Vượt qua khó khăn, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Hôm qua, ngày 29-3, Quốc hội (QH) tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ. Trước khi bắt đầu phiên họp, QH dành một phút mặc niệm đại biểu QH Nguyễn Thanh Quang (Đoàn đại biểu QH TP Đà Nẵng), Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng.

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG KHÁNH

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG KHÁNH

Hôm qua, ngày 29-3, Quốc hội (QH) tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ. Trước khi bắt đầu phiên họp, QH dành một phút mặc niệm đại biểu QH Nguyễn Thanh Quang (Đoàn đại biểu QH TP Đà Nẵng), Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng.

Sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) và nhiều đại biểu đồng tình với Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước và cho rằng, trên cương vị là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đóng vai trò lớn trong việc thực hiện các hoạt động đối nội, đối ngoại trong bối cảnh tình hình cả nước, khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Với phong cách tự tin và uy tín, thông qua các cuộc hội đàm, tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng, thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa các nước, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đã quan tâm, góp phần tích cực trong việc tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cổ vũ động viên người dân nâng cao ý thức tự hào dân tộc, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chủ tịch nước đã quan tâm đặc biệt về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội; ra lời kêu gọi quốc dân, đồng bào đoàn kết chống dịch ngay từ khi đại dịch mới xảy ra. Đồng thời đề nghị, Chủ tịch nước tiếp tục nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện một cách khẩn trương, có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp và công tác tư pháp trong nhiệm kỳ tới.

Về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) và nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, 5 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển, huy động và giải phóng mọi nguồn lực, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, khi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động lớn trên thế giới, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã cho nhân dân cả nước thấu hiểu hơn một bộ máy điều hành đầy bản lĩnh. Đội ngũ các nhà quản lý, chuyên gia ngày đêm tập trung cao độ ứng phó với những tác hại vô cùng lớn, vừa xử lý những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng những chính sách nhằm kiểm soát, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, bền vững. Qua đó, góp phần tạo niềm tin để người dân ủng hộ, đồng tình với Chính phủ trong quyết tâm, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, phát huy được nội lực của dân tộc.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) và nhiều đại biểu cho rằng, nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã có nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực đối ngoại, kiên định đường lối, đối ngoại độc lập, đa phương, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đối ngoại của Việt Nam vượt qua nhiều thách thức, góp phần cùng cả nước khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, tham gia xây dựng, định hướng tầm nhìn thúc đẩy hợp tác cộng đồng ASEAN, cộng đồng quốc tế.

Tăng cường xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ, như: công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn với việc tiếp, đối thoại giải quyết với công dân; tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm; công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng... Một số ý kiến nêu rõ, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động đã làm chuyển động bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, có chuyển nhưng còn chậm, chưa vững chắc, chưa khắc phục triệt để bất cập trong phân cấp, phân quyền; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...

Để phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) và nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển với thước đo là sự hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản đồng bộ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân. Cần quan tâm hơn nữa việc công khai minh bạch các chính sách, chế độ để người dân được biết và tin tưởng. Tập trung xây dựng một bộ máy công quyền, công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm; thực hiện đúng tinh thần xây dựng Chính phủ hành động quyết liệt phục vụ nhân dân và coi trọng ý kiến của dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm những thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân; dành sự quan tâm hơn nữa trong công tác tiếp dân, giải quyết kiến nghị của cử tri, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, thi hành án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Về xây dựng các dự án luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) và một số đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn, cầu thị hơn, tiếp thu nhiều hơn các ý kiến đóng góp, nhất là các ý kiến trong Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của QH; quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, thẩm định dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật; duy trì mạnh mẽ kỷ cương nghiên cứu xây dựng và thực thi pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật ngay từ khi bắt đầu triển khai để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những lệch lạc, sai phạm. Thủ tướng cần cân nhắc việc đề xuất chính sách, dự án luật của các bộ, ngành; cần chỉ đạo, phối hợp các cơ quan của QH, đại biểu QH tâm huyết, có trình độ, các nhà khoa học để nghiên cứu khách quan, toàn diện nội dung và sự tác động của các chính sách, tránh tình trạng trình ra QH, Ủy ban Thường vụ QH hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không thuyết phục, gây bất ổn xã hội và ẩn chứa đằng sau những điều kiện để tham nhũng, trục lợi hoặc hệ lụy về chính trị, kinh tế - xã hội.

Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong đào tạo, nâng cao năng lực y tế, phát triển y tế dự phòng, mạng lưới y tế, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) và một số đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần tìm được loại vắc-xin an toàn nhất, cách tiêm tốt nhất, cách tổ chức triển khai hợp lý nhất và nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm kịp thời để triển khai cho tốt. Mặt khác, trong điều kiện của một đất nước nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam rất cần vận động cả xã hội, các tỉnh, thành phố, các bệnh viện công lập, tư nhân, các tập đoàn, các công ty, thậm chí cả từng gia đình vào cuộc trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin này.

Chúng ta đã dành nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa từ cơ chế, chính sách đến các chương trình mục tiêu; có hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và toàn diện, có những chế tài xử lý quyết liệt. Nhưng hiện nay trong xã hội ngày càng có nhiều biểu hiện xuống cấp của đạo đức, văn hóa. Nếu thiếu đi ý thức tự giác pháp luật, thiếu nền tảng văn hóa vững chắc thì những vi phạm pháp luật vẫn còn tiếp tục diễn ra. Bởi vậy, kết thúc một nhiệm kỳ để mở đầu nhiệm kỳ mới của Chính phủ, tôi tha thiết đề nghị Chính phủ xem xét có giải pháp tổng thể đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt hơn nữa để phát triển văn hóa một cách toàn diện.

Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (Hải Dương)

Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại từ các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến chưa được xử lý triệt để. Việc thu gom, xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp đô thị tỷ lệ đạt thấp, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải chưa có các biện pháp hữu hiệu. Thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng ở một số tỉnh. Đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ để khắc phục ô nhiễm môi trường, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm giảm thiệt hại tài sản, tính mạng của nhân dân và phát triển kinh tế bền vững.

Đại biểu ĐỖ THỊ LAN (Quảng Ninh)

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/vuot-qua-kho-khan-thuc-hien-cac-muc-tieu-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-640202/