WB: Tâm lý nhà đầu tư cải thiện khi CPTPP và EVFTA được ký kết

WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,6%. Hai năm tiếp theo là năm 2020 và năm 2021 đều có mức tăng trưởng 6,5%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc

Theo ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia trưởng Bộ phận Tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết tại hội thảo “Xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế” tuần qua, dự báo của WB về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 ở mức 2,6%, đến năm 2020 - 2021 tốc độ tăng vẫn dưới 3%, khoảng 2,7% cho hai năm tiếp theo.

Điều này cho thấy môi trường kinh tế toàn cầu đang trở nên thách thức hơn với tốc độ tăng trưởng chậm lại và gia tăng rủi ro.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu (biểu cột, đơn vị: %) có tốc độ chậm lại, trong khi các thị trường mới nổi và đang phát triển (đường trên) vẫn có sự khởi sắc. Nguồn: WB.

Trong đó, các nước phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2019 - 2021 dưới mức 2%. Còn các thị trường mới nổi và đang phát triển lại có sự khởi sắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 5%, tùy từng thị trường.

Điều này cũng thể hiện trong vấn đề xuất khẩu hàng hóa, vận chuyển và đơn hàng xuất khẩu mới đang chậm lại.

Cụ thể, từ tháng 10/2017 khi xuất khẩu hàng hóa đang ở mức gần 6% GDP toàn cầu giảm về mức âm vào tháng 01/2019 và tăng nhẹ trở lại vào tháng 4/2019 với mức tăng dưới 1% GDP toàn cầu.

Nguồn: WB.

Đối với vận chuyển container cũng sụt giảm mạnh mẽ theo xuất khẩu hàng hóa toàn cầu giảm, bắt đầu từ mức gần 8% GDP toàn cầu vào tháng 10/2017, giảm dần về mức 2% GDP toàn cầu vào tháng 4/2019.

Trong đó, đơn hàng xuất khẩu mới cũng giảm từ mức 53 điểm tháng 10/2017 xuống mức 49 điểm (mức thu hẹp) vào tháng 4/2019.

Theo đó, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm từ mức trên 101 điểm tháng 10/2017 xuống còn dưới 100 điểm vào tháng 4/2019.

Nguồn: WB.

Trước tình hình kinh tế toàn cầu đang có xu hướng tăng trưởng chững lại, các chính sách của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) đang có xu hướng chuyển sang hỗ trợ nền kinh tế nước này.

Nguồn: WB.

Nếu như hiện nay, Fed đang duy trì mức lãi suất cơ bản đồng USD ở mức 2,4%/năm, các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong vòng 1 tháng tới và tiếp tục giảm về khoảng 2,3% trong 3 tháng tiếp theo. Đặc biệt, mức lãi suất dự đoán Fed sẽ điều chỉnh giảm về 1,8%/năm trong vòng 1 năm tới. Lãi suất có thể tiếp tục giảm thêm nữa dưới 1,8% trong 2 năm nữa (năm 2021) khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ được nâng lên trở lại.

Xuất khẩu của Việt Nam cần chú ý tới nhu cầu thế giới giảm

Đối với Việt Nam, theo ông Alwaleed Alatabani, tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự chậm lại trong thời gian qua. Điều này thể hiện ở việc vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP đã chững lại khi mức này năm 2018 là 33,5% GDP, còn 6 tháng đầu năm 2019 là 33,1% GDP.

Tuy nhiên, dấu hiệu cải thiện là tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn so với cùng kỳ 2018, do phân khúc khách hàng có thu nhập đầu người cao đang tăng lên, đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng.

Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam cũng đang chùng xuống trong trong bối cảnh lạm phát thấp. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay ở mức 7,33%, mức tăng này xấp xỉ mức tăng của năm 2018. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Alwaleed Alatabani, nền kinh tế Việt Nam vẫn có dấu hiệu tích cực trong cân đối ngân sách và nợ công. Năm 2019, nợ công dự kiến bằng với năm 2018 và ở mức 58,3% so với mức trần 65% GDP.

Nhưng điều Việt Nam cần chú ý là sức cầu bên ngoài đang không cao sẽ tác động tới xuất khẩu của Việt Nam. Điều này thể hiện ở xuất khẩu hàng hóa một số nước trong đó có Việt Nam giảm trong quý I/2019.

Mặc dù, Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu dương 5,3% trong quý I/2019 cùng với Trung Quốc tăng trưởng xuất khẩu dương thì Indonesia lại giảm gần 10%, Malaysia giảm hơn 5%, Thái Lan và Philippines đều giảm xuất khẩu.

Đến quý 1/2019, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhẹ, Việt Nam (cột đỏ) vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương khá cao, trong khi một số nước trong khu vực đã giảm. Nguồn: WB.

Với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra sự thay đổi xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ. Do đó, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 2 xuất khẩu vào Mỹ, sau Mexico, tính khu vực ngoài Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt cho xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: WB.

Theo ông Alwaleed Alatabani, Việt Nam cần có sự chuẩn bị nhằm điều chỉnh linh hoạt và chủ động chính sách vĩ mô nếu các rủi ro bất lợi gia tăng. Tăng cường cải cách cơ cấu vẫn là hết sức cần thiết để hỗ trợ tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn.

Một điểm tích cực cho nền kinh tế Việt Nam đó là tâm lý các nhà đầu tư được cải thiện nhờ các hiệp định thương mại CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU), lợi ích từ chuyển dịch thương mại giúp cho cán cân thương mại và FDI đạt kỷ lục từng tháng, cao nhất trong tháng 5/2019.

Nguồn: WB.

Ông Alwaleed Alatabani cũng khuyến nghị đối với Việt Nam cần chuẩn bị linh hoạt điều chỉnh chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong trường hợp rủi ro gia tăng; đẩy nhanh cải cách cơ cấu nhằm khơi dậy niềm tin nhà đầu tư trong ngắn hạn và tiềm năng tăng trưởng trung dài hạn; đổi mới quản lý để giảm chi phí kinh doanh; cải cách doanh nghiệp Nhà nước bao gồm cổ phần hóa thực chất và quản trị doanh nghiệp.

Cũng theo chuyên gia của WB, Việt Nam cần tiếp tục cải cách ngân hàng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu và đảm bảo đủ đệm vốn nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống và nâng cao hiệu quả cho các tổ chức tài chính.

Và Việt Nam cần chuẩn bị cho việc thực hiện các cam kết của CPTTP và EVFTA.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tới năm 2021 - Nguồn: WB.

Theo đó, năm 2019, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,6%. Hai năm tiếp theo là 2020 và 2021 đều có mức tăng trưởng 6,5%.

Tổ chức này cũng đưa ra một số dự báo: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam năm 2019 sẽ ở mức 3,7%, năm 2020 và 2021 là 3,8%; cán cân vãng lai năm 2019 là 2% GDP, năm 2020 và 2021 là 1,4% GDP; cán cân tài khóa năm 2019 là âm 2,5%, năm 2020 là âm 2,3%, năm 2021 là âm 2,2%.

Nợ công của Việt Nam được WB dự báo trong mức 58,3% GDP cho năm 2019 và ở mức 58% GDP năm 2020, giảm còn 57,6% vào năm 2021.

LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/wb-tam-ly-nha-dau-tu-cai-thien-khi-cptpp-va-evfta-duoc-ky-ket-3514384.html