tỷ USD ở Vân Đồn.

Đây chính là những hạ tầng tốt để thu hút làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Quảng Ninh trong thời gian tới./.

Văn Đức/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/wef-asean-2018-quang-ninh-san-sang-cho-lan-song-dau-tu/95873.html