Vượt qua tuổi teen

Những đứa trẻ bước vào tuổi teen thường rất bướng và hay cãi lại bố, mẹ khiến cho nhiều phụ huynh khó chịu và đánh, mắng lại con... Và khi đó trẻ càng trở nên lì lợm và bướng bỉnh hơn. Theo các chuyên gia tâm lý, khi con đang ở lứa tuổi dở... ương, bố, mẹ hãy là những người bạn cùng con chia sẻ, vượt qua những khủng hoảng tâm lý.

Khi con lười và bướng

Chị Hoàng Bích Liên - Long Biên (Hà Nội) chưa có cách nào để "trị" thói lười và luộn thuộm của con gái đang học lớp 10. Chị Liên đã góp ý, chỉ bảo cho con nhiều lần nhưng con vẫn chẳng đụng tay vào việc nhà, kể cả dọn phòng riêng.

Một lần nọ con bé mang cơm lên trên phòng vừa học bài vừa ăn. Ăn xong con vứt luôn bát đũa tại phòng mấy ngày cũng không đem xuống rửa. Chị Liên rất bực. Không giống như những lần trước chị thường quát mắng con thì lần này chị phạt con ở nhà tự lo cơm nước, giặt rũ, chị cùng với mấy bà bạn đi chơi.

Sáng sớm chị đi ra khỏi nhà, con bé chưa dậy. Chị để lại mẩu giấy trên bàn bếp, dặn dò con cẩn thận, thế nhưng đến tối về chị vẫn thấy mảnh giấy đó nằm nguyên trên bàn, con bé vẫn chưa ra khỏi phòng ngủ. Chỗ quần áo bẩn chất đống ngày hôm qua con đó, nhà cửa bừa bộn...

Hỏi con bé trưa nay ăn gì, nó nói con ăn bánh ngọt và uống sữa trong tủ lạnh. Hỏi con dọn nhà, giặt giũ quần áo cho mẹ chưa, nó nói: Nhà có người giúp việc tại sao con phải làm việc đó. Giúp việc về quê thì hôm sau lên làm bù. Cứ để đó ít hôm có sao đâu...

Không kìm chế được bực bội, chị Liên mắng con một hồi thì con đùng đùng bỏ đi ra ngoài, mặc chị la mắng một mình...

Khi con biết yêu

Chị Ngọc Bích ( Đống Đa - Hà Nội) tâm sự: “Một lần tới trường đón con gái đang học lớp 10, tôi thấy một cậu bạn trai đi cùng con ra cồng với bộ dạng thân thiết, tình tứ. Về nhà lựa lời tôi hỏi con về cậu bạn trai kia. Ấp úng mãi con bé cũng thừa nhận rằng hai đứa có tình cảm với nhau. Tôi nghe xong cũng sững người một lúc vì không ngờ con bé lại yêu sớm đến thế. Hàng ngày ở nhà nó vẫn như một đứa trẻ con, hay nhõng nhẽo làm nũng mẹ, vì thế tôi không nghĩ nó đã biết yêu...

Vờ như mọi chuyện bình thường, tôi nói: Con yêu bạn trai kia mẹ không cấm. Thế nhưng, con là con gái cần biết giữ mình và phải xác định việc học là trên hết. Hôm nào con cho mẹ gặp cậu bạn trai kia củ con để mẹ nhắc nhở hai đứa cùng nhau học tập tiến bộ. Tuyệt đối, chuyện yêu đương kia không được ảnh hưởng đến học tập”.

Con bé quay sang nói với tôi gọn lỏn: “Con biết rồi, mẹ không phải nhắc. Lớp con đứa nào mà chẳng yêu. Chúng con sẽ tự biết cách bảo vệ bản thân và không ảnh hưởng đến học tập”.

Nghe con bé nói như thể nó là một đứa hiểu biết, già giặn lắm nhưng thật ra, nó còn quá non nớt. Mọi chuyện không như nó nghĩ càng khiến tôi lo lắng cho con nhiều hơn. Những tình huống khó lường trong chuyện yêu đương rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và kết quả học tập của con...

1001 lí do khủng hoảng tuổi teen

Lứa tuổi teen hay còn gọi là tuổi “dở...ương” (vừa trẻ con, vừa người lớn) khiến các bậc phụ huynh có 1001 chuyện đau đầu: lo con học kém, đua đòi, trượt tốt nghiệp, vi phạm pháp luật…

Theo chuyên gia tâm lý, Trịnh Trung Hòa, trẻ đến tuổi dậy thì hay còn gọi là tuổi teen có nhiều biểu hiện tâm lý bất thường. Đôi khi là nóng giận, bướng bỉnh hay lì lợm... do có những thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi. Vì vậy, cha mẹ cần biết để nắm được cách dạy con.

Với trẻ có tính lười và bừa bộn, không ngăn nắp, cha mẹ không nên nóng vội, đánh mắng con mà cần lập lại trật tự dần dần. Bởi vì ngay từ đầu, khi con còn nhỏ, cha mẹ đã không rèn cho con tính ngăn nắp, vì thế, trẻ mới có tính bừa bộn.

Giờ cha, mẹ muốn con ngăn nắp, hãy chia sẻ, nói chuyện với con thật nhẹ nhàng, sau đó phân công cho con những việc cụ thể, dễ dàng trước, chẳng hạn như cho quần áo vào máy giặt... phơi quần áo lên, gập quần áo... sau đó mới tiếp tục với các việc khác.

Khi trẻ hoàn thành công việc, cha, mẹ đừng tiếc lời khen hoặc nhẹ nhàng góp ý khi trẻ chưa hoàn thành công việc đã giao.

Hoặc với những đứa trẻ lười học, cha mẹ tuyệt đối không nên bêu riếu trẻ trước mặt người khác. Đây là một sai lầm mà rất nhiều vị phụ huynh mắc phải.

Không ai thích bị bêu xấu trước mặt nhiều người, kể cả chính mình. Với trẻ cũng vậy, nói xấu rất dễ làm tổn thương lòng tự trọng của chúng đồng thời chúng cảm thấy không kính trọng, nể phục bố mẹ.

Đừng bao giờ lấy những khuyết điểm của trẻ nói trước mặt người khác, kể cả những người thân trong gia đình. Hãy nhẹ nhàng trò chuyện góp ý riêng với trẻ và cùng con tìm cách khắc phục.

Hay những đứa trẻ yêu sớm cũng vậy, khi phát hiện con mình có dấu hiệu yêu, cha mẹ nên bình tĩnh quan sát để có cách giải quyết, góp ý phù hợp. Tình trạng yêu sớm trong lứa tuổi học trò hiện nay rất phổ biến (do các em trưởng thành về giới tính sớm hơn trước). Nhiều em mới lớp 6, lớp 7 đã có “người yêu”.

Vẫn biết yêu sớm sẽ không tốt. Thay vì cấm đoán một cách quyết liệt, bạn hãy đến với trẻ bằng tư cách của một người bạn. Nói chuyện với con một cách cởi mở, giải thích cho con hiểu những điều nên và không nên.

Dạy con cũng là một nghệ thuật, nhất là với trẻ ở lứa tuổi teen - lứa tuổi đang muốn bứt phá và khẳng định mình... Bởi vậy khi dạy trẻ cha mẹ hiểu được tâm lý lứa tuổi mà kiềm chế nóng giận. Đôi khi chỉ là một hành động hay một lời nói rất nhẹ nhàng quan tâm đến trẻ cũng khiến trẻ ngoan ngoãn nghe lời. Cha, mẹ không nên lo lắng quá mà có những hành động nóng giận, gây ra tình trạng bất hợp tác ở trẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/vuot-qua-tuoi-teen-3941722-b.html