Vứt bỏ dùi cui và cùng quỳ gối, cảnh sát Mỹ sát cánh người biểu tình

Dù cảnh sát và những người biểu tình đang đứng ở hai chiến tuyến ở nhiều nơi, tại một số thành phố, họ đứng bên nhau, thể hiện sự đoàn kết mà nước Mỹ cần vào lúc này.

8 phút 46 giây George Floyd bị cảnh sát Mỹ ghì cổ dẫn tới tử vong Tại nơi xảy ra cái chết của người đàn ông 46 tuổi George Floyd, có đến 4 camera ghi lại sự việc ở các góc quay khác nhau. Từ đó, toàn bộ quá trình có thể thấy rõ.

Trong những ngày vừa qua, bạo lực, cướp bóc, xô xát và hỗn loạn là hình ảnh phổ biến tại các thành phố lớn của Mỹ, trong bối cảnh nhà chức trách tăng cường lực lượng để dập tắt các cuộc bạo loạn trên toàn quốc bằng đạn cao su, hơi cay cũng như dùi cui.

Nhưng một số sĩ quan cảnh sát đã có hành động khác, đứng về phía người biểu tình và tạo ra hình ảnh tương phản trong câu chuyện về một khoảnh khắc biến động trong lịch sử nước Mỹ, sau khi George Floyd, một người đàn ông da đen 46 tuổi tử vong trong khi bị cảnh sát khống chế.

 Cảnh sát quỳ gối để thể hiện sự đồng cảm với người biểu tình ở Spokane, bang Washington. Ảnh: AP.

Cảnh sát quỳ gối để thể hiện sự đồng cảm với người biểu tình ở Spokane, bang Washington. Ảnh: AP.

Khi cảnh sát thông cảm với người biểu tình

Từ New York tới Des Moines rồi Spokane, nhiều thành viên của lực lượng thực thi pháp luật đã quỳ gối bên cạnh những người biểu tình - hành động tượng trưng cho sự phản đối ôn hòa trước bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc ở Mỹ - và đôi khi còn xuống đường đồng hành cùng với họ.

Trong một video đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, hai sĩ quan cảnh sát đã quỳ gối cùng với những người biểu tình ở khu Queens của New York.

"Cảm ơn!", đám đông hô lớn trước hành động của hai sĩ quan này.

Những tiếng reo hò và vỗ tay cũng vang lên ở thành phố Des Moines, thủ phủ bang Iowa khi một nhóm các sĩ quan cảnh sát quyết định quỳ gối trước đám đông người biểu tình. Hai sĩ quan cấp cao trong số này còn cầu nguyện cho sự an toàn của mọi người.

Trong khi đó tại bờ Tây, cảnh sát tại thành phố Spokane, bang Washington cũng quỳ gối trước yêu cầu của người biểu tình, thay vì đẩy lùi họ. Nhiều cảnh sát ở quảng trường Lafayette tại Washington, Miami và Santa Cruz, bang California cũng quỳ gối để thể hiện sự đoàn kết với người biểu tình.

Ông Christopher Swanson, cảnh sát trưởng quận Genesee của bang Michigan, quyết định bỏ cả mũ bảo hiểm và dùi cui của mình xuống để đồng hành với những người biểu tình.

"Tôi muốn việc này trở thành một cuộc tuần hành, chứ không phải một cuộc biểu tình'', ông Swanson nói.

Sau khi những người biểu tình vỗ tay, ông Swanson tiếp cận đám đông, bắt tay một người và đập tay một người khác. Sau đó ông hỏi mọi người rằng họ muốn ông và các sĩ quan cấp dưới làm gì.

"Đi với chúng tôi. Hãy đi với chúng tôi", đám đông hô vang.

Sau đó, ông Swanson và các cộng sự đã tuần hành cùng với mọi người. Cuộc tụ tập ở Genesee vì thế diễn ra trong hòa bình, không có cửa hàng nào bị đập phá và cũng không có người nào bị thương.

"Tôi tin là chúng tôi đã cứu nhiều mạng sống vào đêm qua", ông Swanson phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra ngày hôm sau.

Cảnh sát trưởng Christopher Swanson tuần hành cùng đám đông người biểu tình ở Genesee, bang Michigan. Ảnh: AFP.

Quajuan Adams, một trong những người tham gia biểu tình ở Genesee, cũng có mặt tại cuộc họp báo. Ông cho biết cuộc biểu tình không chỉ là vì George Floyds hay Eric Garners (một nạn nhân khác thiệt mạng vì vũ lực của cảnh sát) - mà là vì mọi người.

"Lực lượng cảnh sát cần phải chắc chắn rằng họ đang làm mọi việc đúng cách. Họ cần tập trung vào đào tạo, chính sách, những gì được coi là hiếu chiến, những gì không phải là hiếu chiến, và cần dùng vũ lực như thế nào trong những tình huống nhất định", ông Adams nói.

Tốt nhưng chưa đủ?

Cảnh sát trưởng Swanson cho biết nhiều người thuộc mọi độ tuổi và tầng lớp khác nhau đã tới Genesee để thể hiện sự phẫn nộ trước những gì xảy ra ở Minneapolis. Nhưng sự việc, theo ông, không phản ánh toàn bộ 800.000 sĩ quan cảnh sát trên đất nước này.

"Chúng tôi đã trở thành trung tâm của ánh sáng tối qua, vì vậy chúng tôi kêu gọi một đêm hòa bình trên toàn quốc. Mọi thứ cần bắt đầu từ lực lượng thực thi pháp luật: Hãy bỏ vũ khí của các bạn xuống", ông Swanson nói.

Theo một thống kê của Washington Post, hơn 1.000 người Mỹ đã bị cảnh sát bắn chết trong năm 2019.

Cô Aleeia Abraham, người quay đoạn băng cảnh sát quỳ gối ở khu Queens, New York, nói với đài CNN rằng hành động này là dấu hiệu tốt, nhưng nó không phải là câu trả lời cho sự tức giận của mọi người.

"Điều đó thật tuyệt, đó là dấu hiệu tốt, nhưng những gì mà chúng tôi thật sự mong mỏi là hành động. Tôi sẽ ấn tượng hơn nếu như chúng tôi không còn bị đè lên người hay bị bắn. Đó là khoảnh khắc mà tôi đang tìm kiếm", cô Abraham nói.

Cảnh sát trưởng thành phố Atlanta, bà Erka Shields cũng được tán dương vì đã hòa mình vào dòng người biểu tình, hỏi thăm từng người về những mối quan tâm và lo lắng của họ.

"Mọi người đang buồn, tức giận, sợ hãi và tôi hiểu điều đó. Họ muốn mình được lắng nghe", bà Shields trả lời các phóng viên sau sự việc.

Tại Houston, bang Texas, nơi nạn nhân George Floyd lớn lên, cảnh sát trưởng thành phố là ông Art Acevedo đã lên án các hành vi bạo lực của lực lượng cảnh sát, và kêu gọi kết án 4 sĩ quan cảnh sát liên quan đến vụ bắt giữ khiến ông Floyd tử vong ở Minneapolis.

"Chúng ta có một người đàn ông, một người con, một người anh, người bác, người anh em họ, một người dân Houston, một người con của Chúa, đã bị giết hại bởi những người đáng lẽ ra phải là đày tớ của Chúa, và họ không nhân nhượng khi đặt đầu gối lên cổ của anh ấy", ông Acevedo nói.

Hai cảnh sát New York quỳ gối trước đám đông người biểu tình ở Times Square hôm 31/5. Ảnh: AFP.

Những hình ảnh này là hoàn toàn đối lập với những gì diễn ra ở nơi khác, với các sĩ quan cảnh sát phớt lờ lời thỉnh cầu của người biểu tình, và sử dụng vũ lực để trấn áp khi không được đám đông ủng hộ. Ở New York và Los Angeles, xe cảnh sát thậm chí còn lao vào đám đông.

Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết sẽ điều tra vụ xe cảnh sát lao vào đám đông, nhưng không nghĩ rằng sĩ quan lái xe có lỗi.

"Nếu đám đông không bao vây xe cảnh sát, chúng ta sẽ không phải nói về điều này", ông de Blasio cho biết.

Cảnh sát New York ôm người biểu tình và cùng quỳ gối vì George Floyd Đoạn video cho thấy nhiều sĩ quan cảnh sát cùng quỳ gối với người biểu tình, một hành động ý nghĩa sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd.

Sơn Trần
(theo Washington Post)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vut-bo-dui-cui-va-cung-quy-goi-canh-sat-my-sat-canh-nguoi-bieu-tinh-post1091024.html