WEF ASEAN 2018: Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Đúng 10h15 sáng nay (12/9), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) chính thức được khai mạc. Tham dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF cùng lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và khu vực.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch WEF trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cấp cao các nước đã có mặt tại Hà Nội để bắt đầu cuộc họp thứ 27 của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Chủ tịch sáng lập WEF, Klaus Schwab phát biểu tại Phiên khai mạc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chủ tịch WEF nhấn mạnh tới thực tại và tương lai của ASEAN trong bối cảnh bao trùm về Cách mạng Cộng nghiệp 4.0. “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, mang tính đột phá, cạnh tranh toàn cầu. 20 năm tới chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt, các quốc gia sẽ thành công trong việc làm chủ cuộc CMCN 4.0”, Chủ tịch WEF nói.

Chủ tịch WEF cho rằng CMCN 4.0 sẽ xóa bỏ 1 số công việc nhưng tạo cơ hội cho công việc mới. "Thế giới đang tham gia cuộc chạy đua để làm chủ CMCN 4.0. Các quốc gia ASEAN với tầm nhìn có thể là người đi đầu chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này”, ông nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ASEAN được biết đến như một khu vực khởi nguồn sáng tạo. Những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại với các nước ASEAN là vô cùng lớn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên khai mạc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Một là tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn. Hai là thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Ba là phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn là xương sống của ASEAN.

"Nhiều chuyên gia nói rằng, rất nhiều sinh kế cho người dân được xuất từ cuộc cách mạng 4.0, tuy nhiên thách thức về gia tăng khoảng cách thu nhập và nguy cơ gây bất ổn xã hội cũng là vấn đề đáng quan tâm", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ASEAN tự hào có một Singapore tiên phong về kinh tế số, đạt được những thành tựu thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi để có thêm kết nối số và các kết quả của những kết nối này. Hợp tác chia sẻ dữ liệu. Hai là, hài hòa môi trường kinh doanh, cần phải xây dựng cơ chế hài hòa, môi trường kinh doanh, thể chế, luật pháp...

Thủ tướng cũng đề cập dến vấn đề tìm kiếm phát huy tài năng. "Tìm kiếm kỹ sư làm nghề là một thách thức lớn đối với ASEAN, tôi đề nghị ươm mầm tài năng trong khu vực", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, cần hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống giáo dục suốt đời.

Người lãnh đạo cao nhất Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng: Trong bối cảnh 4.0, chúng ta phải chung tay hợp tác để phát triển, lấy người dân làm trung tâm. ASEAN đã khẳng định vai trò trung tâm trong khu vực.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Anh)

"Ngay tại Việt Nam, vào 15h hôm nay, một doanh nghiệp của Indonesia và Việt Nam sẽ khai trương dịch vụ vận chuyển bằng công nghệ 4.0 tại Việt Nam. Tổng thống Indonesia sẽ tham dự", Thủ tướng cho biết.

Với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các Tập đoàn đa quốc gia, WEF ASEAN là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 do Việt Nam tổ chức. Hội nghị diễn ra từ ngày 11-13/9, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Kể từ khi Việt Nam và WEF bắt đầu hợp tác năm 1989 đến nay, WEF là một diễn đàn quan trọng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với WEF, chủ động, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp, sáng kiến nổi bật tại diễn đàn có uy tín hàng đầu thế giới này.

Nhóm PV

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/wef-asean-2018-nhung-uu-tien-cua-asean-trong-cach-mang-cong-nghiep-40-77739.html