Vượt qua thương tật, những cựu chiến binh bắt đất cằn nở hoa

Trở về quê hương sau khi đi qua những cuộc chiến tranh, dù đối mặt với biết bao gian khó song với phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh trên địa bàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã và đang từng ngày xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Ông Phương Văn Tiến chăm sóc vườn na của gia đình.

Học mọi lúc, mọi nơi

Trong cái nắng hầm hập của những ngày hè tháng Sáu, chúng tôi tìm đến nhà ông Phương Văn Tiến, thôn Khuyên, xã Huyền Sơn (Lục Nam). Ấn tượng đầu tiên cảm nhận được đó là những vườn na, bưởi xanh mướt dưới chân núi Huyền Đinh. Đang mải mê làm vườn, nghe tiếng vợ gọi, ông Tiến dừng tay tiếp đón chúng tôi. Tuy 70 tuổi nhưng trông ông rất khỏe mạnh, hoạt bát.

Năm 1966, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc đang trong giai đoạn ác liệt, ông Tiến lên đường nhập ngũ thuộc đơn vị C2 K10 bộ binh, chiến đấu tại chiến trường Huế. Tham gia nhiều trận đánh cùng đồng đội, ông bị thương ba lần. Sức khỏe yếu, năm 1970, ông Tiến được điều chuyển ra Bắc điều dưỡng, giám định khả năng lao động giảm 61%. Trở về quê hương, ông lập gia đình và sinh được 5 người con.

Mỗi thương, bệnh binh chúng tôi gặp có hoàn cảnh khác nhau song họ đều có một điểm chung đó là từng đi qua các cuộc chiến ác liệt nhất và luôn lạc quan, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, ông bắt tay vào làm kinh tế. Ông Tiến mạnh dạn vay vốn ngân hàng, nhận 2 ha đất đồi trồng bạch đàn, sau này phát triển thêm vải thiều, na, bưởi và nuôi ong.

Quá trình làm kinh tế, ông cũng nếm trải nhiều thất bại do thiếu kiến thức. Ví như cây na- loại cây ăn quả chủ lực của xã Huyền Sơn, trước kia khi vào vụ thu hoạch, năng suất thấp do quả nhỏ, mọc thưa, chín dồn vào cùng thời điểm nên tiêu thụ khó, không được giá. Không ít vụ, gia đình trắng tay vì tiền bán không đủ chi phí chăm sóc. Không nản lòng, ông lặn lội về vùng đất Đông Triều (Quảng Ninh) học hỏi kinh nghiệm, tích cực đọc tài liệu sách, báo để "buộc" na ra quả theo ý muốn. Với kỹ thuật tỉa cành, ép tán, không cho mầm mọc tự do; thụ phấn nhân tạo để điều chỉnh lượng quả trên cây; thiết kế các rãnh thoát nước tiêu úng... nên vài năm gần đây, vườn na của gia đình ông luôn đạt năng suất cao, quả to, mẫu mã đẹp, thời gian thu hoạch kéo dài tới 4 tháng thay vì vài tuần như trước.

Thấy cách làm hay, nhiều người đến học hỏi, ông Tiến nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Bởi vậy, những tháng cuối mùa, nhiều vùng đã kết thúc mùa vụ nhưng nơi đây vẫn có na bán, giá trung bình 50 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với đầu vụ. Với hơn 600 cây na, khoảng 200 cây bưởi và 60 thùng ong, trừ chi phí, mỗi năm, ông Tiến thu về gần 400 triệu đồng.

Tỷ phú năng động

Lâu nay, ông Đặng Văn Để, bệnh binh ở thôn Trại Mít, xã Đông Hưng (Lục Nam), được người dân gọi bằng cái tên trìu mến "Tỷ phú năng động". Ông Để nhập ngũ năm 1975, khi mới 17 tuổi, đang học cấp 3, là lính thông tin liên lạc. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Để được điều động lên biên giới phía Bắc tiếp tục phục vụ quân ngũ. Những năm tháng ở chiến trường, ông bị nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe giảm 51%, sau đó nghỉ chế độ năm 1986. "Khi lập gia đình, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, bố mẹ bệnh tật, các em còn nhỏ, muốn làm kinh tế cũng khó vì đất đai cằn cỗi, ruộng đồng không thuận nước tưới. Đã vậy, những trận sốt rét, những cơn đau dạ dày liên tiếp hành hạ cơ thể", ông Để nhớ lại.

Ông Đặng Văn Để (giữa) cùng cán bộ xã Đông Hưng giám sát chất lượng công trình xây dựng ở địa phương.

Lo toan kinh tế cho gia đình, ông và vợ xoay xở đủ nghề từ nấu rượu, chăn nuôi đến làm máy xát gạo... Với sự chịu khó, năng động, những ngày tháng khó khăn rồi cũng qua. Có đồng vốn, ông cùng anh em trong gia đình đầu tư máy xúc, mua ô tô tải, tuyển nhân công làm việc ở nhiều nơi, đồng thời thành lập Công ty TNHH Thành Thịnh với ngành nghề xây dựng do ông làm Giám đốc. Hơn 10 năm qua, ông Để tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần trăm lao động có hoàn cảnh khó khăn, con em thương, bệnh binh trong và ngoài xã với mức thu nhập khá.

Theo ông Để, ngành nghề xây dựng có tính đặc thù, nếu không nắm vững nguyên tắc kinh doanh sẽ rất khó thành công. Để gây dựng được cơ nghiệp lớn như hôm nay, ông phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu liên quan đến xây dựng. Đặc biệt, chất lượng công trình phải luôn được đặt lên hàng đầu, nếu không sẽ thất bại. Nay đây, mai đó, có mặt khắp mọi nẻo đường nhưng ông vẫn dành tình cảm đặc biệt với quê hương. Khi xã Đông Hưng bắt tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, ông tình nguyện hiến hơn 70 m2 đất của gia đình để mở rộng đường thôn. Các công trình như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa... ông đều cùng lãnh đạo địa phương tham gia tư vấn, thiết kế xây dựng, đóng góp nhiều công sức, tiền của, góp phần đưa xã Đông Hưng về đích xây dựng nông thôn mới trước thời hạn.

Cho rừng thêm xanh

Như nhiều thương, bệnh binh khác nỗ lực vươn lên làm giàu, ông Hồ Minh Bình, một đảng viên, vừa là thương binh vừa là bệnh binh (sức khỏe giảm 61%) ở thôn Đồng Tiến, xã Đông Phú cũng vậy. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, tháng 10-1974, ông Bình lên đường vào Nam chiến đấu tại chiến trường Bình Định. Tháng 4 -1975, khi tham gia chiến đấu giải phóng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông bị thương. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Bình tiếp tục cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ông Hồ Minh Bình tại xưởng bóc gỗ của gia đình.

Trở về quê năm 1988 đúng lúc kinh tế gia đình rất khó khăn; ruộng ít, sức khỏe yếu, các con thơ dại. Không cam chịu đói nghèo, ông Bình tích cực trồng màu, nuôi lợn... để có thu nhập. Dần dần ông đầu tư kinh doanh vật tư nông nghiệp, xăng dầu. Tiếp đó mạnh dạn mua 25 ha rừng bạch đàn kinh tế của những hộ dân trong vùng, mở thêm xưởng chế biến lâm sản.

Từ những quả đồi trơ trụi, hoang sơ, dưới bàn tay chăm sóc của thương binh Hồ Minh Bình đã xuất hiện những cánh rừng xanh biếc mang lại giá trị kinh tế cao. Mỗi năm từ làm kinh tế tổng hợp, trừ chi phí ông Bình thu về hơn 600 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Bận rộn làm kinh tế nhưng ông Bình nhiều năm làm Bí thư chi bộ thôn, đồng thời nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành.

Mỗi thương, bệnh binh chúng tôi gặp có hoàn cảnh khác nhau song họ đều có một điểm chung đó là từng đi qua các cuộc chiến ác liệt nhất và luôn lạc quan, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, vượt khó lập nghiệp và làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương.

Theo Công Doanh (Báo Bắc Giang)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/vuot-qua-thuong-tat-nhung-cuu-chien-binh-bat-dat-can-no-hoa-788222.html