WB cho rằng học vấn kém cản trở người dân tộc tham gia thị trường lao động

Thực trạng bỏ học được cho biết là do khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu các cơ hội giao tiếp xã hội với người Kinh và các cộng đồng bên ngoài nên khả năng sử dụng tiếng phổ thông còn hạn chế.

Để xác định được các nhóm ‘đầu bảng’ và các nhóm ‘cuối bảng’, nhóm nghiên cứu đã dựa vào số liệu Điều tra Thực trạng Kinh tế - Xã hội của 53 Dân tộc thiểu số năm 2015 để tính toán chỉ số Phát triển con người (HDI) và chỉ số Nghèo đa chiều (MPI) như là hai chỉ báo về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các DTTS.

Sau nhiều cuộc tham vấn với đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, đại diện của Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng Thế giới, nhóm nghiên cứu đã thống nhất lựa chọn 6 nhóm dân tộc thiểu số (DTTS). Theo đó, nhóm Mường và Sán Dìu đại diện cho các nhóm ‘đầu bảng’; nhóm Khơ Mú và Mông đại diện cho các nhóm ‘cuối bảng’; nhóm Xơ Đăng được chọn do ở vị trí gần các nhóm cuối bảng còn nhóm Khmer thì lại sát với các nhóm ‘đầu bảng’.

Với cách thức lựa chọn các nhóm DTTS này, nghiên cứu đã bao quát được thứ hạng phát triển kinh tế - xã hội khác nhau của các nhóm DTTS, thể hiện trong bảng dưới đây.

Dựa trên sự xác định các nhóm ‘đầu bảng’ và nhóm ‘cuối bảng’ này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lựa chọn các địa bàn nghiên cứu cho cấu phần định tính. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điền dã nhân học trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2018 trên địa bàn thuộc 7 tỉnh, 13 huyện, 16 xã và 32 thôn ấp.

Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 105 cuộc tham vấn với các bên hữu quan tại cấp tỉnh, 260 cuộc cấp huyện, 192 cuộc ở xã và 832 cuộc tại thôn ấp và cấp hộ gia đình (trong số này 48.5% là nữ), nâng tổng số đối tượng phỏng vấn lên 1389 người.

Tất cả các tỉnh khảo sát đều cho biết có tình trạng bỏ học giữa chừng ở bậc trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông. Xu hướng bỏ học ở bậc trung học cơ sở phổ biến ở các nhóm ‘cuối bảng’, trong khi tình trạng bỏ học ở bậc trung học phổ thông diễn ra ở các nhóm ‘đầu bảng’. Tỷ lệ theo học thấp phần nào được lý giải do hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn và thường cũng là trong điều kiện kết nối yếu ở các nhóm ‘cuối bảng’.

Thực trạng bỏ học được cho biết là do khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu các cơ hội giao tiếp xã hội với người Kinh và các cộng đồng bên ngoài nên khả năng sử dụng tiếng phổ thông còn hạn chế.

Thông tin phỏng vấn sâu các cán bộ địa phương cho thấy một quan niệm phổ biến rằng học sinh các nhóm Mông, Khơ Mú và Xơ Đăng nói chung là hay rụt rè, nhút nhát. Có thể thấy là một số giáo viên người Kinh do thiếu độ nhạy cảm văn hóa cộng thêm ảnh hưởng từ các diễn ngôn phổ biến trong xã hội về các đặc tính được cho là lạc hậu, tự cung tự cấp, mê tín và rào cản ngôn ngữ ở các nhóm DTTS nên dễ có xu hướng diễn giải sai lệch và không đủ khả năng truyền tải các nội dung giảng dạy cho học sinh các nhóm dân tộc Khơ Mú, Xơ Đăng, Ca Dong và nhất là người Mông.

Các nhân tố này có thể càng nhấn sâu thêm những quan điểm thiên kiến vốn có ở người Kinh về các DTTS.

Ở cả nhóm ‘đầu bảng’ và nhóm ‘cuối bảng’, nếu không có các mối quan hệ quen thân với những người có địa vị xã hội thì cơ hội tiếp cận các vị trí việc làm ổn định là rất hãn hữu. Ví dụ có những sinh viên người DTTS đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành bậc đại học hoặc cao đẳng nhưng vẫn không thể xin được các vị trí trong cơ quan nhà nước.

Với những trường hợp đó, vấn đề nằm ở sự thiếu vắng các kết nối chính trị chứ không phải là kết nối về mặt hạ tầng. Nhân tố này tạo nên một tâm thế hoài nghi về lợi ích từ việc theo đuổi các bậc học cao.

Trong khi có vẻ ít thể hiện rõ ở các nhóm ‘đầu bảng’, sự cộng hưởng giữa kết nối hạ tầng và chính trị yếu kém có thể đưa đến trình độ học vấn thấp ở bậc trung học phổ thông, sẽ chi phối ngược lại đến cơ hội cho các nhóm ‘cuối bảng’ tiếp cận được các việc làm trả lương cao.

Trình độ học vấn thấp ở các nhóm ‘cuối bảng’ không tạo được cơ hội cho người dân nhận được các công việc ổn định. Điều này tiếp tục khiến họ phải đối mặt với các thách thức từ xu thế tự động hóa ngày một tăng và hệ quả là mất việc. Trong khi người dân ở các nhóm ‘đầu bảng’ thường có trình độ học vấn ở mức trung học cơ sở hoặc cao hơn cũng luôn được tuyển dụng vào các vị trí ít có khả năng áp dụng tự động hóa.

Nhìn từ góc độ giới, phụ nữ có xu hướng làm tại các vị trí công việc có khả năng chuyển thành tự động hóa cao hơn so với nam giới. Do vậy, phụ nữ có khả năng đối mặt trước các nguy cơ mất việc liên quan đến quy trình tự động hóa nhiều hơn so với các đồng nghiệp nam. Ở cấp hộ gia đình, tình trạng thất nghiệp do chuyển đổi công nghệ sẽ tạo ra sự hẫng hụt rất lớn đến đời sống hộ dân vì rằng các gia đình DTTS hiện đều trông chờ chính vào nguồn thu này.

Các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối tượng hộ nghèo và DTTS được cung cấp miễn phí, nhưng thực tế nội dung đào tạo thường không căn cứ vào nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Các hoạt động đào tạo chủ yếu tập trung vào nông nghiệp, chăn nuôi thường được thực hiện bằng ngôn ngữ phổ thông, với cách tiếp cận rao giảng lý thuyết kiểu truyền thống.

Thế nên hầu hết các hoạt động này chưa thu hút được sự tham gia của các đối tượng thanh niên DTTS. Đa số các thanh niên này, ngay cả các nhóm ‘đầu bảng’ đều không hào hứng với các chương trình đào tạo nghề về chăn nuôi hay sản xuất nông nghiệp.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/wb-cho-rang-hoc-van-kem-can-tro-nguoi-dan-toc-tham-gia-thi-truong-lao-dong-3526843.html