WB: Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng đạt 6,7% năm nay

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định này tại báo cáo 'Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam' công bố sáng 11/12.

Đây là mức dự báo được điều chỉnh tăng lên so với dự báo chỉ tăng 6,3% mà tổ chức này đưa ra vào hồi tháng 7 vừa qua. Nhu cầu trong nước gia tăng, các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến đạt kết quả hoạt động tốt là những lý do chính cho sự tăng trưởng khả quan này.

Tăng trưởng vững vàng, nền kinh tế vĩ mô ổn định là nhận định khái quát nhất của kinh tế Việt Nam tại buổi họp báo của Ngân hàng Thế giới. Điều này thể hiện rõ ở cán cân đối ngoại và tỷ giá ổn định, lạm phát thấp. Đặc biệt việc làm trong ngành chế biến chế tạo là điểm sáng nổi bật với 1,6 triệu việc làm trong ngành này đã được tạo ra trong 3 năm qua.

Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, động lực để duy trì tăng trưởng trong ít nhất là 5 năm tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc thúc đẩy sự lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

"Để làm được điều này cần tới vai trò rất lớn của bản thân các doanh nghiệp FDI, kết hợp với Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp nội địa. Ở các nước khác, chính phủ thường giúp cung cấp nhiều thông tin về chuỗi cung ứng toàn cầu, các hội chợ để tăng liên kết giữa các doanh nghiệp, hay đẩy mạnh các dự án tư vấn các doanh nghiệp nội phải làm thế nào để quản lý dây chuyền sản xuất để đạt tiêu chuẩn về chất lượng và thời gian nhằm đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp FDI" - ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Đánh giá về những rủi ro đến từ bên ngoài, các chuyên gia cho rằng địa chính trị bất ổn và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sẽ là thách thức cho những nền kinh tế mở như Việt Nam. Vì thế, việc chuẩn bị các bước đệm để giảm thiểu sự ảnh hưởng nếu các rủi ro này xảy ra là việc nên làm lúc này.

Ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế Trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho biết: "Để tránh được các cú sốc bên ngoài cần xây dựng bước đệm về tài khóa, tức là ngân sách có dư địa để xử lý. Ngoài ra, củng cố sao cho thị trường tài chính vững mạnh hơn cũng sẽ giúp chuẩn bị tốt cho các ngân hàng không bị ảnh hưởng quá lớn khi kinh tế toàn cầu bất ổn".

Kinh tế vĩ mô đã ổn định, mục tiêu tiếp theo của nền kinh tế là thay đổi để tăng thêm khả năng chống chịu với các tác động bên ngoài. Nếu làm tốt điều này, dự báo tăng trưởng 6,5% trong 2018 và 2019 có thể sẽ được điều chỉnh khả quan hơn nữa.

Minh Hằng - Chí Hiếu (Ban Thời sự)

Nguồn VTV: http://vtv.vn/kinh-te/wb-kinh-te-viet-nam-du-bao-tang-truong-dat-67-nam-nay-2017121118233197.htm