Vươt 'phép thử' Covid-19

Để vượt qua dịch bệnh, thích nghi với trạng thái bình thường mới, nhiều DN đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng chuyển đổi số, tối ưu nguồn nhân lực... nhằm tăng khả năng chống đỡ trước khủng hoảng.

Phép thử cho doanh nghiệp

Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, hai đợt bùng phát dịch Covid- 19 là phép thử cho năng lực quản trị của DN. Theo đó, DN thích ứng tốt sẽ tận dụng được cơ hội và có chiến lược linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Thực tế cho thấy, trong khi nhiều DN gặp khó khăn về cả nguồn cung lẫn đầu ra cho sản phẩm thì vẫn có những DN tận dụng cơ hội để khai thác các khoảng trống thị trường do sự đứt gãy chuỗi cung ứng, hoặc thay đổi thói quen tiêu dùng tạo ra. Một số DN khác lại tận dụng thời gian này để tập trung tái cấu trúc hoạt động SXKD, đón đầu cơ hội kinh doanh ngay khi dịch bệnh được khống chế.

Chính vì thế, trong khi các nền kinh tế lớn vẫn đang loay hoay tìm cách cắt đà suy thoái thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, dù mức tăng trưởng còn khiêm tốn. Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2020 đạt 2,12%, trong đó khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, khu vực dịch vụ tăng 1,37%. Kim ngạch XK hàng hóa 9 tháng đạt 206,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều DN, ngành hàng XK của Việt Nam vẫn tăng doanh số, đảm bảo được việc làm, thu nhập cho người lao động.

“Có thể nói, sau dịch Covid-19, khả năng ứng phó với các khủng hoảng của DN Việt Nam tăng lên, năng lực quản trị và hiệu quả sử dụng nguồn vốn được cải thiện. Đó sẽ là nền móng vững chắc để DN tận dụng tốt cơ hội, tạo sự tăng trưởng đột phá thời kỳ hậu dịch bệnh” - ông Chu Tiến Dũng chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng trong khó khăn

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng trong khó khăn

Thành công nhờ chủ động

Theo bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc Công ty Nutifood, nhằm chủ động thích ứng và đảm bảo hiệu quả công việc, Công ty đã bố trí 50% nhân viên làm việc tại nhà, 50% nhân viên làm việc ở văn phòng. Tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới và tung ra thị trường các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ tăng sức kháng...

“Nhanh nhạy trong việc giải bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng, đưa vào ứng dụng nền tảng hội chợ trực tuyến đã giúp kết nối các DN trong và ngoài nước một cách dễ dàng. Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) đã đưa vào ứng dụng nền tảng này với 50 showroom đang hoạt động và dự kiến đến cuối năm con số này sẽ lên mức 100 showroom” - ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký HAWA chia sẻ.

Đối với bài toán tăng trưởng doanh thu, việc tái cấu trúc lại quy trình kinh doanh, đầu tư hạ tầng, để đẩy mạnh bán hàng online đang mang lại những hiệu quả rõ rệt cho nhiều DN.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Chính phủ đã rất linh hoạt và chủ động trong ứng phó với đại dịch, các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường ổn định cho các ngành hàng phục hồi. Từ phía DN cần chủ động, linh hoạt ứng phó với những khó khăn.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vuot-phep-thu-covid-19-145575.html