Vượt qua những khó khăn, Việt Nam luôn cam kết tiếp tục nỗ lực bảo vệ quyền dân sự, chính trị

Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đã đặt ở vị trí cao nhiệm vụ bảo đảm quyền con người. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: 'Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy'.

Trên tinh thần đó, các quyền con người đã được khẳng định rõ trong các bản Hiến pháp từ khi lập nước đến nay. Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam 1946 mới chỉ gồm có 70 Điều, nhưng đã dành cho việc quy định các quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân đến 18 điều và được trình bày tập trung tại một chương: “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” và đặt trang trọng ở vị trí ưu tiên, ngay tại Chương II. Hiến pháp 1959 là bước phát triển hơn nữa so với Hiến pháp 1946 với 21 điều khoản quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp 1980 là Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất, kế thừa và phát huy tinh thần của hai Hiến pháp trước, với 29 điều quy định cụ thể về các quyền của công dân.

Hiến pháp Việt Nam năm 1992, là Hiến pháp của công cuộc đổi mới, đã khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân..." (Điều 2); “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật” (Điều 50).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để cụ thể hóa nội dung quyền con người quy định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 sửa đổi, cũng như nội dung quyền con người theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Trong số này, có những đạo luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến lĩnh vực dân sự chính trị như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật tố tụng Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân...

Trong quá trình xây dựng và trước khi thông qua Hiến pháp và các đạo luật quan trọng, dự thảo các văn bản đều được công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp trên. Bằng việc tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.

Trong quá trình thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người, Việt Nam luôn cam kết tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này được thể hiện rõ tại Hiến pháp, Luật Điều ước quốc tế và Luật Ban hành VBQPPL. Trong công tác xây dựng pháp luật, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 5, Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL). Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp (Điều 6 Luật Điều ước quốc tế).

Việt Nam đã tham gia 7 Công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và một số Nghị định thư của Công ước này. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia nhiều Công ước quốc tế khác có nội dung liên quan đến việc ghi nhận, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việt Nam nghiêm túc thực hiện cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR); tích cực tham gia vào nhiều cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, Hội đồng Kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016 – 2018; chủ động đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia trong vực và trên thế giới…

Việt Nam nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị về quyền con người thông qua cơ chế bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc. Việt Nam đã có bình luận chính thức đối với các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền năm 2002 tại Tài liệu số CCPR/CO/75/VNM/Add.1 ngày 5-8-2002 và Tài liệu số CCPR/CO/75/VNM/Add.2 ngày 24-7-2003. Từ thời điểm đó, mặc dù còn nhiều thách thức trong việc thực thi Công ước, Nhà nước Việt Nam đã chủ động, tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thực hiện pháp luật nhằm bảo vệ và bảo đảm tốt hơn các quyền dân sự, chính trị phù hợp với các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền về điều kiện phát triển thực tế tại Việt Nam.

Do hoàn cảnh lịch sử, trong một thời gian dài, Việt Nam là quốc gia kém phát triển, phải đối đầu với nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước mà hậu quả là nền kinh tế kiệt quệ, môi trường bị tàn phá, nguồn lực bị hạn chế, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiều mục tiêu tốt đẹp trong chính sách xã hội liên quan tới quyền con người. Với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội tích cực trong thời gian gần đây, Việt Nam đã nỗ lực từng bước đẩy mạnh việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Do mới thoát khỏi nhóm quốc gia nghèo và lạc hậu, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nên Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực của đất nước còn hạn chế trong khi đó lại phải phân bổ sử dụng cho việc thực hiện rất nhiều nhu cầu khác về kinh tế - xã hội trong đó có việc bảo đảm quyền con người.

Mặt khác, khuôn khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Năng lực tổ chức thực hiện pháp luật còn hạn chế do đây là vấn đề cần có sự đầu tư lớn và nhiều thời gian. Cùng với đó, do mức độ phát triển kinh tế - xã hội đồng đều giữa các vùng và các nhóm dân cư, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt các nguồn lực dành cho phát triển, đặc biệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ và bảo đảm các quyền của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Những rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác mà đối tượng chịu tác động nặng nề nhất chính là các nhóm yếu thế, vẫn là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Do thiếu hụt nguồn lực, nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tầm bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện nay còn khiêm tốn đã gây ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đầy đủ các quyền của người dân.

Giáo dục về quyền con người, quyền công dân trong các cấp học, mặc dù đã được quan tâm và đẩy mạnh hơn nhưng so với yêu cầu vẫn còn khoảng cách nhất định. Nội dung giảng dạy về quyền con người nói chung và các quyền cụ thể còn đơn giản, chưa phù hợp với cấp học và độ tuổi, phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, nội dung quy định pháp luật. Bên cạnh đó, một số phong tục, tập quán lạc hậu đang tồn tại đã cản trở phụ nữ và một số đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số trong việc chủ động bảo vệ các quyền của chính mình. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, bạo lực trong gia đình vẫn tồn tại, nhất là ở những nơi trình độ dân trí còn thấp. Những vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến từng người dân trong việc hưởng thụ các quyền mà còn là thách thức đối với các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng và triển khai các chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân…

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vuot-qua-nhung-kho-khan-viet-nam-luon-cam-ket-tiep-tuc-no-luc-bao-ve-quyen-dan-su-chinh-tri-164438.html