Vượt khó ở chốt '3 không'

Không nước sạch, không điện lưới, không sóng điện thoại - đó là thực tế cuộc sống của BĐBP và lực lượng dân quân thường trực ở chốt cảnh giới Cần Lê. Không những vậy, cái nắng biên giới nơi có tầng địa chất đá vôi như Tân Châu cũng có phần khắc nghiệt hơn so với những nơi khác, cao điểm mùa khô thường lên tới 37, 38 độ C. Khó khăn là vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở đây vẫn luôn nỗ lực vượt qua, bám trụ biên giới, bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Chốt Cần Lê vừa được Đồn Biên phòng Tống Lê Chân đầu tư một máy bơm chạy dầu để bơm nước từ suối lên chốt phục vụ sinh hoạt cho CBCS và dân quân thường trực ở đây. Ảnh: Phương Thúy

Chốt Cần Lê vừa được Đồn Biên phòng Tống Lê Chân đầu tư một máy bơm chạy dầu để bơm nước từ suối lên chốt phục vụ sinh hoạt cho CBCS và dân quân thường trực ở đây. Ảnh: Phương Thúy

Chốt cảnh giới Cần Lê thuộc Đồn Biên phòng Tống Lê Chân, là một trong những chốt xa nhất, khó khăn nhất trên tuyến biên giới Tây Ninh. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến đây đó là cái nóng hầm hập, cháy da thịt. Do ở xa khu dân cư nên hiện, chốt Cần Lê vẫn chưa có điện lưới. Năm 2011, chốt đã được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, CBCS ở chốt không còn cảnh phải sử dụng đèn dầu thắp sáng, được xem truyền hình và nhiều thiết bị điện khác.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hệ thống này đang gặp sự cố nên nguồn điện năng chỉ đủ để thắp sáng bóng đèn buổi tối và dùng sạc pin điện thoại. Ở khu vực hành lang nhà ở của CBCS chốt Cần Lê lúc nào cũng có hàng chục bình nhựa, can nhựa đựng nước sạch phục vụ ăn uống. Việc sử dụng nước ăn vì thế cũng được CBCS ở đây rất tiết kiệm, hầu như không để lãng phí một giọt.

Thời điểm chúng tôi đến thăm, 3 dân quân thường trực của xã Tân Hòa, huyện Tân Châu đang lúi húi nấu nướng chuẩn bị bữa trưa, mồ hôi chảy ướt áo, ướt mặt. Anh Trà Văn Tho, dân quân thường trực xã Tân Hòa vui vẻ trò chuyện: “Nước sạch ở mấy bình nhựa, can nhựa kia chỉ dùng để nấu ăn, đun sôi để uống, phải tiết kiệm, còn tắm, giặt, rửa thì đã có nước bơm từ suối lên chứa ở 2 bồn inox được sử dụng khá thoải mái. Tuy nhiên, nước suối chưa qua xử lý nên không đảm bảo vệ sinh. Có thời điểm, tôi bị bệnh ngoài da, người nổi nhiều mụn nước ngứa ngáy, cách đây 15 ngày cũng mới bị thủy đậu. Hiện, chúng tôi đang rất mong mùa mưa đến, dù sao sử dụng nước mưa cũng đảm bảo vệ sinh hơn nước suối”.

Còn anh Nguyễn Văn Huy - người mới nhận nhiệm vụ dân quân thường trực tại chốt Cần Lê cho biết: “Tôi mới ra chốt được 3 ngày và đang quen dần với nền nếp sinh hoạt của CBCS ở chốt. Không giống như ở nhà, nước ăn ở đây phải sử dụng hợp lý, không để lãng phí; điện cũng hết sức tiết kiệm, không được bật quạt, bật ti vi vì nguồn điện ít ỏi chỉ để dành cho thắp sáng, sạc pin điện thoại. Những hôm ngoài trời nắng nóng 37, 38 độ C, mỗi lần nấu cơm, ăn cơm cứ như được đi xông hơi!”.

Để chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, đã nhiều lần CBCS chốt Cần Lê khoan giếng song đều không thể lấy được nguồn nước đảm bảo. Dẫn chúng tôi đến vị trí từng được khoan giếng ở chốt, Thiếu tá Đinh Ngọc Văn, cán bộ phụ trách chốt Cần Lê, cho biết: Do tầng địa chất nơi đây là đá vôi nên những mũi khoan dù sâu đến mấy cũng chỉ lấy được nguồn nước bị cặn vôi, không sử dụng được. Ở những vị trí khác, khoan sâu gần cả trăm mét vẫn chỉ gặp đá. Sau mỗi lần khoan giếng, đá được lấy lên từ những mũi khoan được xếp thành đống ở gốc cây. Nhiều năm nay, nguồn nước sinh hoạt của CBCS chốt Cần Lê chủ yếu lấy từ nước mưa và nước suối.

Thiếu tá Đinh Ngọc Văn cho biết thêm, trước đây, mỗi lần xuống suối tắm giặt xong, anh em ở chốt đều phải tranh thủ vác thêm một can nước suối lên để tưới rau. Chia sẻ với khó khăn của CBCS chốt Cần Lê, cách đây hơn 3 tháng, chỉ huy Đồn Biên phòng Tống Lê Chân đã đầu tư mua một máy bơm chạy dầu và 2 bồn inox cỡ lớn với tổng dung tích 20.000 lít để tích trữ nước bơm từ suối lên phục vụ tắm, giặt, rửa. Đối với nước ăn, đơn vị cũng tạo điều kiện cho xe ô tô của đồn chở nước sạch vào chốt, mỗi lần chở khoảng hơn chục bình nước loại 7,5 lít. Những lúc đơn vị không có xe thì anh em ở chốt tự đi chở nước bằng xe máy. Một khó khăn nữa của CBCS ở chốt Cần Lê đó là thông tin liên lạc do sóng điện thoại phập phù. Để “hứng sóng”, CBCS ở chốt phải đặt điện thoại ở đúng một vị trí “bắt sóng” cố định, song không ít lần vẫn bị gián đoạn cuộc gọi vì sóng di động chập chờn.

Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt, song CBCS Biên phòng và lực lượng dân quân thường trực ở chốt cảnh giới Cần Lê vẫn từng ngày nỗ lực vượt khó, bám trụ biên giới. Theo anh Trà Văn Tho, chốt nằm cách trung tâm xã Tân Hòa 22km nên khoảng 2 tháng tôi sẽ tranh thủ về nhà một lần. Những khó khăn, thiếu thốn về điện, nước hay sóng điện thoại đều từng bước khắc phục.

Quan trọng là CBCS hai lực lượng ở chốt luôn đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới, không quản ngại đêm hôm, nhất là các đợt cao điểm phòng chống buôn lậu. Thời gian tới, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là hệ thống pin năng lượng mặt trời sớm được sửa chữa để có nguồn điện ổn định. Đồng thời, mong nơi đây sẽ sớm được phủ sóng điện thoại để thông tin liên lạc thuận tiện hơn.

Phương Thúy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vuot-kho-o-chot-3-khong/