Vượt dịch, sản xuất đồng hiệu quả ở Lào Cai

Trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì và phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm và đời sống của hàng nghìn cán bộ, công nhân, Tổ hợp đồng Sin Quyền (Lào Cai), thuộc Tổng công ty Khoáng sản (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) đã nỗ lực vượt khó để nâng cao năng suất, chất lượng đồng kim loại, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.

Sản xuất đồng kim loại tại Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng (Lào Cai).

Sản xuất đồng kim loại tại Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng (Lào Cai).

Trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì và phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm và đời sống của hàng nghìn cán bộ, công nhân, Tổ hợp đồng Sin Quyền (Lào Cai), thuộc Tổng công ty Khoáng sản (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) đã nỗ lực vượt khó để nâng cao năng suất, chất lượng đồng kim loại, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.

Phòng dịch và an toàn lao động

Chúng tôi đến nhà máy tuyển của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, thuộc Tổ hợp đồng Sin Quyền nằm ngay sát biên giới ven sông Hồng, thuộc xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (Lào Cai). Trước khi vào ca làm việc, anh em công nhân các tổ, đội sản xuất mặc trang bị bảo hộ lao động, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang y tế để bảo đảm an toàn lao động và phòng ngừa dịch Covid-19. Giám đốc Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Ðinh Tiến cho biết, đơn vị có hơn 1.000 cán bộ, công nhân, làm việc ở nhiều bộ phận, phân xưởng. Cùng với sản xuất, công tác môi trường và an toàn lao động được đặc biệt quan tâm. Tại khu mỏ tuyển, chi nhánh áp dụng công nghệ nổ mìn vi sai, góp phần giảm tiếng ồn, bụi và khí thải. Người lao động được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động như bịt tai, mặt nạ phòng độc, kính,... tuân thủ nghiêm các quy trình, quy phạm trong quá trình sản xuất. Ðể khai thác mỏ, chi nhánh đang sử dụng một số lượng lớn các thiết bị máy móc hạng nặng và các thiết bị truyền động trong nhà máy tuyển, đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Do vậy, đơn vị phải thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, biện pháp an toàn, bảo dưỡng định kỳ, bảo vệ các thiết bị truyền động, không để xảy ra tai nạn lao động và sự cố thiết bị, bảo đảm an toàn trong sản xuất, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đề ra. Làm nhiệm vụ khai thác và làm giàu quặng đồng để cung cấp cho nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng, trong điều kiện ngày càng khó khăn do chi phí bóc dỡ, vận chuyển đất đá cao hơn trên mỗi tấn quặng nguyên khai, Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền luôn thực hiện phương châm khai thác và sử dụng khoáng sản tiết kiệm và hiệu quả, cũng như ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và chế biến. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ khai thác khoáng sản phù hợp độ sâu khai thác lớn và có tính an toàn cao cho người và thiết bị; đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất như: khoan, xúc bốc, vận tải và tuyển khoáng...; bên cạnh đó, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, công nhân viên, nhất là công nhân vận hành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm chi phí tối đa/tấn quặng tinh đạt 25% Cu, bảo đảm đủ nguyên liệu cho nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng.

Trước đây, với công nghệ cũ, nhà máy tuyển đồng Sin Quyền chỉ tuyển được quặng có hàm lượng đồng từ 1% trở lên, tỷ lệ thu hồi đạt hơn 80%. Ðến nay, nhờ áp dụng công nghệ mới, có thể tuyển được quặng hàm lượng đồng từ 0,8% trở lên, tỷ lệ thu hồi đạt từ 92 đến 97%. Năm 2020, chi nhánh đã bóc hơn 10 triệu tấn đất đá, để khai thác 2,2 triệu tấn quặng nguyên khai, tuyển được hơn 68 nghìn tấn tinh quặng đạt 25% Cu; hơn 106 nghìn tấn tinh quặng sắt 60% Fe cung cấp cho nhà máy sản xuất gang thép Cao Bằng; nộp ngân sách nhà nước 432 tỷ đồng; bảo đảm đời sống cho hơn 1.000 lao động, với mức lương bình quân gần 11 triệu đồng/người/tháng.

Ðổi mới quản lý, giảm chi phí

Chi nhánh luyện đồng Tằng Loỏng có hơn 600 cán bộ, công nhân, làm việc tập trung ở các phân xưởng Luyện - A-xít, Ðiện phân, Tuyển sỉ, Cơ điện - Vận tải và Văn phòng, việc phòng ngừa dịch Covid-19 được chú trọng hằng ngày. Ðơn vị cũng trang cấp dung dịch sát khuẩn, bình phun, khẩu trang y tế đến từng tổ, đội sản xuất; bố trí xe ca đưa đón công nhân lao động trực tiếp để hạn chế tiếp xúc, thường xuyên phun khử trùng nhà ăn, khu tập thể công nhân hai lần/tuần…, để bảo đảm an toàn sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch. Tại đây, chúng tôi bắt gặp không khí lao động khẩn trương, chuyên nghiệp, miệt mài ở từng phân xưởng, công đoạn sản xuất theo dây chuyền khép kín của nhà máy. Kỹ sư, Phó quản đốc Phân xưởng điện phân 1 Trần Mạnh Hùng đang cùng với gần 80 lao động vận hành đưa từng tấm đồng dương cực xuống bể điện phân ngập trong dung dịch a-xít. Ðây là khâu cuối cùng quyết định năng suất và chất lượng của sản phẩm đồng ca-tốt của nhà máy. Anh cho biết, nhờ áp dụng sáng kiến, các giải pháp kỹ thuật mới, đơn vị đã chủ động trong sản xuất, làm lợi cho nhà máy hàng chục tỷ đồng. Ðặc biệt, giải pháp kỹ thuật giảm tỷ lệ tàn cực trong điện phân đồng như sử dụng rọ điện phân tàn cực, tấm dương cực không tai, đã tiết giảm chi phí nấu luyện, nâng cao thực thu trực tiếp đồng ca-tốt tại công đoạn từ 38 lên 39 tấn/ngày, mỗi tháng thêm 30 tấn đồng 99,95%, làm lợi thêm gần 10 tỷ đồng.

Giám đốc Chi nhánh Lê Ngọc Minh khẳng định, đơn vị đang thực hiện cùng lúc hai giải pháp lớn để phát triển sản xuất, gồm đổi mới quản lý và áp dụng sáng kiến, giải pháp kỹ thuật hợp lý trong dây chuyền sản xuất. Ðơn vị áp dụng mô hình quản trị tinh gọn vào sản xuất, theo cách thức quản trị trực quan "dễ thấy, dễ lấy, dễ thực hiện", giảm sai sót và thao tác thừa; tổ chức sản xuất theo mô hình cắt dọc, nhằm nâng cao chuyên môn, tay nghề của mỗi người lao động. Chi nhánh đã tiết giảm đầu mối quản lý từ 15 xuống còn 12 bộ phận, chuyên sâu hóa các ngành nghề theo hướng quản lý chung, gom 45 công nhân sửa chữa tại các phân xưởng khác về Phân xưởng Cơ điện - Vận tải quản lý và điều hành, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc, giảm bớt trung gian. Chi nhánh xác định công nghệ cải tiến kỹ thuật nấu luyện và điện phân là "chìa khóa" để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho nên hằng năm dành nguồn đầu tư lớn cho lĩnh vực này. 5 năm qua, chi nhánh đã có 142 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, trong đó 20 sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi lớn được Tổng công ty Khoáng sản (thuộc TKV) công nhận với tổng giá trị làm lợi gần 21 tỷ đồng. Tính trung bình hằng năm, có hơn 30 giải pháp được áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Giai đoạn 2015 - 2019, Chi nhánh đã có hai giải pháp nghiên cứu khoa học đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc Vifotec lần thứ 14 và 15.

Năm 2020 vừa qua, Hội đồng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của chi nhánh đã xét công nhận 41 giải pháp áp dụng vào sản xuất, góp phần vượt kế hoạch sản xuất, với hơn 13 nghìn tấn đồng ca-tốt, 559 kg vàng và 555 kg bạc; bảo đảm đời sống của hơn 600 lao động với thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/tháng. Giám đốc Lê Ngọc Minh cũng thông báo tin vui, đơn vị vừa làm lễ "nhóm lò" Nhà máy luyện đồng Bản Qua, công suất 20 nghìn tấn đồng kim loại/năm, gấp hai lần nhà máy Tằng Loỏng hiện tại, là nhà máy có quy mô sản xuất đồng thành phẩm lớn nhất Việt Nam và Ðông - Nam Á. Trong năm nay, nhà máy sẽ đi vào sản xuất chính thức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng Tây Bắc và đất nước.

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/vuot-dich-san-xuat-dong-hieu-qua-o-lao-cai-648417/