Vượt khó làm phim lịch sử

Phim về đề tài lịch sử Việt Nam lâu nay khá khan hiếm bởi khó làm, chi phí cao, hay bị 'soi, xét'. Giữa thời nhà nước còn loay hoay bài toán đặt hàng, thì những bộ phim lịch sử, cổ trang hiếm hoi được nhà sản xuất tư nhân đưa đến công chúng đang là điều đáng mừng.

Tiếp cận khán giả bằng phương thức mới

“Làm phim lịch sử cổ trang luôn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua được bởi sự chung tay của cả ê kíp vì niềm tự hào dân tộc”, đạo diễn của phim cổ trang “Phượng khấu”-Huỳnh Anh Tuấn đã nói như vậy, sau khi bộ phim vừa kết thúc phần 1 cuối tháng 5-2020 và bước đầu gặt hái được thành công đáng kể.

“Phượng khấu” là dự án phim lịch sử cổ trang gồm 3 phần, mỗi phần 6 tập, mỗi tập 60 phút, ra mắt trực tuyến vào ngày 5-3-2020 trên ứng dụng giải trí POPS. Câu chuyện phim xoay quanh 7 năm trị vì của Hoàng đế Thiệu Trị với nhân vật chính là Phạm Hiệu Nguyệt, lấy nguyên mẫu từ Từ Dụ Hoàng thái hậu trong lịch sử Việt Nam. Phim tập trung quãng thời gian 1840-1847, giai đoạn bà vẫn đang là phi tần của Hoàng đế Thiệu Trị. Vượt qua những hiểm nguy chốn cung đình, bà đưa được con trai mình-Nguyễn Phúc Hồng Nhậm-lên kế vị (tức Hoàng đế Tự Đức). “Phượng khấu” nghĩa là chiếc cúc áo chạm hình chim phượng, cài lên hai vạt áo nhật bình. Bộ phim gây chú ý từ khi công bố dự án (giữa năm 2019) không chỉ bởi quy tụ dàn diễn viên của nhiều thế hệ, hay chuyện phim liên quan đến hậu cung triều Nguyễn mà còn vì sự quan tâm lẫn “soi, xét”, so sánh của những người yêu thích đề tài lịch sử, cổ trang bấy lâu nay. Đó có lẽ chính là điều may, khi ngay ở tập đầu tiên “Phượng khấu” lên sóng đã ghi nhận con số tăng gấp 7 lần lưu lượng truy cập tại ứng dụng POPS đầu tư và chiếu độc quyền. Đây là bước đột phá của nhà khai thác, nhằm mở ra bước tiến mới trong việc mang đến nhiều nội dung đầu tư chất lượng trên các nền tảng giải trí trực tuyến cho khán giả.

 Hình ảnh giới thiệu phim cổ trang “Phượng khấu” /ảnh: Đoàn phim cung cấp.

Hình ảnh giới thiệu phim cổ trang “Phượng khấu” /ảnh: Đoàn phim cung cấp.

Trước khi phát hành phim điện ảnh “Trưng Vương” (She-Kings) (dự kiến vào mùa thu năm nay), được Trương Ngọc Ánh và Janet Ngô đồng sản xuất đã tung ra loạt phim hoạt hình ngắn về 7 nữ tướng thuộc nghĩa quân của Hai Bà Trưng. Series “Nữ tướng” gồm 7 tập, khắc họa chân dung của 7 nữ tướng: Thánh Thiên, Lê Chân, Bát Nàn, Ả Chạ, Phật Nguyệt, Hồ Đề, Quý Lan. Với thời lượng 3-5 phút, mỗi tập phim là một lát cắt nhỏ về xuất thân, võ nghệ và lòng căm thù giặc của từng vị tướng quân. Loạt phim hoạt hình ngắn đang ra mắt lần lượt từng tập trên YouTube và Facebook. Nhà sản xuất, đạo diễn Janet Ngô cho hay, vì lịch sử Việt Nam rộng lớn, một phim điện ảnh chiếu rạp không thể gói trọn thông tin, họ thực hiện phim hoạt hình để dẫn dắt và tạo cảm hứng cho người xem trên nền tảng online. Sau mỗi tập phim trình chiếu, nhà sản xuất đã rất tự tin và mừng bởi sự động viên, khích lệ của khán giả bình luận: “Phim ngắn, chỉ có 5 phút nhưng là sự đầu tư công phu và chuyên nghiệp mang tầm vóc lớn, ngưỡng mộ!”; “Phim rất hay. Các bạn đã mang đến cho mọi người một cái nhìn mới về hoạt hình và lịch sử Việt Nam”; “Nhờ phim hoạt hình mình mới biết có nữ tướng này. Rất mong được xem phim điện ảnh ở rạp”...

Hãy cứ đi rồi sẽ tới…

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã rất hào hứng cho rằng các nhà sản xuất phim tư nhân thời gian qua đã thực sự quan tâm đến chất lượng nghệ thuật cũng như tìm kiếm những con đường cho sự phát triển điện ảnh Việt. Bên cạnh những bộ phim được đầu tư, tìm tòi đề tài, thể loại phản ánh sinh động cuộc sống đương đại, các nhà làm phim đã dành tâm huyết cho đề tài phim lịch sử, cổ trang. “Không ai mới sinh ra mà đã biết đi, biết chạy cả. Vậy phải làm nhiều thì thành quen. Nhiều người đi đường sẽ rộng dài hơn, lúc đó người làm phim sẽ có sự học hỏi lẫn nhau, nhìn nhau để làm. Khán giả được lựa chọn. Sự đổi mới trong tư duy sản xuất và phát hành phim lịch sử của các nhà sản xuất hiện nay là tín hiệu đáng mừng cho đề tài phim sử Việt”.

Cố vấn lịch sử của phim “Phượng khấu”, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: “Tôi khâm phục những người làm kịch bản. Các bạn trẻ hơn tôi đến gần 60 tuổi nhưng quá thông minh. Các bạn chọn triều Nguyễn, triều đại gần nhất và còn rất nhiều tư liệu để lại nên không áp lực về mặt tư liệu. Các bạn không chọn Gia Long hay Minh Mạng mà là Thiệu Trị chỉ có 7 năm cầm quyền, chốt thời gian rất “khôn”. Tôi vẫn hy vọng sau phim này sẽ có những dự án khác về nhân vật Dương Vân Nga, Ỷ Lan…”.

“Người Việt có sẵn lòng yêu nước và bản sắc, ngay cả những tài liệu cổ sử Hán Nôm, ngôn ngữ tiếng nói, chỉ người Việt giải mã tốt nhất và chỉ người Việt mới có trách nhiệm tốt nhất với văn hóa Việt. Yếu tố nước ngoài có thể hỗ trợ kỹ thuật cho dự án nhưng cốt lõi phải là người Việt Nam. Chúng tôi quyết định phải thực hiện những sản phẩm điện ảnh đa dạng, phong phú và mang lại rất nhiều niềm cảm hứng cho hậu thế. Chúng tôi luôn tin khán giả yêu điện ảnh sẽ luôn sát cánh và ủng hộ chúng tôi!”, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh bày tỏ.

Còn theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, “Phượng khấu” là dự án mở, có sự đóng góp của nhiều người đến với nhau bằng tình yêu sử Việt với mong muốn thông qua phim sẽ cho thế hệ trẻ biết được Việt Nam có nền văn hóa độc đáo không thua các nước đồng văn. Dự án may mắn tìm được những người đồng hành yêu sử, hiểu công việc đang làm và làm bằng cái tâm, không đòi hỏi thù lao (các nghệ sĩ tham gia phim: NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Lê Thiện, Hồng Đào, Diễm My 9X, Vân Trang, Jun Phạm,…); về phục trang có Ỷ Vân Hiên, một công ty chuyên nghiên cứu về phục trang các triều đại của Việt Nam đảm nhận…

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/vuot-kho-lam-phim-lich-su-622556