Web drama tràn ngập bạo lực - S.O.S!

Những năm gần đây, web drama (phim chiếu trực tuyến) là một phong trào làm phim mới được rất nhiều bạn trẻ nghiệp dư cũng như các sao Việt ưa chuộng, hăm hở sản xuất

. Mục đích của các nhà sản xuất web drama đều nhằm tới việc tăng lượt theo dõi, lượt xem trên trang YouTube của chủ nhân. Nếu như sản phẩm tốt, các nhà làm web drama ngoài kiếm được tiền từ YouTube cũng sẽ dễ dàng kiếm được các hợp đồng quảng cáo từ các nhãn hàng.

Web drama “Thập tứ cô nương” của diễn viên Anh Thư

Web drama “Thập tứ cô nương” của diễn viên Anh Thư

Trong thời kỳ đầu, đa phần các sản phẩm web drama đều tập trung vào những nội dung đơn giản, hài hước và bắt kịp khuynh hướng sẽ dễ dàng ăn khách. Tuy nhiên, trong 1, 2 năm trở lại đây, web drama chuyển sang một hướng mới với chủ đề giang hồ và bạo lực. Chỉ cần mở các sản phẩm web drama trên YouTube, người xem sẽ nhận thấy nhiều tên phim rất… giang hồ: “Người trong giang hồ”, “Thiếu niên ra giang hồ”, “Giang hồ chợ mới”…

Hầu hết nội dung trong các web drama kể trên đều miêu tả về đời sống giang hồ, với những cảnh đánh chém bạo lực, tranh giành địa bàn cùng những lời chửi thề tục tĩu. Nhưng thay vì bị tẩy chay, các sản phẩm web drama lại được giới trẻ đón nhận nhiệt tình. Các web drama đã nhận được từ vài triệu cho đến hàng chục triệu view, đi kèm đó là hàng nghìn bình luận yêu cầu chủ nhân wed drama mau chóng ra mắt các tập phim tiếp theo.

Không nằm ngoài xu hướng đó, các nghệ sĩ Việt có tên tuổi như Việt Hương, Thu Trang, Tiến Luật, Nam Thư, Ưng Hoàng Phúc, Quách Ngọc Tuyên… cũng đổ xô vào thực hiện web drama với cùng chủ đề về giang hồ, bạo lực, những cảnh nóng táo bạo mà trước đó khán giả ít được thấy ở phim Việt chiếu rạp cũng như phim truyền hình.

Nếu như Việt Hương ra mắt với “Chết thì chịu”, mỗi tập phim lên đến vài triệu view thì diễn viên Thu Trang và Tiến Luật lại thu hút người xem với web drama “Thập tam muội”. Mỗi tập phim của Thu Trang đều thu hút lượng người xem “khủng” lên đến vài chục triệu và các tập khi ra mắt đều xếp hạng trending số 1 (lượt xem thịnh hành trên YouTube). Sau Thu Trang, nam diễn viên Quách Ngọc Tuyên giới thiệu tới khán giả sản phẩm “Vi cá tiền truyện”, diễn viên Nam Thư cũng làm riêng cho mình loạt phim “Thập tứ cô nương”. Đa số các sản phẩm của các nghệ sĩ có lượt view rất cao và tạo được những tương tác tốt trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, các sản phẩm của Thu Trang, Việt Hương, Quách Ngọc Tuyên hay Nam Thư đều có nội dung na ná giống nhau như nói về thế giới ngầm giang hồ, kinh doanh quán bar, thuốc phiện, hoạt động mại dâm và pha thêm chút hài hước… Cũng như các sản phẩm web drama về chủ đề giang hồ của các chủ nhân khác, hình ảnh trong phim web drama của các sao Việt cũng tương tự với cảnh đánh chém bạo lực của các tay anh chị xăm trổ đầy mình, mặt mũi bặm trợn, diễn viên nữ ăn mặc rất thoáng, có những góc quay cảnh nóng táo bạo...

Mặc dù nội dung đi theo lối mòn, không có sự đổi mới, các diễn viên trong phim web drama đều diễn vòng quanh từ phim này sang phim khác khiến khán giả quen mặt, ngán ngẩm, nhưng với việc tạo ra nhiều lượt view, quảng bá tốt nên các sản phẩm vẫn được các nghệ sĩ ham thích làm. Bởi thế, chỉ trong một thời gian ngắn, diễn viên hài Thu Trang và Nam Thư đã dễ dàng đoạt được nút vàng YouTube (1 triệu lượt theo dõi), diễn viên Quách Ngọc Tuyên mới chỉ tham gia cũng đã nhanh chóng nhận ngay được nút bạc (100.000 lượt theo dõi). Còn Lâm Chấn Khang - một ca sĩ không nổi tiếng, chủ yếu hát ở hội chợ cũng đã đạt được nút vàng YouTube từ trước đó khá lâu nhờ làm web drama bạo lực.

Do việc phát hành trên YouTube không bị kiểm soát về nội dung nên thời gian qua, web drama phát triển vô tội vạ. Đã có không ít nghệ sĩ trở nên nổi tiếng và giàu lên nhờ làm web drama với chủ đề giang hồ, bạo lực, nhưng rõ ràng đây là xu hướng không nên khuyến khích, ủng hộ.

Mang danh nghệ sĩ, sao Việt, điều trước tiên là nghiêm túc với nghề chứ không thể lạm dụng các đề tài giang hồ bạo lực để câu view, kiếm tiền, bất chấp chất lượng nghệ thuật. Với khán giả, thay vì thích thú với chủ đề bạo lực và tiếp tay cho các sản phẩm web drama phát triển ồ ạt thì hãy tìm đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Và cuối cùng, rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý văn hóa, truyền thông mạng xã hội để thanh lọc những sản phẩm web drama xấu đang phát triển tràn lan.

Do việc phát hành trên YouTube không bị kiểm soát về nội dung, nên thời gian qua, web drama phát triển vô tội vạ. Đã có không ít nghệ sĩ trở nên nổi tiếng và giàu lên nhờ làm web drama với chủ đề giang hồ, bạo lực.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/web-drama-tran-ngap-bao-luc-sos-532910.html