Vượt khó để chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân

những khó khăn đặt ra, nhất là cơ sở hạ tầng y tế còn nhiều thiếu thốn so với đất liền; đội ngũ cán bộ, nhân viên quân dân y tuyến cơ sở còn thiếu và nguồn kinh phí bảo đảm cho y tế biển, đảo còn hạn hẹp...

Thế nhưng, từ năm 2013, quân y các đơn vị tại Trường Sa, DK1 của Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã khám bệnh, cấp thuốc hơn 46.600 lượt, cấp cứu cho hơn 500 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Nói về kết quả đạt được, Thượng tá Dương Văn Thiện, Phó chủ nhiệm Quân y QCHQ cho biết:

- Thời gian qua, QCHQ tập trung thực hiện Đề án "Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020", với mục tiêu bảo đảm cho bộ đội và nhân dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng.

Ngành quân y Hải quân đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đưa nội dung chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội gắn với phát triển y tế biển, đảo vào nghị quyết lãnh đạo công tác hậu cần, quân y của đơn vị, cụ thể hóa vào kế hoạch công tác để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân và cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả công tác quy hoạch, quy chế về đào tạo, sử dụng cán bộ, nhân viên y tế và quân y, bảo đảm đủ về số lượng y sĩ, bác sĩ, nhất là ở các đài, trạm rađa, nhà giàn DK1 và trên các đảo. Đại đa số cán bộ, nhân viên quân y có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về y đức; bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời, giai đoạn 2014-2019, QCHQ đã tổ chức luân phiên 41 lượt bác sĩ, 245 lượt y sĩ ra công tác tại Trường Sa, DK1…

Cũng theo Thượng tá Dương Văn Thiện, tất cả những trường hợp bị bệnh, tai nạn thương tích vượt quá khả năng chữa trị của cơ sở y tế ngoài biển, đảo đều được chuyển bằng tàu hoặc máy bay về đất liền. Ví như trường hợp của Thượng úy QNCN Chu Ngọc Dũng, nhân viên ra-đa nhà giàn DK1-16 (Vùng 2 Hải quân) vào ngày 26-3-2020 có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, phù và sốt nhẹ, được chẩn đoán viêm cầu thận cấp. Sau đó, đồng chí được đưa về Bệnh viện Quân y 175 điều trị, đến nay sức khỏe đã ổn định. Hay trường hợp Thiếu tá QNCN Trần Tuấn Minh, nhân viên hàng hải, đảo Đá Tây B (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) ngày 20-4-2020 bị đột quỵ não được chuyển máy bay về Bệnh viện Quân y 87 chữa trị kịp thời...

Được biết, các ngư dân trong quá trình hoạt động trên biển đều có thẻ BHYT. Thế nhưng, hầu hết mọi trường hợp cấp cứu ngư dân bị nạn, mọi kinh phí chữa trị và thuốc men đều dựa vào nguồn kinh phí BHYT cho bộ đội. Điều này ảnh hưởng nhất định đến kinh phí bảo đảm chữa trị theo BHYT cho bộ đội Hải quân. Nhưng với tinh thần “Coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của chính mình”, các thầy thuốc quân y Hải quân luôn hết lòng, hết sức thực hiện nhiệm vụ cứu chữa người bệnh; góp phần xây dựng niềm tin vững chắc cho bộ đội và nhân dân nơi biển đảo tiền tiêu Tổ quốc.

VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vuot-kho-de-cham-soc-suc-khoe-bo-doi-va-nhan-dan-619174