WB: Nghèo di truyền tại nhiều nhóm thiểu số Việt Nam có nguyên nhân do thiếu đất màu mỡ

Vấn đề chủ đạo vẫn là thiếu đất sản xuất màu mỡ. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng nghèo, chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác, hay còn gọi là 'nghèo di truyền'.

Để xác định được các nhóm ‘đầu bảng’ và các nhóm ‘cuối bảng’, nhóm nghiên cứu đã dựa vào số liệu Điều tra Thực trạng Kinh tế - Xã hội của 53 Dân tộc thiểu số năm 2015 để tính toán chỉ số Phát triển con người (HDI) và chỉ số Nghèo đa chiều (MPI) như là hai chỉ báo về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các DTTS.

Sau nhiều cuộc tham vấn với đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, đại diện của Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng Thế giới, nhóm nghiên cứu đã thống nhất lựa chọn 6 nhóm dân tộc thiểu số (DTTS). Theo đó, nhóm Mường và Sán Dìu đại diện cho các nhóm ‘đầu bảng’; nhóm Khơ Mú và Mông đại diện cho các nhóm ‘cuối bảng’; nhóm Xơ Đăng được chọn do ở vị trí gần các nhóm cuối bảng còn nhóm Khmer thì lại sát với các nhóm ‘đầu bảng’.

Với cách thức lựa chọn các nhóm DTTS này, nghiên cứu đã bao quát được thứ hạng phát triển kinh tế - xã hội khác nhau của các nhóm DTTS, thể hiện trong bảng dưới đây:

Dựa trên sự xác định các nhóm ‘đầu bảng’ và nhóm ‘cuối bảng’ này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lựa chọn các địa bàn nghiên cứu cho cấu phần định tính. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điền dã nhân học trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2018 trên địa bàn thuộc 7 tỉnh, 13 huyện, 16 xã và 32 thôn ấp.

Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 105 cuộc tham vấn với các bên hữu quan tại cấp tỉnh, 260 cuộc cấp huyện, 192 cuộc ở xã và 832 cuộc tại thôn ấp và cấp hộ gia đình (trong số này 48.5% là nữ), nâng tổng số đối tượng phỏng vấn lên 1389 người.

Về sở hữu đất sản xuất, các nhóm ‘cuối bảng’ có quy mô sở hữu đất canh tác nhiều hơn các nhóm ‘đầu bảng’. Các nhóm Khơ Mú và Xơ Đăng có diện tích trung bình đất sản xuất gần gấp đôi của nhóm Mường và Khmer. Nhóm Sán Dìu có diện tích sở hữu đất sản xuất ít nhất trong số các nhóm dân tộc lựa chọn trong nghiên cứu này.

Thu nhập từ đất canh tác mầu mỡ là một yếu tố quan trọng đóng góp vào giảm nghèo. Sở hữu đất sản xuất chất lượng tốt, thích hợp với nhiều cây có giá trị cao là điều kiện quan trọng để các nhóm tiến lên ‘đầu bảng’. Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy nhóm Mường và Sán Dìu sở hữu đất sản xuất có độ màu mỡ nhất so với các nhóm khác.

Với các nhóm ‘cuối bảng’, vấn đề chủ đạo vẫn là thiếu đất sản xuất màu mỡ. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng nghèo, chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác, hay còn gọi là ‘nghèo di truyền’.

Điều này tiếp tục hạn chế khả năng của họ tiếp cận các cơ hội đa dạng sinh kế, để những hộ có điều kiện về đất đai đầu tư ví dụ như vào nuôi tôm hay các cây trồng đặc thù. Thiếu vốn là rào cản lớn đối với các nông dân nghèo để có thể khai thác hiệu quả quỹ đất sản xuất của họ.

Tuy nhiên với một số hộ khá (trong các nhóm‘cuối bảng’)1 thì vẫn có khả năng mở rộng đất sản xuất như là khai hoang, phục hóa, làm ruộng bậc thang, hay cho anh em họ hàng, nhưng không phải người ngoài, thuê đất.

Năng suất đất canh tác ở các nhóm ‘cuối bảng’ còn phụ thuộc vào việc họ có vận dụng các kỹ thuật canh tác mới, tiến bộ hơn của các nhóm lân cận như Thái, Tày, Kinh hay Hoa.

Hiện trạng sở hữu đất sản xuất liên quan đến các trải nghiệm tái định canh, định cư trước đấy, thể hiện khác nhau ở các nhóm ‘đầu bảng’ và các nhóm ‘cuối bảng’. Nhóm Mường di cư vào Kon Tum không

chỉ hưởng lợi từ các ưu tiên về hỗ trợ tái định canh của Nhà nước mà còn tận dụng được nguồn đất rừng còn dồi dào thời kỳ đầu nhờ sự tương đồng về văn hóa với người Kinh và kinh nghiệm canh tác lúa nước và trồng cây ăn quả vốn có của họ.

Trong khi đó nhóm Khơ Mú và Xơ Đăng được vận động tái định cư tại các thôn làng do Nhà nước xây dựng theo chính sách định canh, định cư và được hỗ trợ đất canh tác để chuyển sang trồng lúa nước.

Tuy nhiên nhiều người trong số họ không sẵn sàng thích ứng với mô hình sinh kế mới và đã bán lại đất cho người Kinh để quay lại phương thức sinh kế truyền thống của họ là canh tác nương rẫy.

Có đủ nhân lực tham gia vào quá trình sản xuất là một nhân tố then chốt khác tác động đến sự thành công của một số nhóm DTTS được nghiên cứu. Các nhóm ‘cuối bảng’ có quy mô hộ gia đình lớn hơn so với các nhóm ‘đầu bảng’. Hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn ở các nhóm ‘cuối bảng’ có thể đã buộc các thành viên thuộc độ tuổi lao động trong gia đình ra ngoài tìm kiếm các cơ hội tạo thu nhập. Thế nhưng, các DTTS chủ yếu vẫn chỉ tìm được các công việc lao động chân tay, giản đơn và rất hiếm khi tiếp cận được các vị trí quản lý.

Các hộ gia đình kinh tế khó khăn thường có số con nhỏ chưa đến độ tuổi lao động. Tình trạng này ghi nhận được ở một số nhóm dân tộc có tỷ suất sinh cao do chưa sử dụng biện pháp tránh thai xuất phát từ niềm tin tôn giáo như nhóm Xơ Đăng tại Kon Tum, hay bởi quan niệm thích con trai ở nhóm Mông tại Sơn La, Thái Nguyên và Thanh Hóa.

Điều này lý giải tại sao các hộ gia đình thuộc đối tượng hộ ‘nghèo’ cũng thường có con đang trong độ tuổi đến trường và do đó dưới độ tuổi lao động theo quy định.

Những cú sốc giá cả thị trường là dạng thức biến động chính mà các DTTS phải đối mặt trong các hoạt động sinh kế chủ đạo của họ. Có thể quan sát những biến động này qua sự sụt giảm giá ngô ở nhóm Mông, giá cả thất thường với các nông dân người Khơ Mú, giá thu mua chè thấp ở nhóm Sán Dìu hay cây môn rớt giá ở vùng người Khmer.

Với hoạt động chăn nuôi, rất nhiều nông hộ DTTS được nghiên cứu cho biết nuôi heo, vốn dĩ là một lựa chọn phổ biến nhất những năm về trước, nhưng vào thời điểm hiện tại thì không thực sự hiệu quả (thậm chí cả với một số giống địa phương vẫn có thể tìm được thị trường tiêu thụ) bởi giá thịt heo giảm mạnh mấy năm gần đây.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/wb-ngheo-di-truyen-tai-nhieu-nhom-thieu-so-viet-nam-co-nguyen-nhan-do-thieu-dat-mau-mo-3526755.html