Vượt qua nỗi đau

LĐLĐ TP HCM đã tổ chức họp mặt 306 CNVC-LĐ bị tai nạn lao động và đến thăm 6 người có tỉ lệ thương tật cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

"Sau tai nạn, sức khỏe giảm sút, cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều nhưng tôi cảm thấy mình may mắn vì còn sống, còn có thể làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình" - anh Nguyễn Trường Sỹ, 38 tuổi, nhân viên bảo vệ Công ty TNHH Dịch vụ Phi Long Hải (quận 10, TP HCM), bày tỏ tại chương trình họp mặt công nhân (CN) bị tai nạn lao động do LĐLĐ TP tổ chức mới đây.

Vươn lên sống tốt

Trước đây, anh Sỹ làm CN tại Công ty Dệt Đông Nam (quận Tân Phú, TP HCM). Trong lúc thao tác với máy xe bông, anh sơ ý bị máy cuốn dập nát bàn tay phải, bị thương tật 58%. Sau thời gian điều trị, anh được công ty nhận làm việc trở lại và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe. Thế nhưng, đến năm 2012, công ty giải thể, anh phải về quê sống nhờ vào gia đình.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, thăm hỏi bà Mai Thị Kim Nhàn, bị thương tật 51%

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, thăm hỏi bà Mai Thị Kim Nhàn, bị thương tật 51%

Không chịu nổi cuộc sống nhàm chán và phụ thuộc vào người thân, 2 năm sau, anh Sỹ quyết định khăn gói trở lại TP HCM và may mắn tìm được công việc tại Công ty TNHH Dịch vụ Phi Long Hải. Có công việc với khoản thu nhập tương đối, cuộc sống của gia đình anh đỡ vất vả hơn. "Sau tai nạn, không phải ai cũng có đủ ý chí để vượt qua nghịch cảnh. Do vậy, tôi tự động viên mình cố gắng trở thành người có ích cho xã hội. Buổi họp mặt do LĐLĐ TP tổ chức hằng năm đã tiếp thêm động lực cho những CN không may bị tai nạn như tôi" - anh Sỹ tâm sự.

Cũng với ý chí phấn đấu, bà Mai Thị Kim Nhàn (54 tuổi; ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM), đã vượt qua nỗi đau tai nạn để vươn lên trong cuộc sống. Năm 1987, khi đang là CN của Xí nghiệp Chế biến nông thổ sản Phú Nhuận, trong một lần làm ca đêm, bà bị máy xay bao ni-lông cuốn cụt bàn tay phải. Với tỉ lệ thương tật 51 %, bà được công ty nhận trở lại làm bảo vệ. Nhưng sau đó, công ty giải thể, không tìm được việc làm, bà phải đi giúp việc gia đình. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng bà Nhàn vẫn gắng gượng sống, là chỗ dựa cho gia đình, đặc biệt là người mẹ già. Hằng ngày, bà cố gắng đi giúp việc nhà và nhặt ve chai để kiếm đồng vô đồng ra. Bà bộc bạch: "Sức khỏe hiện nay của tôi rất kém, vào bệnh viện liên miên. Ngày nào khỏe, tôi đi giúp việc nhà, kiếm thêm thu nhập phụ tiền ăn cho gia đình. Mỗi tháng, tôi lãnh trợ cấp 970.000 đồng, chưa đủ tiền uống thuốc. Nhưng khó khăn không làm tôi lùi bước, ngày nào còn sống, tôi còn cố gắng". Với số tiền 10 triệu đồng do LĐLĐ TP hỗ trợ, bà dự kiến mở một sổ tiết kiệm để dành cho tương lai.

Sẻ chia ấm lòng

Sau chương trình họp mặt, đoàn công tác do bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đã đến thăm bà Nguyễn Thị Nguyệt, 72 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM.

Năm 1999, khi đang công tác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, lò hấp thanh trùng nổ, bà Nguyệt bị phỏng nặng toàn thân, tỉ lệ thương tật lên đến 81%. Bà Nguyệt kể: "Sau tai nạn, tôi được cấp cứu kịp thời nhưng phải cả tuần sau mới tỉnh lại được. Toàn thân tôi không có chỗ nào lành lặn. Lúc ấy, tôi chỉ muốn chết nhưng may mắn ông xã và con trai kề cận khuyên nhủ nên tôi nguôi ngoai phần nào". Với vết bỏng ăn sâu từ mặt đến tay, ngực, bụng, đùi, bà phải trải qua nhiều lần phẫu thuật để cấy ghép da. Sau tai nạn, niềm an ủi lớn nhất của bà lúc bấy giờ là chồng vẫn kề cận sớm hôm, không rời bà nửa bước. Ông trở thành đôi chân, cánh tay của bà, chỉ cần bà muốn đi đâu, ăn gì, ông đáp ứng ngay. Hai vợ chồng bà lớn tuổi nên không làm được gì, lại mang nhiều bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp, suy thận, rối loạn tiền đình, rối loạn chức năng gan, thoái hóa đa khớp...

Hiện tại, vợ chồng bà đang sống cùng con trai, con dâu và 3 cháu nội đang tuổi đi học. Ông giờ đây bị suy thận nên mỗi tuần phải chạy thận tại bệnh viện. "Từ trước đến nay, tôi quen được ông yêu thương, bảo bọc, chăm lo. Nay ông nằm viện cả tháng, tôi phải vào chăm ông. Tôi lo lắng quá vì ông đã 83 tuổi, sức khỏe giảm sút rất nhiều. Với số tiền 10 triệu đồng do LĐLĐ TP hỗ trợ, tôi sẽ để dành trang trải thuốc thang cho hai vợ chồng" - bà bày tỏ.

Ông KIỀU NGỌC VŨ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP:

Chia sẻ phần nào những mất mát

Rất nhiều trường hợp các anh chị em CN không may bị tai nạn lao động, mất khả năng lao động hoặc tàn phế. Thế nhưng, vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, các anh chị vẫn biết cách chiến thắng nghịch cảnh, vươn lên thành người có ích cho gia đình, xã hội. Nỗ lực ấy của họ rất đáng trân trọng.

Những món quà nhỏ thể hiện tình cảm chân thành và sự quan tâm của tổ chức Công đoàn đối với các anh chị em CN đã không may bị tai nạn lao động. Chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ phần nào những mất mát cùng các anh chị và gia đình. Mong rằng các anh chị sẽ vượt qua những khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Bài và ảnh: Hồng Đào

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/vuot-qua-noi-dau-20190507212647877.htm