Vượt lên đau buồn, cất tiếng lạc quan

Trong số các nhạc sỹ Việt Nam có sự nghiệp sáng tác in đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ công chúng, có một gương mặt thật đáng yêu. Quả là tôi không biết lựa chọn từ nào khác để nói về tình cảm của mình dành cho người nhạc sỹ này. Mọi nghệ sỹ - trong đó có những người sáng tác - mà được công chúng ái mộ thì tất cả đều đáng yêu chứ sao?

Không lẽ có bậc tài danh nào đó lại không đáng yêu? Tuy nhiên, đã có một sự thật: Không phải tên tuổi nào cũng gắn liền tài năng với phẩm cách, đức độ. Thực tế cho thấy nếu chỉ nghe, chỉ đọc tác phẩm thì công chúng vô cùng ngưỡng mộ tác giả. Nhưng khi biết rõ tính cách, cuộc sống thật ngoài đời đã ít nhiều thất vọng. Vậy thì hai tiếng "đáng yêu" đương nhiên không phù hợp với những trường hợp này.

Người nhạc sỹ tôi muốn nói đến ở đây là tác giả của những ca khúc nổi tiếng mà nhắc đến hẳn là bạn đọc sẽ biết ngay. Đó là Phạm Minh Tuấn với những ca khúc sống mãi với thời gian: "Qua sông", "Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn", "Bài ca không quên", "Đất nước", "Mùa xuân từ những giếng dầu", "Khát vọng", "Đường tàu mùa xuân"…

Có điều khá đặc biệt là tôi và Phạm Minh Tuẩn từ trước tới nay mới chỉ gặp nhau vỏn vẹn có… 2 lần. Lần đầu là khoảng năm 1987 - 1989 khi ông ra học Trường Nguyễn Ái Quốc ở Cổ Nhuế (Hà Nội). Và mãi tới hơn 30 năm sau, vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhạc sỹ Việt Nam (cuối năm 2017), chúng tôi mới gặp lại nhau tại Hà Nội. Nhưng nhận ra nhau ngay và chuyện trò rôm rả, líu tíu cứ như người thân lâu ngày xa nhau nay gặp lại.

Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn.

Nhớ phút đầu tiên gặp ông hơn 30 năm trước tại Trường Nguyễn Ái Quốc, khi người ta chỉ cho tôi người ngồi ở một góc giường phía trong cùng tại ký túc xá nhà trường, tôi không nghĩ đó là Phạm Minh Tuấn, bởi cứ nghe ca khúc của ông, tôi hình dung ông khác vì giai điệu rất mạnh mẽ, bốc lửa, như "Bài ca không quên", "Đường tàu mùa xuân", "Đất nước", "Mùa xuân từ những giếng dầu","Dấu chân phía trước".

Người nhạc sỹ mình vốn dĩ yêu quý (qua tác phẩm) trông hiền, trầm tính, bình dị, có phần đơn sơ như một anh giáo làng. Nhưng đến khi vào chuyện, nhất là bàn về những vấn đề thuộc lĩnh vực âm nhạc thì Phạm Minh Tuấn mới bắt đầu "nở" dần, càng về sau càng rôm rả. Và sau đó, bẵng đi, chúng tôi không được gặp nhau cho mãi tới dịp cuối năm 2017 như đã nói.

Và sau đó, chúng tôi nói chuyện nhiều qua điện thoại, cứ kẻ Bắc người Nam hàn huyên có khi tới nửa giờ, không bao giờ cạn. Phạm Minh Tuấn gửi cho tôi nghe những sáng tác mới nhất của ông. Thật đáng mừng là ông đã ở tuổi 76 (sinh năm 1942) nhưng bút lực vẫn còn sung mãn, giai điệu vẫn tươi rói cảm xúc như xưa.

Chỉ tiếc bây giờ muốn cho công chúng thưởng thức bài hát của mình thì các tác giả phải bỏ tiền ra thu tiếng sau khi dàn dựng công phu. Việc này gắn với một khoản tiền không nhỏ. Vậy nên không dễ gì nhạc sỹ nào cũng có điều kiện thực hiện. Cho nên không ít tác phẩm đã bị "đắp chiếu" một cách uổng phí. Công chúng không bao giờ được biết. Những món ăn tinh thần ngon, bổ đã không đến được với họ.

Bên trong cái con người hiền hòa, nho nhã, dịu nhẹ, nói năng luôn từ tốn là một tâm hồn rất đa cảm và chứa đầy nội tâm, xúc cảm mãnh liệt, thể hiện ra bằng những ca khúc rất đa dạng về màu sắc, nhiều góc cạnh, gây ấn tượng mạnh cho người nghe.

Tôi nhớ lần đầu tiên nghe ca khúc "Bài ca không quên" là khi xem một bộ phim tài liệu không có gì đáng nhớ. Nhưng ca khúc thì cực kỳ ấn tượng qua giọng hát rất có hồn, có chiều sâu của Cẩm Vân. Tôi nghe mà thấy gai người: "Bài ca tôi không quên, tôi không quên/ Tháng ngày vất vả/ Bài ca tôi không quên, tôi không quên/Gót mòn hành quân hối hả…".

Mấy câu trên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một điệp khúc, cứ xoáy vào lòng người nghe như một sự nhắc nhở về những năm tháng hào hùng nhất của đời người chiến sỹ bảo vệ Tổ quốc, sáng đẹp tình đồng đội son sắt, thủy chung. Có thể nói đây là bài hát hay nhất nói về tình đồng đội của người lính Cụ Hồ.

Nhưng cái tên Phạm Minh Tuấn thì không phải lúc bộ phim này ra đời công chúng mới biết tới, mà ngay từ lúc 21 tuổi, ông đã nổi tiếng với ca khúc "Qua sông" (sáng tác năm 1963): "Hò khoan chúng em khua mái chèo đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo/ Đường hành quân các anh đi khắp nẻo/ Vì quê hương mà anh chẳng ngại gian lao…".

Tác giả viết bài này khi mới là một diễn viên hát của Đoàn Văn công Giải phóng nhưng đã sớm bộc lộ tài năng khi tác phẩm rất hoàn chỉnh về mọi phương diện của nghệ thuật sáng tác ca khúc. Vừa mới ra đời, bài hát đã nhanh chóng lan truyền khắp các vùng Nam Bộ rồi mấy năm sau bay ra miền Bắc qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành một trong những ca khúc hay nhất cùa dòng âm nhạc cách mạng miền Nam trước ngày thống nhất đất nước.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thời là diễn viên Đoàn Văn công Giải phóng.

Mọi người dễ thấy từ Phạm Minh Tuấn luôn toát ra vẻ ung dung tự tại, vui tươi, niềm nở với người mình tiếp xúc, cứ như cuộc sống đối với ông là viên mãn, đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng sự thực đã hơn 50 năm qua, ông vẫn mang một nỗi buồn đau thầm lặng, âm ỉ không dễ có thể nguôi ngoai qua thời gian.

Sự việc đau lòng đến với ông vào một ngày của năm 1964, khi đang cùng Đoàn Văn công Giải phóng biểu diễn ở Bến Tre. Khi ấy, ông mới sinh đứa con gái đầu lòng được 6 tháng tuổi. Đó là những năm tháng rất khó khăn. Người vợ của ông - Hồng Cúc - phải nuôi con trong rừng, thiếu thốn đủ thứ, khí hậu lại khắc nghiệt, sữa mẹ bị cạn kiệt, khó bảo đảm cho bé có thể phát triển bình thường. Đã vậy lại phải chạy càn liên tục. Vậy nên việc nuôi cháu vô cùng khó khăn.

Giữa lúc đó, Phạm Minh Tuấn phải lên đường đi biểu diễn. Ông bàn với vợ đưa con nhỏ về quê nhờ bên ngoại nuôi dùm. Vợ nhạc sỹ nhập vào đoàn cán bộ đi công tác có giao liên dẫn đường. Đoàn đi có 18 cán bộ, chiến sỹ và 4 người nữ (Hồng Cúc và vợ, con gái nhà thơ Giang Nam cùng nữ phát thanh viên Đài Giải phóng có tên Tuyết Anh).

Đến vùng giáp ranh sẽ trao cháu nhỏ cho người của nhà ngoại đón về nuôi. Trên đường đi, không may 4 nữ lọt vào ổ phục kích của địch. Đúng lúc đó, bé khóc. Để tránh việc bị địch biết do có tiếng khóc của trẻ phát ra, liên lụy đến cả đoàn, người mẹ trẻ phải ôm con trốn trong cái hốc trên đường mòn, xung quanh có nhiều kênh rạch. Nhưng bé không nín. Chị đã phải ép miệng con vào vú của mình để không phát ra tiếng khóc. Một lúc sau, chị thấy con đã chết ngạt trong vòng tay mình. Thế là vợ chồng Phạm Minh Tuấn mất đứa con gái đầu lòng khi bé mới 6 tháng tuổi - một cái chết quá tức tưởi, tội nghiệp, oan khuất. Phải tới 6 năm sau - 1970 - Phạm Minh Tuấn mới lại sinh được con gái thứ hai.

Sau này, trong bài hát mang tên "Tiếng gọi từ lòng đất", ông có viết một câu: "Những hài nhi đòi khóc" chính là ám ảnh bởi nỗi đau xé lòng năm xưa trước cái chết quá tội nghiệp của đứa con gái đầu lòng. Khi con vừa chết thì ngay sau đó, 4 người nữ bị sa vào tay địch do chân yếu tay mềm, không chạy thoát. Họ bị chúng đưa lên trực thăng đem về Sài Gòn giam mấy tháng. Chúng tra khảo nhưng không moi được tin tức gì đáng kể. Không có bằng chứng, chúng buộc phải trả tự do cho 4 người. Chị Cúc trước khi nghỉ hưu là Trưởng Đoàn hát bội TP.Hồ Chí Minh.

Với một cuộc đời từng lăn lộn trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và có nhiều tác phẩm âm nhạc giá trị, giàu sức thuyết phục, năm 2016, ông được đề nghị Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng ở Hội đồng cơ sở, đã có 2/11 phiếu không thuận nên cuối cùng đã không được. Rất nhiều bạn bè chia sẻ với ông về sự việc này và hỏi có buồn không, Phạm Minh Tuấn bộc lộ rất chân thành: "Buồn chứ. Sao không buồn, nhất là người không ủng hộ chẳng lạ gì mình, vẫn là bạn bè giao lưu bấy nay. Mình có chút buồn về nhân tình thế thái. Nhưng không thấm gì với nỗi buồn hơn 50 năm trước khi đứa con đầu lòng mất lúc mới có 6 tháng tuổi".

Còn tôi thì chia sẻ với ông, không phải là an ủi mà là một chân lý vĩnh hằng: Đời người nghệ sỹ, hạnh phúc lớn nhất, ý nghĩa nhất chính là tác phẩm của mình được sống mãi trong trái tim công chúng. Chỉ điều đó mới làm nên giá trị người nghệ sỹ. Và Phạm Minh Tuấn đã có hạnh phúc ấy. Không "lá phiếu" nào có thể làm thay đổi được điều này.

Nguyễn Đình San

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/vuot-len-dau-buon-cat-tieng-lac-quan-521357/