Vượt ngàn cây số, văn hóa Chăm đến với Thủ đô

Trong khuôn khổ 'Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận' tại Hà Nội, không gian Văn hóa Chăm được tái hiện sinh động trong những ngày cuối tuần tại khu vực vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, phục vụ nhu cầu giao lưu văn hóa, du lịch của người dân Thủ đô với đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận.

Đến với không gian văn hóa Chăm, công chúng Thủ đô được thưởng thức các điệu múa hát truyền thống, được xem các nghệ nhân tái hiện cách làm gốm thủ công ở làng góm Bàu Trúc, Ninh Thuận và thưởng thức các đặc sản của địa phương như thịt cừu, nho, táo…

 Nghệ nhân Thành Văn Lũy biểu diễn hát múa âm dương, tiết mục thường được biểu diễn ở các lễ hội trong nhà, các dịp lễ đầu năm của người Chăm, cầu mong cho mọi việc tốt lành, con người và các loài vật được sinh sôi nảy nở tốt tươi…(Ảnh:Mạnh Tiến)

Nghệ nhân Thành Văn Lũy biểu diễn hát múa âm dương, tiết mục thường được biểu diễn ở các lễ hội trong nhà, các dịp lễ đầu năm của người Chăm, cầu mong cho mọi việc tốt lành, con người và các loài vật được sinh sôi nảy nở tốt tươi…(Ảnh:Mạnh Tiến)

Nghệ sĩ Thập Ariza, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận biểu diễn bài hát múa ca ngợi thần Po Nai hay Nai Tang Riya Bia Atapah. Ngài là một trong những Nữ Thần nổi tiếng hiện đang được thờ ở núi Chà Bang, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. (Ảnh:Mạnh Tiến)

Trong các lễ nghi của người Chăm, bao giờ cũng thỉnh mời và nhắc đến thần Po Nai. Bài hát này thường được diễn trong các lễ chức sắc của người Chăm, nghệ sĩ Thập Ariza mạnh dạn đưa lên sân khấu để công chúng có điều kiện thưởng thức.(Ảnh:Mạnh Tiến)

Lễ hội Rija Nagar (lễ hội đạp lửa) của người Chăm, tưởng nhớ công ơn các vị thần linh đã phù hộ, chở che cho cuộc sống của người dân.(Ảnh:Phạm Thanh Hà)

Chương trình biều diễn của các nghệ sĩ, nghệ nhân thu hút nhiều người dân Thủ đô đến thưởng thức. (Ảnh:Mạnh Tiến)

Các điệu múa quạt trong các dịp lễ nghi cũng được tái hiện trên sân khấu. (Ảnh:Mạnh Tiến)

Đến với không gian văn hóa Chăm tại "Ngày hội Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận", khách tham quan còn được mục sở thị phương pháp làm gốm thủ công của người dân làng nghề Bàu Trúc, Ninh Phước, Ninh Thuận. (Ảnh:Mạnh Tiến)

Gốm Bàu Trúc vẫn giữ được phương pháp vuốt nặn thủ công từ xưa, không dùng bàn xoay để tạo hình tròn. Ở đây, sản phẩm được để cố định, người vuốt gốm sẽ phải đi vòng quanh để vuốt nặn cho tròn. (Ảnh:Mạnh Tiến)

Sản phẩm gốm hình tháp Po Klong Garai được nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc gọt tỉa một cách tỉ mỉ trước khi hoàn thiện và đem nung. (Ảnh:Mạnh Tiến)

"Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận" tại Hà Nội sẽ còn diễn ra đến hết ngày 27/10.

Mạnh Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vuot-ngan-cay-so-van-hoa-cham-den-voi-thu-do-98618.html