WB dự báo kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn đến hết năm 2021

Biến động trên thị trường tài chính tiếp tục tác động mạnh đến các quốc gia có nhiều nguy cơ dễ tổn thương, chẳng hạn triển vọng tăng trưởng yếu, nợ công cao, bất định chính sách gia tăng.

Ảnh: Reuters

Sau dự báo sẽ giảm tốc vào năm 2019, tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến sẽ nhích lên 2,7% năm 2020 và 2,8% năm 2021 nhờ sự hồi phục ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ chững lại còn 2,6% năm 2019 so với 3% năm 2018, do tình trạng yếu đi đồng loạt ở các quốc gia tiên tiến và cả các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi chủ chốt (EMDE) ngay từ đầu năm.

Tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến được dự báo sẽ giảm nhẹ từ 2,1% năm 2018 xuống 1,7% năm 2019 và 1,5% bình quân các năm 2020-2021 hướng tới tốc độ tăng trưởng tiềm năng, do những hạn chế về năng lực đã trở nên rõ ràng và thị trường lao động bị thu hẹp.

Tăng trưởng ở các nền kinh tế EMDE được dự báo sẽ chững lại còn 4,0% năm 2019 so với 4% năm 2018, trước khi phục hồi về 4,6% bình quân các năm 2020-2021. Dự báo trên chủ yếu dựa vào tác động yếu dần của những áp lực tài chính trước đó đang đè lên hoạt động ở một số nền kinh tế EMDE lớn, ví dụ Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù tăng trưởng toàn cầu được dự báo tăng nhẹ, nhưng các điều kiện bên ngoài dự kiến còn nhiều thách thức trong kỳ dự báo đến năm 2021. Thuế quan tăng lên ở Mỹ và Trung Quốc theo công bố vào tháng 5/2019 có thể đem lại những hệ quả sâu rộng hơn so với các đợt tăng thuế quan năm 2018.

Ngoài những tổn thất kinh tế của các nước xuất khẩu chịu ảnh hưởng, căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang còn góp phần làm tăng bất định về chính sách, dự kiến sẽ làm suy giảm lòng tin và đầu tư. Đối mặt với căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục suy yếu, giảm từ 4,1% năm 2018 và 5,5% năm 2017 xuống còn 2,6% năm 2019, sau đó ổn định ở mức bình quân 3,2% cho giai đoạn 2019-2021.

Dự báo trên đã căn cứ vào các biện pháp kích thích kinh tế mới đang được triển khai tại Trung Quốc và ở mức độ thấp hơn là khu vực đồng Euro, bên cạnh đó nhu cầu trong nước được củng cố ở một số nền kinh tế đang phát triển và mới nổi (EMDE).

Mặc dù có dự báo về sự phục hồi khiêm tốn nêu trên, nhưng thương mại toàn cầu dự kiến còn yếu hơn so với dự liệu trước đó trong kỳ dự báo. Điều đó cho thấy triển vọng đầu tư toàn cầu yếu hơn và bằng chứng về giảm độ co giãn của thu nhập với thương mại.

Các điều kiện huy động vốn trên toàn cầu vẫn còn nhiều biến động. Tình trạng trên là do các ngân hàng trung ương lớn áp dụng chính sách tiền tệ tạo thuận lợi hơn trong ngắn hạn nhằm hạn chế tác động suy giảm về triển vọng tăng trưởng trên toàn cầu.

Mặc dù thị trường ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi (EMDE) đã phục hồi trong thời gian qua kể từ đợt điều chỉnh năm 2018, nhưng hiện vẫn còn rủi ro đáng kể về “cú sốc tiền tệ” khi bất định chính sách toàn cầu ngày càng gia tăng. Biến động trên thị trường tài chính tiếp tục tác động mạnh đến các quốc gia có nhiều nguy cơ dễ tổn thương, chẳng hạn triển vọng tăng trưởng yếu, nợ công cao, bất định chính sách gia tăng, nguy cơ trên bảng cân đối tài sản của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp.

Rủi ro địa chính trị, tình trạng bất định về chính sách kèm theo những quan ngại về an ninh tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến dòng vốn đổ vào các quốc gia đang phát triển và mới nổi (EMDE). Giá dầu thô dự kiến đạt mức bình quân 66 US$/thùng năm 2019 và 65 US$/thùng năm 2020, nhưng còn nhiều bất định xoay quanh dự báo đó.

Về tổng thể, giá kim loại dự kiến giảm nhẹ trong các năm 2019 và 2020, phản ánh nhu cầu kim loại trên toàn cầu dự kiến sẽ yếu đi. Giá nông sản dự kiến giảm trong năm 2019 nhưng ổn định lại trong năm 2020.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/wb-du-bao-kinh-te-the-gioi-con-nhieu-bat-on-den-het-nam-2021-3512247.html