Vượt 'ải' môn vẽ tĩnh vật, màu nước

Lĩnh vực kiến trúc - mỹ thuật ứng dụng được chia thành nhiều ngành nhỏ: Thiết kế thời trang, đồ họa, kiến trúc, thiết kế nội thất, công nghiệp. Mỗi ngành, trường yêu cầu môn thi năng khiếu (vẽ) khác nhau.

Thí sinh thi môn năng khiếu tại Trường ĐH Kiến trúc (Hà Nội) năm 2019. Ảnh: ITN

Thí sinh thi môn năng khiếu tại Trường ĐH Kiến trúc (Hà Nội) năm 2019. Ảnh: ITN

Nhiều trường công nhận kết quả thi năng khiếu của trường khác, có trường tổ chức thi độc lập, thí sinh ngoài ôn luyện cần lưu ý thời gian thi của mỗi trường.

Nhớ thời gian thi

Năm 2020, Trường Đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành (NTTU) tuyển sinh 8 ngành có môn năng khiếu thuộc khối nghệ thuật – mỹ thuật gồm: Kiến trúc, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình, Thanh nhạc, Piano, Diễn viên Kịch, Điện ảnh – Truyền hình và Quay phim.

Theo ThS Nguyễn Bá Anh - Phó phòng Truyền thông - Marketing (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), trong đợt tuyển sinh 2020 này, nhà trường dự kiến tuyển sinh các ngành năng khiếu theo 4 phương thức xét tuyển. "Đối với ngành năng khiếu thí sinh sẽ kết hợp với điểm thi môn Năng khiếu do NTTU tổ chức hoặc nộp kết quả thi môn Năng khiếu từ trường ĐH khác có tổ chức thi năng khiếu để xét tuyển. Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên lịch thi năng khiếu của NTTU được thay đổi so với lịch thi dự kiến ban đầu. Nhà trường dự kiến tổ chức 3 đợt thi năng khiếu kéo dài từ 26/7 đến 14/9/2020" - ThS Nguyễn Bá Anh cho biết.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng tổ chức 4 đợt thi năng khiếu vẽ dành cho thí sinh muốn xét tuyển vào các ngành yêu cầu môn này trong tổ hợp xét tuyển. Cụ thể, năm 2020, HUTECH tuyển sinh 4 ngành thuộc nhóm kiến trúc - mỹ thuật ứng dụng có môn vẽ trong tổ hợp xét tuyển, gồm Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Kiến trúc và Thiết kế nội thất. Tuy nhiên, đối với 2 ngành Kiến trúc, Thiết kế nội thất, thí sinh cũng có thể lựa chọn 2 tổ hợp môn không có môn vẽ là A00 (Toán, Lý, Hóa) và D01 (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển ĐH. Thí sinh xét tuyển bằng các tổ hợp có môn vẽ có thể tham gia các đợt thi vẽ tại HUTECH để hoàn thiện hồ sơ xét tuyển.

Năm nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM (TDTU) dự kiến tổ chức 2 đợt thi năng khiếu dùng để xét tuyển vào các ngành liên quan đến mỹ thuật. Một điểm đáng chú ý là TDTU không nhận điểm thi năng khiếu của các trường khác. Do đó, thí sinh muốn theo học các ngành liên quan đến năng khiếu thì chỉ có cách đăng ký thi tại trường và dùng kết quả này để xét tuyển vào một số trường khác có ngành học tương thích và chấp nhận kết quả thi năng khiếu từ TDTU.

Theo ThS Lê Phúc - Trưởng ban Truyền thông TDTU, kết quả thi năng khiếu dùng để xét tuyển vào các ngành như: Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất, Thiết kế công nghiệp, Kiến trúc. Nhà trường dự kiến tổ chức 2 đợt thi vào: (Đợt 1) ngày 18, 19/7/2020 và (Đợt 2) ngày 21, 22/8/2020. Một điểm đáng lưu ý là thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai đợt, điểm cao nhất sẽ được dùng để xét tuyển. Đồng thời, nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Quy hoạch vùng và đô thị theo tổ hợp có môn năng khiếu phải tham gia kỳ thi năng khiếu do TDTU tổ chức mới đủ điều kiện xét tuyển.

Lưu ý về màu sắc, bố cục

Thi năng khiếu vẽ tại HUTECH. Ảnh: NTCC

Mặc dù cùng xét tuyển liên quan đến thi năng khiếu vẽ nhưng chủ đề của mỗi trường có khác nhau. Thí sinh cần phải thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin. Năm nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thi năng khiếu vẽ ở 2 lại hình: Vẽ tĩnh vật chì, Vẽ trang trí màu; Trường ĐH Tôn Đức Thắng thi Vẽ hình họa mỹ thuật và Vẽ trang trí màu; HUCTECH thi Vẽ tĩnh vật; Trong khi, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thi Vẽ trang trí màu nước và Vẽ đầu tượng.

Theo ThS Nguyễn Thị Trúc Đào (người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức chấm thi vẽ tại HCMUTE), thí sinh thi năng khiếu vẽ cần có kiến thức cơ bản về màu sắc (đối với môn Vẽ trang trí) và các tỷ lệ cơ bản, hình khối và kỹ thuật diễn tả sắc độ của đầu tượng (môn Vẽ đầu tượng).

Cụ thể, với thi vẽ Trang trí màu nước, thí sinh cần biết: Cách pha màu, phối màu, gam màu nóng, gam màu lạnh… và cách sắp xếp các họa tiết vào một bài trang trí sao cho đẹp mắt, có chính phụ, trọng tâm. Ngoài ra, thí sinh cũng nên có một phần sáng tạo của cá nhân để tạo nên sự khác biệt trong bài vẽ.

"Thông thường đề thi vẽ Trang trí màu nước nhằm đánh giá năng khiếu cơ bản của thí sinh về màu sắc, bố cục. Tuy nhiên, tính sáng tạo là yếu tố phân loại thí sinh cho ngành học thuộc nhóm ngành nghệ thuật. Do đó, để đạt kết quả cao thí sinh phải biết vận dụng kiến thức cơ bản ứng dụng vào bài thi cho phù hợp, sáng tạo và không rập khuôn. Đồng thời, thí sinh khi đến phòng thi nên chuẩn bị đủ các dụng cụ: Bảng vẽ khổ A3, màu vẽ, cọ, giẻ lau, lon đựng nước, băng keo (hoặc kẹp giấy)… và một tâm lý tự tin để thể hiện kiến thức, kỹ năng cũng như sự sáng tạo của mình" - ThS Nguyễn Thị Trúc Đào chia sẻ.

Đối với môn Vẽ đầu tượng, ThS Nguyễn Thị Trúc Đào khuyên thí sinh nhớ một số dụng cụ mang theo vào phòng thi: Bảng vẽ A3, các loại chì vẽ 2B, 3B cùng que đo, dây dọi, băng keo (kẹp giấy)… Theo kinh nghiệm từ những lần tổ chức thi trước, các thí sinh sẽ được bố trí vị trí ngồi theo hình thức bốc thăm, sau đó vận dụng kiến thức, kỹ năng diễn tả hình mẫu được bày trí trước mặt, sao cho đúng hình khối, tỷ lệ và tương quan sắc độ.

"Với môn thi Vẽ hình họa mỹ thuật, thí sinh cần luyện tập về hình thể đối tượng sự vật, phân tích cấu trúc, tỷ lệ hình khối của các vật thể, xác định sáng – tối, không gian trước – sau, khối hình, diện mảng... của các đồ vật tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, các em cần rèn luyện khả năng ghi nhận, quan sát sự vật trên không gian 3 chiều và thể hiện được các sự vật đó lên mặt giấy của không gian 2 chiều bằng ngôn ngữ đồ họa. Đồng thời, thí sinh cũng cần phải luyện tập kỹ thuật đánh chì, tạo các lớp đậm nhạt có hệ thống". - ThS Lê Phúc

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/vuot-ai-mon-ve-tinh-vat-mau-nuoc-20200614232141453.html