Vượt qua 9 quả đồi ở trái tim châu Âu thăm nhà của thiên tài Beethoven

Để vào địa phận nước Đức, tôi phải đi qua một cây cầu không dài lắm được lấy làm ranh giới ngăn cách với lãnh thổ Pháp. Chỉ bước qua một tấm biển nhỏ nơi đầu cầu đề chữ 'Deutschland' - vậy là ta đã đặt chân tới một quốc gia khác - được coi là trái tim của châu Âu.

Nhà văn Di Li

Nhà văn Di Li

Rủ bạn đi chơi, hãy vượt qua 9 quả đồi

Đi theo xa lộ từ Pháp sang Đức bắt buộc phải qua thành phố Saarbrucken - Thủ phủ của bang Saarland. Nếu như Stuttgart, Munchen và Berlin phát triển nhờ ngành du lịch; Leipzig là trung tâm của các hội chợ quốc tế; Frankfurt nổi tiếng với các ngành công nghiệp… thì Saarland được coi là bang nghèo nhất nước Đức.

Ở xứ sở của ngành công nghiệp ô tô này, trên xa lộ người ta phóng xe với tốc độ khủng khiếp. Người Đức lái xe tài tử hơn các nước láng giềng. Thương hiệu Mercedez không phải là thứ xa xỉ đối với người Đức. Đa số các gia đình đều có vài chiếc ô tô riêng để vợ chồng con cái đi làm. Tôi có một số người quen ở vùng Neunkirchen (9 nhà thờ), Saarland.

Tối đầu tiên đến thăm một gia đình người Đức, anh chồng tên Paul Zimmerman làm nghề bán hàng. Cũng như hầu hết các gia đình ở đây, nhà anh rộng 300m2 và có tới 5 cái garage nhưng tối đến anh cứ để mấy chiếc ô tô ở ngoài đường. Tôi ngạc nhiên nhắc vợ chồng anh cất xe vào vì đã quá nửa đêm rồi. Biết tôi sợ mất trộm, anh xua tay cười: “Cứ để đấy cả đêm. Đã đóng bảo hiểm rồi, mất càng thích vì đi kiện sẽ được bồi thường, nhiều khi mong mất mà chẳng được”.

Neunkirchen thưa thớt dân. Buồn. Chị họ tôi lấy chồng bản xứ, có hai đứa con gái. Lúc ở Nancy, Pháp, tôi gọi điện cho chị nói rằng 2 tiếng nữa em lên đường sang Frankfurt, chị đón em thế nào? Chị quay sang trao đổi với chồng vài câu bằng tiếng Đức, sau đó bảo tôi cứ ở lại Nancy, từ nhà chị sang Pháp còn gần hơn lên Frankfurt. Tôi giãy nảy lên vì không thể tưởng tượng được cảnh cả đoàn cứ sang Đức trước, để lại tôi một mình ở thành phố biên giới xa lạ.

Cuối cùng chị đồng ý tôi cứ đi theo đoàn, chị sẽ đón tôi ở Frankfurt. Không ngờ tiến độ hành trình của chúng tôi bị chậm lại, thành thử cả gia đình gồm hai bác tôi, chị và hai đứa con lên khách sạn Frankfurt chờ mãi mà tôi vẫn chưa đến. Chờ lâu quá nên cả gia đình lại kéo nhau về.

Đến chiều chị quay lại Frankfurt một mình. Thêm cả lần đưa tôi quay trở lại thành phố thì chị đi đi về về 6 lần. Tổng cộng gần 1.500km, suýt soát quãng đường từ Hà Nội vào TP.HCM. Tôi vừa cảm động vừa khiếp hãi. Chị bảo ăn thua gì, thường cuối tuần chán cảnh Neunkirchen buồn tẻ, chị lại xách xe lên Frankfurt chơi một lúc rồi quay về. Quãng đường hơn 200km đi trên xa lộ chỉ mất chừng 2 tiếng. Lúc quay lên Frankfurt, chúng tôi chưa ráo câu chuyện đã nhìn thấy dòng sông Main vắt ngang qua thành phố.

Về đến Neunkirchen nhìn đồng hồ thấy đã 9h30 tối. Hai bác tôi ra cổng đón. Bác gái đã chuẩn bị sẵn một bữa thịt nướng ngoài vườn. Hầu như nhà nào ở vùng này cũng có sân vườn, bên trong ngoài các loại cây cối và bồn hoa, còn được trang trí bằng những bức tượng nhân vật trong cổ tích như nàng bạch tuyết và bảy chú lùn. Bầu trời đêm mùa hạ vẫn sáng nhàn nhạt. Chúng tôi ăn sườn nướng vui vẻ ngoài vườn và bữa tối kết thúc vào lúc nửa đêm. Rất may mắn khi hôm tôi tới Neunkirchen lại đúng vào ngày hội của thành phố. Theo truyền thống Đức, mỗi bang được phép chọn một ngày để làm ngày hội riêng. Lúc này chị mới sửa soạn đưa tôi đi chơi. Trước khi vào trung tâm, chị còn muốn rủ thêm một người bạn nữa. Đường tới nhà anh bạn của chị phải đi vòng vèo qua mấy quả đồi, giờ đã tím sẫm lại.

Đến Bonn có lẽ hiếm du khách nào không ghé thăm ngôi nhà số 20, đường Bonngasse - di tích duy nhất còn lưu dấu nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven

Người đàn bà gõ búa ở Frankfurt

So với nhịp sống thầm lặng ở Saarbrucken thì thành phố Frankfurt ồn ào và trù phú hơn rất nhiều. Được coi là thành phố công nghiệp và là một trong những địa danh có nhiều nhà cao tầng nhất nước Đức, Frankfurt nổi tiếng với nhịp sống đô thị náo nhiệt và những hội chợ sầm uất. Tôi ở khách sạn Ibis, đối diện với dòng sông Main yên bình trong nắng hạ, là nơi học sinh thường cắm trại hè, tiếng cười rộn ràng suốt một khúc sông vắng lặng.

Đến Frankfurt chắc chắn người ta phải ghé qua nhà “Bút Chì” (tên thường gọi vì tòa nhà có hình dáng cây bút chì), chiêm ngưỡng hình người phụ nữ bằng sắt cao xấp xỉ tòa nhà 8 tầng, một biểu tượng của hội chợ Frankfurt. Đứng dưới chân hình nhân khổng lồ đen sì cứ đều đặn giơ búa lên, gõ búa xuống, không tránh khỏi cảm giác ngợp mắt trước một công trình hiện đại rất công nghiệp.

Người Đức thiếu tính hài hước và sống rất nguyên tắc chứ không cởi mở như nhiều dân tộc khác. Nếu như ở Pháp, tôi chỉ cần nói “Excuse moi” thì ngay lập tức người bộ hành dừng bước mỉm cười, tận tình chỉ dẫn sơ đồ cho khách ngoại quốc. Nhưng người Đức thì ngược lại, họ trả lời những câu hỏi đường của khách một cách lạnh lùng, miễn cưỡng rồi vội vã đi tiếp. Ngay cả người chồng của chị họ tôi cũng không niềm nở như tôi mong đợi. Lúc đón tôi ở cổng, anh ta chỉ xiết chặt tay mà nói “Gutten Tag” rồi cáo lui để… đi ngủ.

Thành phố Saarbrucken (Đức) - Thủ phủ của Saarland, bang nghèo nhất nước Đức

Ngôi nhà của Beethoven

Khác với Frankfurt, thành phố Bonn - Thủ đô của Tây Đức cũ nằm phía Nam của bang Nordshein-Westfalen êm ả và hiền từ hơn. Bonn được phân cách với các địa danh khác bởi dòng sông Rhein lặng lẽ, thơ mộng. Các đường phố của Bonn vắng vẻ và ít người qua lại. Ngay cả trong các khu trung tâm buôn bán, sự yên tĩnh cũng ghi một dấu ấn cho Bonn.

Bonn với diện tích nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt và các tòa nhà thấp tầng còn được mệnh danh là thành phố Beethoven. Đến Bonn có lẽ hiếm du khách nào không tìm đến ngôi nhà số 20, đường Bonngasse, nơi nhà soạn nhạc thiên tài đã ra đời, di tích duy nhất còn lưu dấu Beethoven. Giờ người ta lấy ngôi nhà này làm Bảo tàng Beethoven và có bán vé vào cửa. Ở căn phòng bên ngoài, rất nhiều khách tham quan dừng chân để mua những đồ lưu niệm liên quan đến con người vĩ đại của nước Đức. Còn ngay phía bên kia đường là phòng triển lãm của Beethoven.

Trong ngôi nhà 3 tầng xinh xắn ấy, người ta trưng bày những bản thảo chép tay của người dọn đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn (một số ít còn lại, vì sau khi chết, các tác phẩm của Beethoven bị người cháu thừa kế đem ra bán đấu giá với mức giá rẻ mạt), rồi cả những cây đàn trứ danh và các bức chân dung Luwig van Beethoven cùng gia đình do các họa sĩ nổi tiếng vẽ.

Trong khu vườn từng in dấu chân nhỏ bé của chủ nhân, tiền đề cho nguồn cảm hứng bất tận trong những giai điệu còn mãi lưu lại hậu thế, bức tượng bán thân của Beethoven được dựng rất trang trọng phía sát tường. Những bụi dây leo khiến khu vườn mờ tối. Bóng hạ vàng không len được vào đây, nên tôi thấy cánh tay mình giá lạnh, cái lạnh bao phủ bởi bóng râm ở sân sau. Thốt nhiên, tưởng chừng vẳng nghe từ ô cửa sổ tầng hai những bản “Eroica”; “The Pastoral” hùng tráng, tiếng dương cầm da diết thổi hồn trên “Sonata Pathétique”; “Für Elise” và đây đó, bóng người lướt cùng “Sonata ánh trăng” bí ẩn.

Những năm cuối đời, Beethoven sáng tác trong tình trạng mất hoàn toàn thính giác, song chính những bản nhạc vào thời điểm đó như “Bản Giao hưởng số 9”; “Lễ ca”; “Liên tấu cho đàn piano” và “Tứ tấu” lại được đánh giá cao hơn cả vì chúng đã vượt ra khỏi những nguyên tắc sáng tạo truyền thống và được viết không phải bằng âm thanh mà bằng tâm hồn của một thiên tài.

Tôi lại quay lên tầng hai, đứng yên lặng trong căn phòng lát gỗ, nhìn cây đàn không phủ bụi thời gian nơi góc nhà, hình dung ra con người chịu đựng đầy đủ nỗi thống khổ của nhân gian, đến lúc cận kề nơi ngưỡng cửa thần chết còn mỉm cười: “Các bạn hãy vỗ tay đi, màn bi kịch đã đến lúc hạ rồi”. Nhưng màn bi hạ xuống chỉ là khởi đầu cho một sân khấu bất tử. Ngày nay, ở Bonn có rất nhiều công trình lớn trong thành phố như nhà hát opera, công viên… được vinh dự mang tên nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thế kỷ XIX.

Nhà văn Di Li

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/vuot-qua-9-qua-doi-o-trai-tim-chau-au-tham-nha-cua-thien-tai-beethoven/778093.antd