Vượt qua khó khăn để đạt nhận thức chung trong APEC

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai APEC nhưng môi trường quốc tế và khu vực cũng như vị thế của Việt Nam đã rất khác so với năm 2006. Trong quá trình thảo luận không tránh khỏi nhiều khác biệt, Việt Nam đã phát huy vai trò điều phối, tìm ra mẫu số chung của các nền kinh tế thành viên.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các thành viên Ban thư ký APEC cung cấp thông tin về Tuần lễ cấp cao APEC. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các thành viên Ban thư ký APEC cho biết như vậy trong buổi thông tin cho báo chí sáng 2/11 về chương trình của Tuần lễ cấp cao (TLCC) APEC sắp diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6-11/11.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, qua đợt đăng cai tổ chức APEC 2017, Việt Nam muốn đạt một số mục tiêu. Thứ nhất, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa - đa phương hóa, chủ động tham gia tích cực các hoạt động ngoại giao đa phương. Thứ hai, với vai trò chủ nhà, Việt Nam sẽ nỗ lực tiếp tục duy trì phát triển hợp tác thương mại, đầu tư trong APEC để bảo đảm đây là diễn đàn hàng đầu khu vực cho phát triển và thịnh vượng. Vì thế, ngay từ đầu, Việt Nam đã chọn chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên gồm: (1) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (2) Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; (4) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ đề và 4 ưu tiên này đã được các nền kinh tế thành viên ủng hộ mạnh mẽ. Tất cả các hội nghị cấp bộ trưởng, cấp quan chức cấp cao đều có các văn kiện được thông qua theo đúng định hướng chủ đề của APEC năm nay.

APEC còn là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên và các nhà lãnh đạo gặp gỡ, trao đổi, xây dựng, tăng cường lòng tin và hợp tác. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là 13 đối tác chiến lược và toàn diện.

Đến nay đã có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Chile xác nhận sẽ thăm cấp nhà nước, thăm chính thức Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều nền kinh tế thành viên và các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD) đã đề nghị làm việc với lãnh đạo Việt Nam. Dự kiến, nhiều thỏa thuận với Việt Nam sẽ được ký kết trong dịp này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về triển vọng hội nghị của 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra nhân dịp TLCC, ông Sơn cho biết TPP cũng là một cơ chế hợp tác và liên kết khu vực đã hình thành trên cơ sở tự nguyện, tôn trọng nhau. Việt Nam đang cùng các nước thành viên thúc đẩy hợp tác trong TPP. Trưởng đoàn đàm phán 11 nước thành viên đang họp tại Nhật Bản để thu hẹp quan điểm, hướng tới tổ chức một hội nghị cấp bộ trưởng, hội nghị cấp cao trong dịp TLCC tại Đà Nẵng. Việt Nam sẽ đóng góp tích cực để cùng các thành viên TPP đạt được kết quả tích cực nhất, ông Sơn nói.

Nhiều điểm nhấn

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân Nguyễn Thị Hiền sẽ chủ trì đêm Gala tối 10/11 tại Đà Nẵng để chính thức đón và chiêu đãi các lãnh đạo APEC và phu nhân/phu quân. Sự kiện này được coi là điểm nhấn của Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Một điểm nhấn văn hóa khác là chương trình dành cho các phu nhân/phu quân của các lãnh đạo APEC. Chương trình sẽ do Phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền chủ trì trong ngày 11/11 tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) vào ngày 8/11. Hơn 2.000 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia CEO Summit, con số cao nhất từ trước tới nay.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì lễ khai trương công viên APEC vào sáng 9/11. Công viên này được đặt tại quận Hải Châu của Đà Nẵng. Đến nay, đã có 19 nền kinh tế thành viên APEC gửi tượng đến đặt trong công viên. Đó là các bức tượng nghệ thuật bằng đá hoặc đồng đặc sắc chứ không phải chân dung các lãnh đạo APEC. Tác phẩm của Việt Nam là công trình mang tên “Khởi nguyên” bằng đá nguyên khối của nhà điêu khắc Lê Lãng Lương. Việt Nam sẽ có thiết kế trang phục riêng cho các lãnh đạo APEC.

Về công tác bảo đảm an ninh, đại diện Tiểu ban An ninh - Y tế cho biết, đến nay đã có hàng trăm kế hoạch được vạch ra để bảo đảm an ninh, y tế để TLCC diễn ra thành công. Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ được trang bị phương tiện, vũ khí sẽ tham gia bảo vệ các hoạt động trong TLCC với sự tham gia của khoảng 10.000 người, gồm các lãnh đạo, đại biểu, phóng viên trong và ngoài nước.

Trúc Quỳnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/vuot-qua-kho-khan-de-dat-nhan-thuc-chung-trong-apec-1204305.tpo