WEF 2019: Hướng tới toàn cầu hóa bền vững

Hôm qua (22-1), hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2019 chính thức khai mạc tại Davos-Klosters (Thụy Sỹ). Ban Tổ chức ước tính, WEF 2019 sẽ quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, giới học giả, đại diện các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông; hơn 65 nguyên thủ quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị này.

WEF ASEAN 2018 - Hội nghị khu vực thành công nhất

 Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab trong buổi họp báo trước thềm hội nghị thường niên năm 2019.

Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab trong buổi họp báo trước thềm hội nghị thường niên năm 2019.

Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, diễn đàn hướng tới việc xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới với xu hướng hội nhập toàn cầu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ.

Chương trình của hội nghị năm nay sẽ đi sâu vào giải quyết các vấn đề với hơn 350 phiên họp, thảo luận và đối thoại. Trong số này, có thể kể đến một loạt đối thoại về địa chính trị; đối thoại toàn cầu về hòa bình và phát triển; về tương lai của nền kinh tế; về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng…

Hội nghị WEF 2019 cũng hướng đến những đối tượng bị bỏ lại bên lề, những con người dễ bị thiệt thòi, tổn thương trong quá trình toàn cầu hóa. Người sáng lập và là Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab từng khẳng định, làn sóng toàn cầu hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần tập trung hơn vào con người, toàn diện và bền vững, cụ thể là những đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi, và tiếng nói của giới trẻ. Bên cạnh đó, việc cả thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn toàn cầu sâu sắc do sự sắp xếp lại địa kinh tế và các lực lượng địa chính trị, dẫn tới việc những người đứng đầu các quốc gia cần suy nghĩ và cam kết để giải quyết vấn đề này.

Các nhà phân tích cho rằng, việc phái đoàn Mỹ vắng bóng tại sự kiện có thể dẫn tới nhiều bế tắc trong các cuộc thảo luận, đặc biệt là về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, sự vắng mặt của phái đoàn Washington không đồng nghĩa với việc Mỹ mất đi tiếng nói tại WEF 2019, bởi vẫn còn khoảng 800 đại biểu đến từ nền kinh tế số một thế giới góp mặt, trong đó có lãnh đạo của những doanh nghiệp hàng đầu như tỷ phú Bill Gates.

Đối với Việt Nam, sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự WEF 2019 sẽ là cơ hội để quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đồng thời truyền tải thông điệp đường lối, định hướng, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về chính sách phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Động thái này sẽ góp phần thúc đẩy các đối tác, tập đoàn hàng đầu tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta năm 2019. Theo nguồn tin của TTXVN, năm nay, WEF sẽ mở rộng lĩnh vực hợp tác với Việt Nam, là bước tạo đà để hai bên có thể xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong tương lai. Cụ thể, hai bên sẽ cùng ký kết 2 thỏa thuận đối tác quan trọng là: Thỏa thuận về quản trị vấn đề rác thải nhựa và thỏa thuận hợp tác trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo giới chuyên môn, WEF 2019 diễn ra vào thời điểm phù hợp, có chủ đề mang tính thời sự và cấp thiết, trong bối cảnh thế giới chứng kiến tình trạng bất bình đẳng gia tăng, còn chủ nghĩa bảo hộ và nền chính trị theo chủ nghĩa dân tộc có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng khác. Việc những “bộ não” hàng đầu trong nhiều lĩnh vực có cơ hội ngồi lại với nhau sẽ mở ra cơ hội giải quyết những mâu thuẫn, tìm kiếm các hướng phát triển bền vững cho toàn thế giới.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-ngoai/925074/wef-2019-huong-toi-toan-cau-hoa-ben-vung