Vượt biên chế lãnh đạo phải bồi hoàn: Phạt ai? Ai phạt?

Buộc công chức phải bỏ tiền để nộp phạt sẽ có nguy cơ làm nảy sinh những tiêu cực, tham nhũng

Phạt ai? Ai phạt?

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 21/2010 về quản lý biên chế công chức và Nghị định 110/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 21 vừa được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến, trong đó quy định người đứng đầu bộ, ngành, địa phương bị xem xét xử lý trách nhiệm và đưa vào xem xét, phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm nếu không thực hiện đúng việc quản lý biên chế.

Đồng thời, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải bỏ tiền túi bồi hoàn kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế, công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định.

Đây được coi là một hình thức "phạt" đối với những lãnh đạo để tăng biên chế tại cơ quan mình quản lý.

Càng tinh giảm biên chế, bộ máy Nhà nước càng phình to (ảnh minh họa)

Bình luận về quy định trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính nói thẳng là không ổn.

Vị PGS nhấn mạnh, muốn thực hiện cơ chế "phạt tiền" đối với lãnh đạo, người đứng đầu khi để tăng biên chế thì trước hết cơ chế luật pháp, hành pháp, cơ chế điều hành quản lý phải thống nhất.

"Ví dụ, việc quyết định biên chế hàng năm cho các bộ, ngành, địa phương thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng nhu cầu tuyển dụng lại phụ thuộc vào từng vị trí việc làm.

Trong trường hợp này, "phạt tiền" là một cách khống chế số lượng biên chế nhưng lại không bảo đảm được về chất lượng và cả số lượng biên chế cho từng bộ phận, từng đơn vị, từng lĩnh vực quản lý.

Như vậy, từ bất cập này sẽ nảy sinh thêm bất cập khác do tâm lý lo sợ phải bỏ tiền túi để bồi hoàn mà khiến nhiều lãnh đạo buộc phải khống chế biên chế bằng mọi và hậu quả chúng ta có thể thấy được là giảm biên chế nhưng chỉ nhắm vào người nghỉ hưu, không giảm được người không làm được việc...", PGS Nguyễn Hữu Tri phân tích.

Vấn đề bất cập tiếp theo, vị PGS cho hay, việc phân cấp, phân quyền, phân chia quản lý ngành dọc, ngành ngang trong bộ máy hành chính nhà nước hiện còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền quyết định số lượng biên chế.

Ông lấy ví dụ: Biên chế Văn phòng Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, trong khi, Bộ Nội vụ lại là cơ quan tham mưu cho Chính phủ lại đề xuất cơ chế xử lý. Trong trường hợp này nếu để tăng biên chế thì ai sẽ là người phải bỏ tiền ra bồi hoàn và ai là người có thẩm quyền xử lý và yêu cầu phải bồi hoàn số tiền đó?

PGS Nguyễn Hữu Tri đặt câu hỏi và cho rằng: "việc phạt tiền khi để tăng biên chế chỉ có thể áp dụng được với các đơn vị sự nghiệp, được quyền tự chủ về kinh tế, tài chính, nhân sự, không thể áp dụng trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Việc áp dụng "phạt tiền" để tăng biên chế trong cơ quan quản lý nhà nước tức là buộc công chức phải bỏ tiền để nộp phạt sẽ có nguy cơ làm nảy sinh những tiêu cực, tham nhũng, nhằm thu vén từ các khoản khác để bù đắp khoản chi tiền phạt".

Phải làm căn cơ

PGS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, mọi biện pháp tinh giảm biên chế hiện nay vẫn theo cách làm chắp vá, chưa thực hiện căn cơ, bài bản, vì lý do trên mà việc tinh giảm không hiệu quả cảng giảm càng tăng, giảm không đúng đối tượng.

Do đó, ông kiến nghị, tinh giảm biên chế phải gắn với cơ cấu vị trí việc làm. Để làm được như vậy thì trước hết phải định nghĩa rất cụ thể đối với từng cơ quan nhà nước, cụ thể thế nào là cơ quan quản lý hành chính?, cán bộ làm trong cơ quan hành chính được gọi là công chức, vậy tới đây có bỏ khái niệm công chức đi không?

Tiếp theo, đã gọi là công chức nghĩa là những người thi hành công vụ, vậy, với mỗi cơ quan, mỗi vị trí sẽ cần tới bao nhiêu công chức để thi hành công vụ cho công việc đang đảm nhận; cần cho những việc gì?...

"Khi đã định ra được như vậy thì việc quản lý biên chế sẽ được xác định là trách nhiệm, chức trách của người thi hành công vụ, tức là để vượt là không hoàn thành nhiệm vụ và phải từ chức chứ không thể phạt tiền công chức", PGS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm nghiên cứu, PGS Nguyễn Hữu Tri đề xuất thực hiện tinh giảm theo cách làm của Trung Quốc.

Cụ thể là thành lập Ủy ban biên chế quốc gia, Ủy ban có thẩm quyền quản lý toàn bộ biên chế trực thuộc các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước.

Ủy ban sẽ được giao cho một lãnh đạo Chính phủ như Phó Thủ tướng đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý. Ủy ban sẽ có trách nhiệm tổng hợp, cân đối hài hòa giữa nhân sự biên chế toàn quốc với tổng chi phí trả lương cho tổng số nhân sự đó.

Như vậy, bất cứ cơ quan nào để tăng biên chế sẽ đều do Ủy ban này xử lý, không còn tình trạng cơ quan này thừa sẽ chạy sang cơ quan khác nữa.

PGS Nguyễn Hữu Tri:Nói thật là chính sách đang mâu thuẫn!

"Tóm lại, muốn tinh giảm biên chế thì phải thiết lập lại một hệ thống cơ chế quản lý theo luật pháp rất rõ ràng.

Ví dụ, phải tách riêng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các bộ ngành trực thuộc trung ương, buộc các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa, tự chủ nguồn kinh phí, không được dựa vào ngân sách.

Trong lĩnh vực giáo dục chỉ hỗ trợ một phần kinh phí nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ những đối tượng chính sách, không thực hiện chủ trương bao cấp, đầu tư 100% kinh phí vào phát triển giáo dục", PGS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh.

Vị PGS cho rằng, nếu tinh giảm biên chế một cách máy móc, cứng nhắc như hiện nay thì không thể tinh giảm được biên chế mà càng giảm sẽ càng tăng.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vuot-bien-che-lanh-dao-phai-boi-hoan-phat-ai-ai-phat-3370817/