Vương triều nhà Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Khoa thi thái học sinh năm Đinh Mùi 1247 được phân ra làm tứ chánh, người ở miền Bắc, chủ yếu là người Kinh ở Thanh Hóa và Nghệ An (tức Châu Hoan, Châu Ái), còn được gọi là Trại. Quan trường lấy riêng ngạch đó cũng đều có Tam khôi, vì vậy mà đương thời có danh hiệu 'Trạng nguyên Kinh' và 'Trạng nguyên Trại'.

Vào đầu thế kỷ XIII, tình hình đất nước ta rối loạn, họ Trần vốn có nguồn gốc từ đất Mân bên Trung Quốc, di cư sang ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (ngày nay thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), nhiều đời làm nghề đánh cá. Đến đời vua Lý Cao Tông, họ Trần nhờ có công đánh dẹp quân Quách Bốc, sau đó họ Trần dần dần có thế lực trong triều. Thái tử Lý Hạo Sảm sau khi lên ngôi, hiệu là Lý Huệ tông, đã phong cho Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, coi giữ các đạo cấm quân và bảo vệ kinh thành.

Đền Trần ở Nam Định

Trong khi đó, Trần thị Dung trở thành Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, từ đó thế lực họ ngoại của dòng họ Trần bắt đầu được xây dựng vững mạnh. Họ Trần giúp nhà Lý đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân, các thế lực chống đối, rồi dần dần thâu tóm quyền hành vào tay mình. Chứng kiến cảnh vương triều nhà Lý ngày càng rệu rã, vào năm Ất Dậu 1225, Trần Thủ Độ lập mưu cùng với Trần Thừa lúc đó đang làm Nội thị khán thủ (đứng đầu các quan hầu cận trong cung vua nhà Lý), bức vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái thứ là Lý Chiêu Hoàng lúc đó mới 8 tuổi lên làm vua.

Trần Thủ Độ và Trần Thừa còn đưa người con trai thứ hai của Trần Thừa là Trần Cảnh lúc đó mới 7 tuổi vào cung làm Chính thủ phục vụ Lý Chiêu Hoàng, sau đó dựng lên màn kịch Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh làm chồng và nhường ngôi cho chồng. Các quan trong triều vì sợ uy danh lớn mạnh của họ Trần, nên không ai dám làm gì cả.Trần Cảnh đã được truyền ngôi, vương triều nhà Trần chính thức được thành lập.

Về tổ chức hành chính và bộ máy quan lại: Thời kỳ nhà Trần tổ chức bộ máy quan lại trung ương được hoàn thiện hơn nhà Lý. Nhà Trần đặt ra chế độ Thái thượng hoàng, các vua nhà Trần sớm truyền ngôi cho con trưởng, và Thái thượng hoàng thường cùng với vua (con) trông coi chính sự.Trong triều đình đứng đầu vẫn là Tam thái, chức Thái úy từ thời nhà Lý đổi thành Tả, Hữu tướng quốc Bình chương sự.Giúp việc cho tướng quốc thời nhà Trần còn đặt thêm các chức Hành khiển, nằm trong cơ quan Mật Viện.

Bên võ thì đặt thêm các chức Phiêu kỵ tướng quân, Đại tướng quan.Khi có chiến tranh thì đặt thêm chức Tiết chếTổng chỉ huy toàn quân.Thời kỳ nhà Trần, tất cả các chức vụ quan trọng trong triều đều giao cho vương hầu quý tộc nhà Trần nắm giữ, nhà nước trung ương tập quyền được củng cố thêm một bước.

Về mặt tổ chức quân đội và quốc phòng: Thời nhà Trần, quân đội cũng được chia làm hai bộ phận như thời nhà Lý là cấm quân ở kinh thành và quân các lộ. Cấm quân được tuyển chọn kỹ càng gồm những thanh niên khỏe mạnh, và giỏi võ nghệ, cấm quân chia thành đội ngũ. Mỗi quân gồm 30 đô, mỗi đô 80 người.Năm Ất Mão 1255 thành lập Giảng võ đường để trau dồi nghệ thuật quân sự cho các tướng sỹ.

Trong thời chiến, nhà Trần cho các vương hầu được mộ dân làm gia thuộc, gia đồng, lập thành quân đội riêng – gọi là quân đội vương hầu.Đội quân này cũng như các đội dân binh của các dân tộc miền núi đã góp phần tích cực trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông xâm lược.Ngoài lục quân ra,thủy quân thời nhà Trần cũng như nhà Lý là lực lượng rất mạnh và thiện chiến. Nhìn chung, nhà Trần cũng rất chú trọng việc xây dựng lực lượng quốc phòng vững mạnh, tổ chức quân đội có quy củ rất chặt chẽ.

Về pháp luật thời nhà Trần: Hoạt động pháp chế được tăng cường, tinh thần pháp trị ngày càng được đề cao. Vào năm 1230, đời vua Trần Thái Tông, triều đình đã cho soạn Quốc triều hình luật (nhưng hiện nay sách này không còn). Đến năm Tân Tỵ 1341 đời vua Trần Dụ Tông, Nguyễn trung Ngạn và Trương Hán Siêu được lệnh biên soạn Hình thư. Hình luật và Hình thư đã nói rõ tính chất của các bộ luật đó, về căn bản là bộ luật hình sự.Ở các địa phương, các quan chức đứng đầu lộ giữ luôn việc xét xử hình án.

Luật pháp của nhà Trần về nội dung và đặc điểm cũng giống như pháp luật của nhà Lý, nhằm bảo vệ nền thống trị và quyền lợi kinh tế của các vua quan quý tộc. Duy trì và củng cố quyền lực của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.Đối với tội thập ác, đặc biệt là tội phản quốc bị trị tội rất nặng. Hình phạt của nhà Trần rất thảm khốc, kẻ ăn trộm và kẻ trốn tránh thì bị chặt ngón chân, giao cho người chủ sự được thỏa ý xử trị hoặc cho voi giày chết.

Nét đặc sắc của pháp luật thời kỳ nhà Trần là tinh thần pháp trị ngày càng được đề cao, nhưng cái gốc của đạo trị nước là nhân đức vẫn được chú trọng trong thực thi pháp luật, mặc dù tính giai cấp và đẳng cấp trong pháp luật vẫn rất đậm nét.

Về quan hệ đối ngoại: Nhà Trần vẫn tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao tích cực là chủ trương hòa hảo với các nước láng giềng, nhưng kiên quyết chống trả các thế lực ngoại xâm để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Đối với các nước Cham Pa, Ai Lao, nhà Trần thực hiện chính sách giữ yên biên cương và lãnh thổ. Còn trong quan hệ ngoại giao với nhà Nguyên ở Trung Quốc, nhà Trần tỏ thái độ cương quyết cúng rắn, tìm mọi cách để giữ vững độc lập dân tộc và tự chủ.

Mặc dù vẫn phải chịu cống nộp cho nhà Nguyên theo lệ thường từ trước, nhưng nhà Trần đã làm cho nhà Nguyên phải kính nể. khi quân nhà Nguyên sang xâm lược nước ta, vua tôi nhà Trần đã đồng lòng đứng lên ba lần đánh bại quân Nguyên – Mông, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và độc lập của dân tộc.

Về văn hóa giáo dục: Ngay từ khi mới được thành lập, nhà Trần đã rất chú trọng đến việc thi cử để tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Năm 1227, nhà Trần đã mở khoa thi Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo), các nhà chép sử thường tách riêng không coi là khoa thi Nho học. Khoa thi Nho học đầu tiên của nhà Trần được tổ chức vào năm Nhâm Thân 1332 đời vua Trần Thái Tông, bắt đầu chia người trúng trong Tam giáp (tức là ba hạng), cách gọi Tam giáp tồn tại mãi cho đến thời kỳ nhà Nguyễn về sau này.

Thi Thái học sinh là tên gọi chính thức của thi đại khoa thời Trần. Mặc dù trong sử sách có khi ghi là “Đại tỉ thủ sỹ” (khoa thi lớn, chọn học trò), hay “Đại tỉ thủ Thái học sinh”. Những người đỗ Thái học sinh được gọi là Tiến sỹ, Những thí sinh trúng tuyển cao thấp được xếp thành ba giáp là Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Đỗ nhất giáp khoa thi năm Nhâm Thân 1332 có hai người đó là Trương Hanh và Lưu Diệm, đệ nhị giáp hai người là Đặng Diễn và Trịnh Phú, đệ tam giáp đỗ một người là Trần Châu Tao.

Năm kỷ Hợi 1239, triều đình nhà Trần đã ấn định cứ 7 năm thi Hội một lần. Khoa thi năm Đinh Mùi 1247 thời vua Trần Thái Tông đã cho mở khoa thi Thái học sinh, có 40 người đỗ. Khoa thi này , triều nhà Trần bắt đầu đặt danh hiệu Tam khôi để chỉ ba người xuất sắc nhất trong số những người thi đỗ theo thứ bậc cao thấp là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Riêng về Thám hoa, thuật ngữ đầy đủ ghi trong chính sử là “Thám hoa lang”. Nguyễn Hiền là người đỗ Trạng nguyên khi đó mới 12 tuổi, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, ông chính là sử gia đầu tiên của nước ta và là tác giả của bộ sử đầu tiên cảu nước ta là bộ Đại Việt sử ký (hiện nay bộ sử này cũng không còn)

Khoa thi thái học sinh năm Đinh Mùi 1247 được phân ra làm tứ chánh, người ở miền Bắc, chủ yếu là người Kinh ở Thanh Hóa và Nghệ An (tức Châu Hoan, Châu Ái), còn được gọi là Trại. Quan trường lấy riêng ngạch đó cũng đều có Tam khôi, vì vậy mà đương thời có danh hiệu “Trạng nguyên Kinh” và “Trạng nguyên Trại”.

Triều đình đã quy định là cứ 7 năm mở một khoa thi, nhưng lệ ấy cũng chỉ được thực hiện trong vài khoa thi đấu. Thơi kỳ nhà Trần, triều đình muốn khuyến khích việc học tập của các sỹ tử ở các vùng xa kinh đô, cho nên khoa thi Thái học sinh năm 1256 quy định lấy hai Trạng nguyên, tức là một trạng nguyên Kinh và một Trạng nguyên Trại.

Năm Ất Hợi 1275 thời vua Trần Thánh Tông (1240 -1290), nhà Trần mở đại khoa, lấy 24 Thái học sinh, trúng Tam khôi ba người và Hoàng giáp trở xuống là 21 người. Từ khoa này trở đi, triều đình cho nhập Kinh và Trại với nhau.

Sau ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, các công việc đình đốn dần dần được khôi phục, nhưng việc học tập khoa cử bị xáo trộn nề nếp.Khoảng cách 10 năm mới mở một khoa thi, định lệ 7 năm không còn được giữ như trước.Năm Kỷ Hợi 1299, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu cho học trò cả nước phải học tập để đợi khoa thi.

Khoa thi lớn nhất đầu thời nhà Trần được mở vào năm Giáp Thìn 1304, với sự tham gia của hàng nghìn sỹ tử Nho học trong cả nước, số người được lấy đỗ cả ba giáp là 44 người. Vua Trần Nhân Tông đặc ân cho ba vị Tam khôi ra cửa Long Môn đi dạo chơi ngắm cảnh phố phường kinh thành trong ba ngày. Khoa thi năm Giáp Thìn này, vua Trần Nhân Tông còn đặt thêm danh hiệu Hoang giáp để chỉ những người đỗ hàng Đệ nhị giáp, danh hiệu Hoàng giáp cũng bắt đầu có từ đó.

Số người không đỗ, nhưng đã qua được 4 kỳ thi là 330 người đều cho lưu lại học tập ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (4 kỳ thi: Kỳ thứ nhất là án tả chuyên mục, thiên tử và thiên quốc; kỳ thứ nhì là Kinh nghĩa và thi phú, về Kinh nghĩa phải bàn thêm về nghĩa lý hoặc chỗ nghi ngờ của truyện kinh; Kỳ thứ ba là Chế, và Biểu; Kỳ thứ tư là một bài văn sách). Kỳ thi này, Mạc Đỉnh Chi (1280 – 1350) đỗ Trạng nguyên; Nguyễn trung Ngạn (1289 – 1370) đỗ Hoàng giáp. Tên Hoàng giáp để gọi người đỗ đầu , còn Đệ nhị giáp bắt đầu có từ đây. Năm Giáp Dần 1374 đời vua Trần Duệ Tông, bắt đầu mở khoa thi Tiến sỹ và danh hiệu Tiến sỹ chính thức có từ thời gian này, những người trúng tuyển thi Hội, thi Đình đều được gọi chung là Tiến sỹ.

Năm Bính Tý 1396, đời vua Trần Thuận Tông, lần đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước ta có định lệ về việc thi cử và cũng là lần đầu tiên có sự phân cấp thi Hương và thi Hội, như vậy gọi Cử nhân để chỉ những người đỗ các khoa thi Hương đã có từ thời gian này. Về sau này đến thời kỳ nhà Nguyễn (1802 -1945) mới dùng lại, chứ không phải đến thời kỳ nhà Nguyễn mới đặt ra như một số sách vẫn ghi chép. Phép thi Hương định rõ từ năm 1396, ai đỗ cử nhân mới được dự kỳ thi Hội và lệ này được các triều đại sau này áp dụng cho đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ mùi năm 1919 tại kỳ thi Hương được tổ chức tại tỉnh Nam Định.

Cuối thời kỳ nhà Trần, tình hình đất nước ta rối ren, triều đình nhà Trần đã trở nên mục nát, bị lung lay tận gốc. trước tình hình đó, Hồ Quý Ly vốn là một quý tộc có thê lực lớn mạnh ở trong triều đã lấn át dần thế lực nhà Trần. Và cuối cùng vào năm Canh thin 1400, Hồ Quý Ly đã phế truất vua Trần Thiếu Đế, lập ra một vương triều mới, đó là vương triều nhà Hồ. Vương triều nhà Trần đến đây chính thức đã bị sụp đổ. Nhưng với những gì đã làm được trong thời gian 174 năm tồn tại, vương triều nhà Trần vẫn xứng đáng được ghi nhận công lao trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vuong-trieu-nha-tran-trong-lich-su-phong-kien-viet-nam-61742