Vượt qua stress trong mùa dịch

Cho đến hôm nay, khi thời gian giãn cách xã hội kéo dài, cùng với việc thay đổi nhịp sống một cách bị động, những cơn stress đã xuất hiện một cách rõ ràng. 'Thậm chí ngay cả việc người ta phải nhao ra đường trong khi biết là còn nguy hiểm cũng là một biến thể của stress' - tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa khẳng định.

Tập thể dục thời giãn cách xã hội

Tập thể dục thời giãn cách xã hội

Chấp nhận sự khó chịu

Cuộc sống đột ngột bị đặt vào tình huống nguy hiểm kéo dài, buộc phải hạn chế di chuyển, nếp sinh hoạt đảo lộn, áp lực về tiền bạc, công việc... tất cả những điều ấy đều là căn nguyên của một cơn stress. Mức độ nặng, nhẹ tùy thuộc vào “cơ địa” của mỗi người. Người quen hướng nội có thể bình tĩnh tiếp nhận, thậm chí tận hưởng tình huống này. Ngược lại, việc hạn chế đi lại, kết nối là một cực hình đối với người hướng ngoại.

“Khi tôi ý thức được mọi chuyện đang trở nên tồi tệ là khi tôi liên tục quát nạt và cấm các con không được làm việc này, việc kia. Không khí gia đình rất áp lực bởi cả ba thế hệ đột ngột phải ở với nhau 24/24 trong một không gian hẹp và hoàn toàn bế tắc về mặt tinh thần. Bố mẹ chồng dỗi liên tục. Chồng tôi đâm cáu bẳn. Tôi phải dùng thuốc ngủ vào mỗi đêm”. Chị Nguyễn Thị Thanh T. (Hà Nội) chia sẻ.

Trường hợp của chị T. không phải là cá biệt. Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho biết, trong vòng 5 ngày, phòng khám của chị có đến 22 bệnh nhân đăng ký tư vấn stress vì “không được tự do
đi lại”.

“Điều này là rất bình thường. Đó không phải là “thiếu ý thức”, hay “không biết điều”. Đối mặt với những thay đổi đột ngột trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có thể bị stress không ít thì nhiều. Và cách tốt nhất để hạn chế cảm xúc tồi tệ này là chấp nhận nó, không cần thiết phải chống lại. Vì càng chống lại căng thẳng càng gia tăng”. Tiến sĩ Mai Hoa chia sẻ.

Anh Nguyễn Tuấn V. (28 tuổi, Hà Nội) kể lại câu chuyện sau khi đã “qua cơn stress”: “Tôi vẫn sống chung với bố mẹ và bao nhiêu khó chịu lộ ra hết khi cả nhà đột ngột bị trói vào một chỗ. Cảm xúc tồi tệ kéo dài khoảng hai tuần. Về sau nhìn lại tôi mới ý thức được, khi mọi người cùng ở nhà lâu và tiếp xúc quá nhiều, sẽ phát sinh va chạm khi những nhu cầu xung đột với nhau.

Tôi được hướng dẫn suy nghĩ theo hướng: Bất cứ cảm xúc tiêu cực nào như: chán, uể oải, căng thẳng, cáu gắt, bùng nổ... trong thời gian này đều có thể là hoàn toàn bình thường. Điều đó có ý nghĩa tương tự với những người khác. Và cảm giác thèm được ra ngoài, đi làm, quay trở lại cuộc sống trước kia cũng là bình thường nốt. Không việc gì phải xoắn!”.

Cũng theo kinh nghiệm của anh V., để có thể sớm lấy lại cân bằng tâm lý, người bị stress nên tôn trọng và tìm cách thích nghi với những nhu cầu của mình. Sau đó tôn trọng sự khác biệt trong nhu cầu của các thành viên khác. Như vậy, “cơn địa chấn” này sẽ giảm dần tác động và ảnh hưởng lên những ngày giãn cách.

Ngưng so sánh và đừng quá chú tâm vào những bảng thống kê

Trong một diễn đàn của các du học sinh châu Âu, chủ đề “cứu mình khỏi stress” những ngày gần đây luôn nằm trong top đầu tìm kiếm khi tình hình bệnh dịch ở những nước này vẫn không có dấu hiệu chững lại.

Nguyễn Thúy Nga (du học sinh tại Đức) chia sẻ: “Biết là mình bị stress nhưng không đủ tiền để tìm bác sĩ tư vấn, tôi đã phải tự mày mò và tìm cách cứu chữa cho bản thân. Đầu tiên, tôi hạn chế đọc những bảng thống kê, mỗi ngày chỉ xem đúng 1 lần vào lúc 9h sáng. Sau đó, tôi quẳng COVID-19 ra một bên và chuyên tâm vào việc học. Tôi thậm chí không vào facebook để đỡ phải nhìn thấy những thông tin khủng bố về số người chết và những hố chôn tập thể. Chỉ thế thôi, nhưng khoảng 1 tuần sau, tâm trạng tôi đỡ hẳn”.

Á hậu Kim Duyên làm việc nhà trong mùa giãn cách để chống stress

PGS.TS Nguyễn Phương Mai hiện là giảng viên tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan khuyên những người đang khủng hoảng vì COVID-19: “Hãy kiểm tra 20 post gần đây nhất của chính mình và tự đánh giá xem chúng ta có đang làm bản thân lún sâu vào vòng xoáy stress hay không. Và cuối cùng, nếu định viết thêm một post mới, hãy cân nhắc xem ta nên viết gì để làm giảm thiểu hậu quả của cơn đại dịch mang tên khiếp hãi và thù ghét này”.

Một phát kiến khác để chống stress trong giai đoạn này là việc xác định “không nhất thiết” phải: học một kỹ năng mới, sắp xếp lại nhà cửa, yêu bếp, nghiện nhà... để cho khỏi lạc trend. “Tất cả những áp lực mong hoàn hảo đều khiến tâm trạng con người bị o ép. Nó không khác gì chúng ta nhồi tâm trạng của mình vào một cái túi và vo tròn đập bẹp. “Chacun a son gout” là câu cửa miệng của người Pháp, nghĩa là mỗi người một kiểu, không cần thiết phải ép bản thân, nhất là trong điều kiện bệnh dịch vốn đã làm ta căng như dây đàn. Ý kiến của thạc sĩ chuyên ngành tâm lý Trần Hoài Anh (ĐH Lyon II) nhận được hơn 20.000 like chỉ sau 8 giờ đăng tải.

Ý kiến này cũng giải thích vì sao group “Ghét bếp, không nghiện nhà” mới lập chỉ trong vòng ba ngày đã thu hút hơn 300 ngàn người tham gia. Nhà quay phim Đinh Đức Thành (Christopher Dinh) người lập ra group chia sẻ: “Những ngày qua toàn xã hội thực hiện việc giãn cách cộng đồng để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19. Cả gia đình ở nhà trong khi quán hàng phải đóng cửa dẫn đến việc phải nấu nướng, dọn dẹp quá nhiều, quá căng thẳng.

Áp lực gia tăng khi vợ, chồng là thành viên của các group đầy ắp những món ăn ngon, những căn nhà đẹp. Việc ngắm, khen “chồng/vợ/nhà người ta” quá nhiều có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc, cũng như tạo tâm lý hoang mang, tự ti với bản thân. Thậm chí, có lúc, có nơi, có người không thể kìm chế bản thân được đã sử dụng hình ảnh của người khác để sống ảo, hòng đắm mình trong những lời tán dương, ca tụng”.

Chung ý kiến với đội “không cần hoàn hảo”, nhà làm phim Phan Ý Linh chia sẻ kinh nghiệm để không dồn mình đến giới hạn chịu đựng: “Con bạn không cần phải học một ngôn ngữ mới, thành thạo một loại nhạc cụ hay là học nấu ăn... trừ khi chúng thực sự muốn. Bạn cũng không cần phải tìm bằng được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống - chắc chẳng tìm được đâu nếu cuộc sống đột ngột thay đổi như hiện tại. Bạn cũng không cần phải trở thành một chuyên gia giáo dục tại gia cho con bạn, kể cả khi bạn đã làm được việc đó 5 năm rồi. Con bạn có thể hoặc chưa thể thích nghi với lớp học trực tuyến, điều đó là bình thường. Con cũng không cần phải xuất sắc trong việc học. Và thỉnh thoảng chơi tự do cả ngày cũng chẳng có vấn đề gì”.

Kiếm việc để làm

Để trôi qua “gần 1 tháng ở nhà mà vợ chồng chưa lớn tiếng với nhau, hầu như mọi ngày đều trôi qua trong êm đềm” chị Ý Linh có một số kinh nghiệm như: Cho phép mình làm những việc khác so với bình thường như xem nhiều hơn, ăn vặt nhiều hơn, đi ngủ muộn hơn, dậy sớm hơn.

Kiếm việc để làm chính là cách hữu hiệu nhất để trôi qua quãng thời gian stress bất đắc dĩ này, đó là tổng kết của rất nhiều chuyên gia tâm lý.

Sáng nay tôi thử phân tích 100 status facebook của bạn bè mình. Gần 80% các bài viết đếm số người dương tính, bàn luận về người cách ly, so sánh cách chống dịch của các nước, hoặc than thở và chửi rủa. Tỷ lệ gần 80% khiến tôi tự hỏi: Thực tế trên toàn xã hội, số người ăn ngủ, chuyện trò chỉ xoay quanh mỗi sợ hãi về con virus ấy sẽ là bao nhiêu”?

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa thì khuyên những khách hàng bị stress vì ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch: mất việc, thua lỗ, phá sản: “Ngưng đổ lỗi cho bản thân vì đây là những rủi ro ngoại thân. Bất cứ ai trên thế giới cũng có thể gặp phải tình huống giống như bạn. Và hãy cố gắng nhìn vào những thứ bạn chưa mất, như là sức khỏe, gia đình, các mối quan hệ, kiến thức, kỹ năng... Gì cũng có thể làm lại được miễn là ta còn sống”.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai phỏng đoán: “Chúng ta sẽ còn phải cầm cự ít là vài tuần, nhiều là vài tháng. Thật khó có thể hoàn toàn không để mắt đến tin tức xấu xung quanh, nhưng ít nhất, vì chính lợi ích của bản thân, ta có thể làm giảm thiểu tác hại của loại virus còn đáng sợ hơn corona: virus của khiếp hãi và thù ghét đồng loại”.

Theo đó, chị Phương Mai đề xuất giải pháp: “Phương thức quan trọng nhất là tập thể dục. Stress làm cơ thể tích lũy năng lượng. Chính vì vậy, ta phải giải phóng năng lượng bằng vận động cơ thể. Tập thể dục 20 phút một ngày. Nếu nhà bạn có cầu thang, hãy leo cầu thang. Nếu bạn không thể ra ngoài đường, hãy bật nhạc lên và nhảy tại chỗ hết một bản nhạc mỗi ngày 6-7 lần. Nếu bạn có trẻ con ở nhà, hãy bày trò chơi để cả gia đình cùng vận động. Một người bạn thậm chí gửi cho tôi video chị chạy vòng quanh ban công 10km. Thật đáng nể phục!”.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/vuot-qua-stress-trong-mua-dich-1640255.tpo