Vượt rào cản để bỏ kỳ thi THPT quốc gia

Đọc bài viết “Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao, có nên bỏ thi tốt nghiệp?” đăng trên báo Lao Động, tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của TS Lương Hoài Nam.

Giáo dục phổ thông là bước đệm đầu tiên cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng để một người có thể bắt đầu với những ngã rẽ mang tính quyết định. Kết thúc 12 năm phổ thông, học sinh có những lựa chọn riêng cho mình phù hợp với sở thích, năng lực bản thân. Đại học sẽ là cánh cửa dành cho những người có năng lực thật sự. Và học nghề, lao động kiếm sống cũng là con đường được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Vì vậy, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ rút ngắn khoảng cách vào đời của một bộ phận học sinh.

Hàng năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên quy mô toàn quốc thật sự gây ra áp lực lớn cho thí sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó là một nguồn kinh phí không nhỏ cho công tác coi thi, chấm thi… Khi tỷ lệ đậu tốt nghiệp mỗi năm một cao thì kỳ thi chỉ còn mang tính hình thức và việc bỏ nó chỉ còn là vấn đề thời gian. Đặc biệt là sau khi triển khai kỳ thi THPT Quốc gia và lấy kết quả xét tuyển vào đại học thì nhiều người nhận định kỳ thi này mang tính đại trà, mặt bằng kiến thức chỉ ở mức trung bình và không đánh giá đúng thực lực của học sinh thay vì thi đại học chất lượng và phân hóa cao như trước đây.

Mặt khác, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp rất phù hợp với mục tiêu của công cuộc đổi mới giáo dục. Nếu các đề thi chỉ tập trung vào việc kiểm tra kiến thức của học sinh thì sẽ đi chệch hướng với việc đổi mới giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực người học. Tôi đồng tình với ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Nếu không đổi mới thi cử thì rất khó tạo điều kiện buộc giáo viên đổi mới cách dạy, học sinh đổi mới cách học.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần lưu ý đến những tiêu cực có thể phát sinh khi “khoán” việc xét tốt nghiệp cho các trường THPT. Tình trạng dễ dãi trong việc ra đề kiểm tra, chấm điểm để học sinh đủ điều kiện lên lớp đã từng xảy ra ở tiểu học và THCS. Học sinh tiểu học đã có thời “bội thực” điểm 10 và dư luận xôn xao việc “làm đẹp học bạ” để xét tuyển vào lớp 6. Học sinh THCS và THPT cuối cấp lại được “ưu ái” nâng điểm, sửa điểm, xin điểm để đạt chỉ tiêu tốt nghiệp cao ngất ngưởng đã đề ra. Đó là một thực tế như những “góc khuất” tồn tại trong môi trường giáo dục. Căn bệnh thành tích cùng tâm lý “cho tốt nghiệp kẻo tội, tiếc công 12 năm ăn học” sẽ là sợi dây vô hình trói chặt và vô tình khiến giáo dục đi chệch hướng dạy học thực chất, đánh giá thực chất.

Để tránh tình trạng xin điểm, sửa điểm, nâng điểm xảy ra cũng như việc công nhận và xét tốt nghiệp ở các trường THPT diễn ra khách quan, trung thực, ban soạn thảo chương trình cần phải nghiên cứu một quy chế xét tuyển thật sự khoa học, minh bạch và chặt chẽ. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện xét tốt nghiệp cần thực hiện đồng nhất, nghiêm túc ở tất cả các địa phương. Cơ chế giám sát của các trường đại học và cơ quan chủ quản phải phát huy được vai trò thiết thực của mình. Bên cạnh đó, việc ban hành quy định, chế tài xử lý những tiêu cực có thể xảy ra là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn và răn đe những biểu hiện gian dối, sai phạm trong kiểm tra đánh giá.

Để tiến tới bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, chắc chắn Bộ GD&ĐT cần có một lộ trình với nhiều công việc, kế hoạch phải chuẩn bị, đầu tư, nghiên cứu. Dẫu còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đổi mới giáo dục là quy luật tất yếu. Và người dân chúng tôi rất mong chờ vào những đổi thay tích cực của giáo dục nước nhà trong tương lai.

Thanh Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/vuot-rao-can-de-bo-ky-thi-thpt-quoc-gia-684067.bld