WB và IMF kêu gọi G20 giảm nợ cho các nước nghèo nhất

Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cùng kêu gọi Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) giảm nợ cho các nước nghèo nhất, nhằm giúp họ đối đầu với các thách thức do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Biểu tượng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington DC., Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington DC., Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố chung gửi G20 ngày 25/3, WB và IMF nêu rõ dịch COVID-19 "sẽ có thể gây các hậu quả nghiêm trọng trên phương diện kinh tế và xã hội" tại các nước nghèo nhất, vốn phải dựa vào Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của WB.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Với các tác động trước mắt - và phù hợp với luật pháp quốc gia của các nước tài trợ - WB và IMF kêu gọi tất cả các chủ nợ ngừng đáo hạn nợ cho các nước được vay tiền theo IDA đang đề nghị khất nợ. Việc này sẽ giúp các nước IDA có khả năng thanh khoản trước mắt cần thiết để đối phó với các thách thức của dịch bệnh và có thêm thời gian đánh giá tác động khủng hoảng cũng như nhu cầu tài chính của mình".

Được thành lập năm 1999, G20 là một diễn đàn quan trọng trong vấn đề hợp tác quốc tế về tài chính và kinh tế. Nhóm này gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU).

IMF và WB cũng đề cập tới khả năng đưa ra các đánh giá, bao gồm xác định những nước đang trong tình trạng nợ xấu, và chuẩn bị một giải pháp tổng thể gợi ý cho các chủ nợ nhằm giải quyết cả nhu cầu hỗ trợ tài chính và nhu cầu giảm nợ của các nước IDA.

IMF và WB cho biết sẽ trình đề xuất lên Ủy ban Phát triển, gồm các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của WB và IMF, trong kỳ họp mùa xuân vào ngày 16 - 17/4 tới. IMF và WB tin tưởng rằng giờ là lúc "khẩn cấp" phải đưa ra và nâng cao nhận thức toàn cầu về giảm nợ cho các nước đang phát triển, cũng như gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các thị trường tài chính.

Tuyên bố cũng cho biết thêm rằng cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh sự trợ giúp của G20 với đề nghị hành động này.

Trong một hội thảo trực tuyến giữa các Thống đốc ngân hàng trung ương và Bộ trưởng Tài chính G20 ngày 25/3 vừa qua, Chủ tịch WB David Malpass cho biết đại dịch COVID-19 sẽ có thể tác động mạnh nhất đến những nước nghèo nhất, đồng thời kêu gọi tăng cường các hỗ trợ quốc tế dành cho các nước này.

Về phần mình, Tổng Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva bày tỏ đặc biệt lo ngại về nguy cơ vỡ nợ ở các nước có thu nhập thấp.

Cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Reberto Azevedo cho biết hoạt động thương mại toàn cầu đang giảm rất mạnh, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu để giải quyết thách thức do dịch COVID-19 gây ra.

Trong một thông điệp qua video do WTO công bố, ông Azevedo thừa nhận: "Dịch COVID-19 chắc chắn sẽ tác động khủng khiếp đến kinh tế, thương mại, và gây hậu quả xấu cho việc làm và đời sống của mọi người".

Nhắc lại các dự báo gần đây về nguy cơ suy giảm kinh tế và mất việc làm tồi tệ hơn thời khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn chục năm, Tổng Giám đốc Azevedo cho biết WTO sẽ đưa ra dự báo thương mại mới nhất trong vài tuần tới. Ông cũng cảnh báo các chuyên gia kinh tế chắc chắn sẽ dự báo "một sự suy giảm mạnh trong lĩnh vực thương mại".

Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh cần một phản ứng ở cấp độ toàn cầu để đối phó với thách thức toàn cầu trong dịch COVID-19, đồng thời khẳng định "không quốc gia nào có thể tự mãn, dù mạnh và tiến bộ đến đâu".

Hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã dự báo các nước G20 sẽ có thể suy thoái kinh tế trong năm nay vì đại dịch COVID-19. Trong dự báo công bố ngày 25/3, Moody's ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của G20 sẽ suy giảm 0,5%, trong đó nền kinh tế Mỹ suy giảm 2% và kinh tế Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ suy giảm 2,2%. Tuy nhiên, Trung Quốc dù là nơi dịch COVID-19 hoành hành nghiêm trọng nhất thế giới, nhưng có thể chứng kiến tăng trưởng kinh tế ở mức 3,3%. Con số này tất nhiên thấp hơn nhiều mức tăng trưởng trung bình thường thấy của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bích Liên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/wb-va-imf-keu-goi-g20-giam-no-cho-cac-nuoc-ngheo-nhat-20200326123133257.htm