Vượt qua nghịch cảnh

Mang thương tật nặng nề sau tai nạn lao động nhưng nhiều người đã vượt khó vươn lên để không trở thành phế nhân

Sau nhiều ngày hẹn, chúng tôi mới gặp được ông Võ Thanh Tùng (SN 1964; ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sau khi ông vừa có chuyến đi điều trị bệnh dài ngày cho người dân ở Đồng Nai về. Ông Tùng là một nạn nhân của tai nạn lao động (TNLĐ), bị mù 2 mắt, liệt tay với tỉ lệ thương tật 98%.

Ông Võ Thanh Tùng đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành người có ích cho xã hội

Không có việc gì khó!

Ông Tùng vốn là công nhân kỹ thuật chuyên nổ mìn để khai thác đá thuộc một doanh nghiệp nhà nước. Công việc chính của ông vào thời đó là thực hiện các thao tác như khoan lỗ đặt thuốc nổ, đấu ngòi nổ để khai thác đá. Không có nhà lầu, xe hơi nhưng thu nhập của ông Tùng vẫn đủ để vợ và 2 con sinh sống trong tiếng cười, hạnh phúc cho đến ngày ông gặp nạn.

Ông Tùng cho biết hôm đó, vào một ngày cuối năm 2004, khi ông đang đưa dây điện xuống lỗ khoan thì bất ngờ một tiếng nổ lớn phát ra, hất ông văng xa hàng chục mét. Sau nhiều tháng điều trị, đối mặt với tử thần, ông xuất viện trong tình trạng bị mù 2 mắt, liệt tay trái và nhiều vết thương khắp cơ thể. Từ một người lành lặn và là trụ cột kinh tế của gia đình, bỗng chốc ông Tùng trở thành người tàn phế.

"Lúc ấy, cuộc sống của gia đình tôi vô vàn khó khăn, 2 con còn nhỏ, vợ chỉ ở nhà nội trợ và làm vườn nên kinh tế ngày càng kiệt quệ. Tôi không chỉ gánh chịu nỗi đau thể xác mà còn rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần vì không biết phải làm gì để chăm lo cho gia đình, vợ con. Ít lâu sau, không chịu được cuộc sống khốn khó này, vợ tôi quyết định chia tay khiến tôi như rơi sâu hơn vào vực thẳm" - ông Tùng buồn bã.

Không đầu hàng trước số phận, ông Tùng đã đăng ký tham gia Hội Người mù của tỉnh Đắk Lắk, được tạo điều kiện theo học nghề xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu. Dù bị mù và liệt một tay, các thao tác kỹ thuật chủ yếu chỉ dùng chân nhưng với quan niệm không có việc gì khó, ông đã cố gắng học tập, rèn luyện để có tay nghề vững vàng.

Hiện nay, ngoài một cơ sở vật lý trị liệu tại khu vực ngã ba Duy Hòa, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, thỉnh thoảng, ông Tùng được mời tới các tỉnh để chữa trị nhiều bệnh như rối loạn tiền đình, vôi gai, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, phục hồi chức năng sau tai biến…

"Sau khi tôi điều trị lành bệnh cho một người ở Đồng Nai thì bệnh nhân này đã giới thiệu cho nhiều người khác. Vì thế, tôi mới xuống đó thuê mặt bằng điều trị cho hàng chục người suốt gần 1 tháng. Ngoài việc điều trị bệnh, thỉnh thoảng tôi còn được mời đi dạy những lớp do hội người mù tổ chức và ra Hà Nội học nâng cao tay nghề" - ông Tùng cho biết.

Anh Ngô Mạnh Cường vượt qua mặc cảm, tiếp tục làm việc để có một gia đình hạnh phúc

Vươn lên làm giàu

Sau ít tháng vào làm việc tại Xí nghiệp Chế biến dịch vụ cao su - Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, trong một lần bất cẩn, không tuân thủ quy trình sản xuất nên anh Ngô Mạnh Cường (SN 1982, ngụ TP Buôn Ma Thuột) bị máy cán mủ cao su cán đứt một bàn tay trái.

Từ một thanh niên khỏe mạnh, sau khi bị TNLĐ, anh Tùng trở nên suy sụp, mặc cảm với mọi người. Sau những đêm dài mất ngủ, anh quyết định đứng dậy để không phụ lòng người yêu (giờ là vợ) và gia đình đã chăm sóc, động viên. Sau vài tháng điều trị, anh tiếp tục được doanh nghiệp nhận về làm và bố trí công việc phù hợp là công nhân vệ sinh, chăm sóc vườn cây trong xí nghiệp. Giờ đây, vợ chồng anh Cường có công việc ổn định, 2 con chăm ngoan, cuộc sống luôn tràn ngập tiếng cười.

Cũng tại xí nghiệp này, chúng tôi vô tình gặp ông Nguyễn Ngọc Huyên (SN 1966) khi ông về thăm lại đơn vị. Năm 2004, trong một lần bảo dưỡng máy cán mủ cao su, ông bị một mảnh kim loại đâm vào khiến một con mắt gần như bị mù, mất 41% sức lao động. Sau khi bị TNLĐ, ông Huyên tiếp tục làm việc tại công ty đến năm 2016 thì sức khỏe giảm sút, không bảo đảm công việc nên xin nghỉ.

Ông Huyên cho biết sau khi ông nghỉ việc, gia đình lâm cảnh khó khăn. Để không trở thành gánh nặng và phụ giúp gia đình, ông đã mở đại lý buôn bán lương thực, thực phẩm với thu nhập cũng đủ trang trải. Chưa bằng lòng với kết quả đạt được, đầu năm 2018, ông Huyên đã thành lập Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Ánh Hồng, chuyển từ bán lẻ sang nhập sỉ.

Trao đổi với phóng viên về các trường hợp bị TNLĐ, ông Nguyễn Xuân Khánh, Trưởng Phòng Nhân sự - Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Chế biến dịch vụ cao su, cho biết với đặc thù công việc chế biến mủ cao su nên công nhân rất dễ gặp TNLĐ. Vì vậy, ngoài việc tập huấn cho công nhân, thành lập ban giám sát đột xuất việc thực hiện quy trình sản xuất, xí nghiệp còn phát động phong trào cải tiến máy móc, tập trung hạn chế TNLĐ nên từ năm 2006 đến nay chưa xảy ra vụ nào.

Coi thường tính mạng công nhân

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy nhiều doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận nên không quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo hộ lao động, chưa dành thời gian cho công tác huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ). Nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo đảm AT-VSLĐ, sức khỏe cho người lao động. Bên cạnh đó, đa số người lao động chưa nhận thức đầy đủ về AT-VSLĐ nên còn chủ quan, không thực hiện đúng quy định về kỹ thuật, quy trình vận hành máy móc. Một số người do kinh tế khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh vẫn chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn.

Cũng theo báo cáo, năm 2017, trong tổng số 7.920 doanh nghiệp thì chỉ 54 đơn vị báo cáo tình hình TNLĐ với 10 vụ làm chết 7 người, bị thương nặng 2 người. Số người chết do TNLĐ trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn lớn hơn nhiều lần nếu các doanh nghiệp báo cáo đầy đủ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-5
Kỳ tới: Gian nan đòi quyền lợi

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vuot-qua-nghich-canh-20180522194045845.htm