Vượt khó thoát nghèo

Nhờ sử dụng vốn vay lãi suất thấp từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nhiều gia đình ở TP Cần Thơ không chỉ thoát nghèo mà còn tạo được công ăn việc làm cho người dân tại địa phương

Chị Phạm Thị Tuyết Trinh (38 tuổi, phường Thới Hưng Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), là chị lớn trong gia đình có 5 anh chị em. Mẹ mất khi chị mới lên lớp 3 nên chị phải phụ cha lo cho các em. Chị từng lên TP HCM làm công nhân may nhưng sau khi ba mất phải về quê chăm sóc các em.

Tạo việc làm cho người lao động

Trong một lần giặt quần áo bảo hộ lao động cho em, chị thấy mình có thể may được sản phẩm này nên liên hệ công ty sản xuất được may thử. Sẵn có tay nghề nên chị không khó hoàn thành sản phẩm và được công ty này chấp nhận cho làm cơ sở vệ tinh. Nhận được đơn hàng đầu tiên là 100 bộ quần áo, chị mượn người thân trong gia đình và vay bên ngoài để mua máy may mở cơ sở may gia công.

Năm 2012, được địa phương giới thiệu về Quỹ Quốc gia về việc làm, chị mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Cần Thơ 50 triệu đồng (lãi 4,8%/năm, trả dần trong 60 tháng). Có thêm vốn, chị đầu tư mua thêm máy móc, nguyên liệu để mở rộng sản xuất. Hiện cơ sở may đồ bảo hộ lao động của chị Trinh đã giải quyết việc làm cho 12 lao động tại chỗ. Anh Lê Quốc Duy (29 tuổi, khu vực Thới Hưng, phường Thới Hưng Đông, quận Bình Thủy), làm việc gần 4 năm tại cơ sở, cho biết: "Công việc ở đây khá nhẹ nhàng, ngày làm 8 giờ, thu nhập mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng. Cả hai vợ chồng tôi đều làm ở đây và cuộc sống khá ổn định".

Ông Nguyễn Văn Tập (53 tuổi, tổ 6, khu phố Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng vay 50 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm ở Ngân hàng Chính sách TP Cần Thơ để trồng mít Thái. Trước đây, ông Tập có 4.000 m2 đất trồng vú sữa nhưng sau một thời gian dài khai thác hiệu quả rất thấp. Thấy người trong vùng trồng mít Thái có hiệu quả kinh tế cao, ông Tập vay thêm vốn trồng thử. Ông trồng thành nhiều đợt nhưng đến nay cũng đã có 350 gốc mít. Trồng được 17 tháng, đợt đầu tiên có 100 cây cho thu hoạch, được khoảng 900 kg. "Dự kiến 350 gốc mít sắp tới, mỗi mùa thu hoạch được khoảng 3.500 kg mít, nếu giá tối thiểu 30.000 đồng/kg, thì một vụ cũng được 100 triệu đồng. Mít này một năm cho 2 vụ, cả năm cũng được 200 triệu đồng chưa trừ chi phí. Giá 30.000 đồng là thấp chứ có khi giá lên khoảng 70.000 đồng thì lãi còn nhiều hơn" - ông Tập cho biết.

Chị Trinh và ông Tập là 2 trong nhiều trường hợp tại TP Cần Thơ làm ăn có lãi từ nguồn vay của Quỹ Quốc gia về việc làm.

Công nhân làm việc tại xưởng may của chị Phạm Thị Tuyết Trinh

Công nhân làm việc tại xưởng may của chị Phạm Thị Tuyết Trinh

Mong được tăng vốn và thời hạn vay

Được vay vốn lãi suất thấp để làm ăn là mong muốn của người dân, nhất là bà con nghèo. Các hộ gia đình vay vốn từ không chỉ làm ăn hiệu quả mà còn tạo được thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thế nhưng, số tiền 50 triệu đồng hiện nay không đủ để nhiều gia đình khởi nghiệp

Bà Lê Thị Thanh Thủy (62 tuổi, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vay vốn để trồng dừa, bưởi xen kẽ chuối và măng cụt. Hiện tại, bà Thủy có 200 gốc dừa, với 150 cây cho thu hoạch, hằng tháng thu nhập cũng 6 - 7 triệu đồng. Bà Thủy đã vay 50 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm theo chính sách đối với hộ cận nghèo là 0,67%/tháng để trồng dừa nhưng số tiền này không đủ trang trải chi phí mua giống và phân bón cho mỗi đợt trồng. Tình thế này khiến bà Thủy cũng phải đi vay bên ngoài với lãi 10%/tháng.

Bà Thủy là tổ trưởng của tổ tiết kiệm vay vốn giải quyết việc làm với 49 hộ. Hiện các hộ trong tổ vay khoảng 2 tỉ đồng, chủ yếu để làm nông nghiệp như: trồng dừa, trồng nấm, nuôi heo, nuôi vịt, nuôi gà... Bà Thủy cho biết do số vốn vay quá ít nên nhiều hộ không đủ tiền đầu tư cây, con giống, vật nuôi… dẫn đến việc phải vay ngoài với lãi suất cao.

Theo ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Cần Thơ, quỹ đang cho vay 16 chương trình với 94.000 hộ dân vay, dư nợ cho vay 2.400 tỉ đồng. Riêng số hộ vay vốn theo Nghị định 61/2015/ND-CP hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm là 9.500, với dư nợ 325 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ quá hạn trong chương trình cho vay là 0,16%, chủ yếu do làm ăn thua lỗ. "Để giúp bà con có thêm điều kiện làm ăn, chương trình nên xem xét nâng mức vay và mở rộng thời hạn vay tối đa" - ông Thảo kiến nghị.

Trên cơ sở nguyện vọng của bà con, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ nâng mức vay từ 1 lên 2 tỉ đồng đối cơ sở sản xuất kinh doanh và từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với lao động cá thể; thời hạn vay nâng lên 10 năm thay vì 5 năm".

Ông LÊ QUANG TRUNG, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm
(Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Bài và ảnh: HỮU QUYỀN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/vuot-kho-thoat-ngheo-20190920212218858.htm