Vượt biên trái phép ra nước ngoài làm thuê: Bài toán chưa lời giải

Tình trạng người dân trên khu vực biên giới tỉnh Điện Biên vượt biên ra nước ngoài lao động bất hợp pháp không còn là vấn đề mới, nhưng vẫn diễn ra trong thời gian gần đây. Phần lớn các trường hợp vượt biên ra nước ngoài làm thuê đều thuộc diện nghèo, thiếu việc làm ổn định, nguồn thu nhập bấp bênh, không đáp ứng cho cuộc sống. Họ phải chịu nhiều rủi ro khi bơ vơ trên đất khách, quê người.

Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, BĐBP Điện Biên tổ chức buổi giáo dục, kiểm điểm anh Cháng Giống Chứ về hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: CTV

Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, BĐBP Điện Biên tổ chức buổi giáo dục, kiểm điểm anh Cháng Giống Chứ về hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: CTV

Với chiêu bài sang Lào lao động kiếm được nhiều tiền, công việc nhàn hạ... của bọn người xấu, cuối năm 2015, anh Cháng Giống Chứ, 56 tuổi, trú tại bản Văn Hồ, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã vượt biên trái phép sang Lào. Ở Lào, anh Chứ phải sống chui lủi trong rừng để tránh bị cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện, bắt giữ. Ăn uống thiếu thốn, suốt ngày nơm nớp lo sợ, nhưng cuối cùng anh cũng bị lực lượng An ninh Lào bắt giữ và trao trả về Việt Nam vào ngày 5-10-2017.

Về Việt Nam với thân hình ốm yếu, trong người không còn một xu dính túi, anh buồn rầu kể: “Cũng vì muốn thoát nghèo, có cuộc sống ổn định nên tôi nghe theo lời của kẻ xấu vượt biên sang Lào, mong có thêm thu nhập. Nào ngờ, sang bên đó mới thấy cuộc sống khốn khổ, việc làm không có, có hôm chỉ được cái bánh mì ăn cầm hơi và uống nước dưới suối. Chúng nó nói, đi theo chúng sẽ sung sướng, thế mà toàn khổ thôi”.

Cũng tại xã Si Pa Phìn, anh Vàng A Cở, 50 tuổi vì nhẹ dạ cả tin, nghe lời kẻ xấu rủ rê, lén lút vượt biên sang Lào tìm kiếm việc làm vào cuối năm 2016. Sung sướng đâu anh chẳng thấy, chỉ thấy những chuỗi ngày dài chịu cảnh đói khát, thậm chí bị đánh đập. Anh Cở kể trong nỗi chua sót: “Đang lúc nông nhàn, có người gọi điện bảo sang bên đó đất còn rộng, nhiều rừng, người lại ít, dễ làm ăn, thế là không nghĩ ngợi gì, tôi liền vượt biên sang đó. Nào ngờ, đến nơi mới biết khổ, không nhà cửa, không tấc đất sản xuất, sống ở trong rừng sâu, khổ cực vất vả, lại lo sợ lực lượng chức năng của Lào bắt. Rồi ngày đó cũng đến, tháng 10-2017, đang lẩn trốn trong rừng, tôi bị lực lượng chức năng của Lào vây bắt, trả về Việt Nam. Bây giờ có cho tiền cũng không dám đi nữa đâu, tôi sợ lắm rồi, chăm chỉ làm ăn thôi”.

Tại khu vực biên giới 2 huyện Nậm Pồ và Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, những người vượt biên sang Lào như anh Chứ, anh Cở không phải là ít. Người dân ở đây không chỉ vượt biên sang Lào mà vượt biên sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp cũng chiếm tỷ lệ khá đông. Họ đang phải nhận những kết cục bi thảm, tiền mất, tật mang và rất nhiều rủi ro.

Để ngăn chặn tình trạng người dân vượt biên trái phép sang Lào, Trung Quốc lao động bất hợp pháp, thời gian qua, BĐBP Điện Biên và các lực lượng chức năng địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, triển khai quyết liệt, ngăn chặn, bắt giữ hàng trăm vụ xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp mang tính chất tình thế, về lâu dài, cần có giải pháp hữu hiệu hơn.

Đại tá Nguyễn Văn Trâm, Trưởng phòng Trinh sát, BĐBP Điện Biên cho biết: “Việc ngăn chặn công dân vượt biên sang Lào, Trung Quốc lao động trái phép thực sự nan giải. Lao động phổ thông người Mông, Hoa (Xạ Phang) thường thông qua mối quan hệ thân tộc, dân tộc để vượt biên qua biên giới rồi tìm đường đi nước khác lao động bất hợp pháp tiềm ẩn nhiều hậu quả khôn lường. Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị xác minh, xử lý và bàn giao số người vượt biên trái phép cho chính quyền địa phương quản lý, giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các đồn Biên phòng vào cuộc mạnh mẽ cùng chính quyền địa phương ngăn chặn, giải quyết tình trạng trên, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Mặt khác, các đơn vị tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng, bám nắm địa bàn, rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động lôi kéo, dụ dỗ đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới”.

Theo báo cáo của Phòng Trinh sát, BĐBP Điện Biên, từ đầu năm 2017 đến nay, trên khu vực biên giới tỉnh đã phát hiện 123 hộ với 659 khẩu di cư đi và đến. Trong đó, di cư đi các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk 71 hộ với 368 khẩu, di cư sang Lào, Trung Quốc, Myanmar 38 hộ với 221 khẩu. Nhiều người trong số họ từ nước ngoài trở về tay trắng, nhưng cũng còn may mắn hơn những người bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt, giam giữ không biết sẽ ra sao.

Để giải quyết tận gốc tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân thì hơn hết cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, ngành để giải quyết kịp thời những khó khăn về việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân yên tâm bám đất, bám bản, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của mình.

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vuot-bien-trai-phep-ra-nuoc-ngoai-lam-thue-bai-toan-chua-loi-giai/