Vượt 200 km hiến máu hiếm cứu người

Hai người đàn ông ở Quảng Bình bắt xe khách vượt hơn 200 km ra Hà Tĩnh hiến nhóm máu hiếm cứu sống bệnh nhân vừa được Bộ Y tế tặng bằng khen.

Ngày 2/4, ông Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết vừa trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 2 cá nhân hiến máu cực hiếm cứu người bệnh.

Đó là Nguyễn Quý Hùng (giáo viên Trường THCS Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) và Nguyễn Văn Quân (cán bộ Văn phòng HĐND - UBND huyện Lệ Thủy, Quảng Bình)

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 2 cá nhân hiến máu cực hiếm. Ảnh: Song Hào.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 2 cá nhân hiến máu cực hiếm. Ảnh: Song Hào.

Một tháng trước, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Hồ Thị Thi (70 tuổi), trú xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xanh, đi ngoài phân đen. Qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày, cần truyền máu cấp cứu.

Nhóm máu của nữ bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm A Rh- (chỉ số Rh- cả 4 nhóm máu O, A, B, AB ở Việt Nam có chỉ chiếm 0,08 %).

Hai người đàn ông quê Quảng Bình bắt xe vượt 200 km ra Hà Tĩnh hiến máu cứu bệnh nhân. Ảnh: Song Hào.

Số liệu toàn tỉnh Hà Tĩnh mới có một người trùng nhóm máu, nhưng đã đi lao động ở nước ngoài. Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng không có sẵn máu dự trữ. Bệnh viện đã liên hệ Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Trung.

Tại đây anh Nguyễn Quý Hùng và Nguyễn Văn Quân thông báo cùng nhóm máu và đồng ý hiến. Họ đã bắt xe vượt hơn 200 km từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh hiến máu kịp cứu sống bệnh nhân.

Ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định tặng Bằng khen cho anh Hùng và Quân về hành động này.

Máu người được phân máu thành 4 nhóm chính là A, B, AB và O (còn gọi là hệ thống nhóm máu ABO) dựa vào sự hiện diện của 2 loại kháng nguyên A và B.

Ngoài ra còn có kháng nguyên Rhesus (ký hiệu Rh). Kháng nguyên hệ Rh phân bố thưa thớt trên bề mặt hồng cầu. Khi cơ thể có kháng nguyên Rh thì được gọi là Rh+ (dương tính). Còn cơ thể không có kháng nguyên Rh thì được xem là Rh- (âm tính). Tỷ lệ Rh+ của người Việt là 99,92%. Tức tỷ lệ Rh- của người Việt là 0,08% (rất hiếm).

Kháng nguyên hệ thống nhóm máu Rh là di truyền không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Người có nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau. Nếu truyền nhầm nhóm máu Rh+ sang Rh- sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.

Phạm Trường

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vuot-200-km-hien-mau-hiem-cuu-nguoi-post831086.html